Nhập Khẩu 50.000 Tấn Muối
Trong lúc cuộc sống của nhiều diêm dân khốn khó vì không tiêu thụ được muối thì thông tin Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thêm 50.000 tấn muối như một gáo nước lạnh đối với họ. Tuy nhiên, tại cuộc giao ban báo chí diễn ra vào sáng nay (13/9), ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Công Thương vẫn chưa chính thức phân giao nhập khẩu 50.000 tấn muối mà mới chỉ đang xem xét, quyết định.
Theo ông Hải, việc Bộ Công Thương xem xét việc cho nhập khẩu 50.000 tấn muối trên cơ sở
thống nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà một trong những lý do được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra là “các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước có thể sản xuất muối đạt chất lượng theo yêu cầu của ngành hóa chất. Tuy nhiên, hiện nay, đã bước vào cuối vụ sản xuất 2011 nên các doanh nghiệp muối công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các doanh nghiệp sản xuất hóa chất và đã lên kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác”.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất với Bộ Công Thương phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại của năm 2011 là 50.000 tấn cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương mới đang xem xét, quyết định việc phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại để phục vụ sản xuất hóa chất trên nguyên tắc phân giao đúng đối tượng là doanh nghiệp trực tiếp sử dụng muối cho sản xuất hóa chất, không được phép trao đổi kinh doanh thương mại và sử dụng cho các mục đích khác. Và cho đến nay, Bộ Công Thương chưa chính thức phân giao 50.000 tấn muối thuộc hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đợt 2.
Liên quan đến vấn đề chất lượng muối nhập khẩu, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT với chức năng quản lý chuyên ngành sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan soạn thảo và chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn kiểm tra.
Sản lượng muối sản xuất trong nước cả năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn - giảm khoảng 200.000 tấn so với dự báo.
Được biết, ngày 13/7, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất phản ánh tình trạng không mua được muối trong nước có chất lượng phù hợp mặc dù đã liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất muối, đã gửi công văn đề nghị nhưng các doanh nghiệp này hoặc không trả lời hoặc trả lời không có khả năng cung cấp muối theo yêu cầu. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất hóa chất tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch.
Cũng theo ông Hải, trước đó, ngày 6/6/2011, Bộ Công Thương đã có công văn trao đổi với Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình sản lượng, chất lượng muối năm 2011 để tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 cho các doanh nghiệp hóa chất. Tại văn bản trả lời ngày 14/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá sản lượng muối sản xuất trong nước năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn (giảm 200.000 tấn so với dự báo cuối năm 2010), tồn kho muối khoảng 235.000 tấn, bằng 51% so với cùng kỳ năm 2010. Do lượng muối tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp còn tương đối lớn và tháng 6, 7 là những tháng cao điểm của sản xuất muối ở phía Bắc và miền Trung, vì vậy, để tạo điều kiện cho người sản xuất tiêu thụ được với giá hợp lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị chưa phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2, ít nhất là trong tháng 6 và 7.
Theo Thông tư số 45/2010/TT-BCT, lượng hạn ngạch thuế quan muối nhập khẩu năm 2011 là 102.000 tấn (gồm 100.000 tấn muối công nghiệp sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho y tế). Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước, các Bộ đã thống nhất phân giao làm 2 đợt. Đợt 1 đã phân giao 50.000 tấn vào đầu năm và đợt 2 còn lại 50.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ chọn nuôi ong ta, lấy chất lượng mật ong làm trọng và chủ động trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu của riêng hội mình, “Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa (Hàm Yên) khiến cho nhiều người trẻ giật mình trong cách làm ăn..
Trong khi các trang trại nuôi lợn nhà xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" ở cả miền ngược lẫn miền xuôi thì tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một số hộ dân lại đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đến xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị), hỏi anh Nguyễn Thọ Biền thì ai cũng biết, vậy nhưng gặp được anh lại không dễ, bởi anh luôn bận rộn với trang trại nuôi hơn 1.400 con vịt của mình. Đứng trước khu chuồng trại với hàng nghìn con vịt đẻ và 2 lò ấp trứng quy mô, anh Biền cho chúng tôi biết, cách đây gần chục năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình anh đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ. Nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã mạnh dạn đề xuất với địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang mô hình trang trại để đầu tư nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.
“Đất đai là vốn quý của người nông dân, tuy nhiên không nhất thiết có nhiều đất thì họ mới làm giàu được”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Oánh ở ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước (Đồng Phú), có 14 năm kinh nghiệm trồng rau cho thu nhập cao.
Do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khiến giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm của quí 1-2013. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo người nuôi cá tra chỉ nuôi khi có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến thủy sản.