Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhãn, Vải Việt Nam Xuất Sang Mỹ Cửa Đã Mở Nhưng Không Dễ Vào

Nhãn, Vải Việt Nam Xuất Sang Mỹ Cửa Đã Mở Nhưng Không Dễ Vào
Ngày đăng: 18/09/2014

Sau thanh long, chôm chôm, vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý cho phép vải và nhãn tươi Việt Nam được xuất sang thị trường khó tính này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ rau, quả lớn thứ tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết trái cây Việt Nam mới chỉ cung ứng cho bộ phận người Châu Á, chưa xâm nhập rộng được vào thị trường này. Thêm nữa, việc đồng ý cho vải, nhãn vào thị trường Mỹ chỉ là bước đầu, còn việc hai loại trái cây này có thể vào được và tồn tại trên thị trường đầy thách thức này là cả vấn đề.

Cơ hội lớn

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng vài trăm nghìn héc ta trồng vải, nhãn. Vải tập trung trồng chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh với tổng diện tích từ 90.000 đến 100.000ha, năm 2014 sản lượng dự kiến đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với niên vụ 2013, trong đó tỷ lệ tiêu thụ nội địa đạt trên 60%, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Nhãn được trồng ở cả hai miền Bắc và Nam.

Hai loại trái cây này có một số giống và quả chất lượng tốt, nổi tiếng như vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai - Hà Nội) nhãn xuồng cơm vàng… có tiềm năng lớn để xuất khẩu. Hiện mùa nhãn phía Bắc đang vào cuối vụ, khởi đầu của vụ nhãn chín muộn Hà Nội và nhãn tại các tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Trái cây Việt Nam với nhiều loại phong phú, đặc sản như thanh long, mãng cầu, chôm chôm, nhãn, vải có tiềm năng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả. Tuy nhiên, việc phát triển còn mang tính tự phát, chưa gắn với thị trường nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu, trái cây đổ bỏ, rớt giá như thanh long Bình Thuận, vải Bắc Giang...

Bên cạnh việc phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, chất lượng và diện tích trái cây Việt Nam được công nhận VietGAP còn rất nhỏ, chưa nói đến các tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu như GlobalGAP. Để khai thác tốt tiềm năng mặt hàng này, ngoài quy hoạch, nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có tính toán về thị trường.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm ước đạt 961 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tận dụng tốt lợi thế và cơ hội, xuất khẩu trái cây sẽ tăng rất lớn cả về lượng và giá trị trong những năm tiếp theo.

Thách thức càng lớn

Ông Hoàng Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ cùng các cơ quan chức năng giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp hoàn thành những điều kiện để xuất khẩu 2 loại trái cây này vào thị trường Mỹ.

Cụ thể, Cục sẽ phối hợp với cơ quan kiểm dịch của Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam; yêu cầu các nhà máy chế biến xuất khẩu hoàn thành xong "bản đồ chiếu xạ" đối với các loại nông sản này. Nếu hoàn thành sớm được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật gửi sang Mỹ sớm và được chấp thuận thì nhãn sẽ được xuất khẩu trước.

Những điều kiện về tiêu chuẩn đặt ra đã có, song việc triển khai thế nào là cả vấn đề. Hà Nội có sản phẩm nhãn chín muộn nổi tiếng cả nước. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, giống nhãn này được trồng chủ yếu tại huyện Hoài Đức và Quốc Oai với diện tích khoảng vài trăm héc ta. Huyện Quốc Oai có khoảng 120ha nhãn chín muộn, năng suất đạt 30 tấn/ha/năm; giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 42 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Huy Hạnh, một trong những hộ trồng nhãn chín muộn tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai cho biết: Tin nhãn quả được phép xuất khẩu vào Mỹ khiến người trồng nhãn chín muộn rất phấn khởi, tuy nhiên để vào được thị trường này đòi hỏi nhãn phải được sản xuất theo những tiêu chuẩn rất khó.

Nghe giới thiệu các tiêu chuẩn đó đã không hiểu chứ chưa nói đến triển khai sản xuất. Đây không chỉ là băn khoăn của người trồng nhãn Hà Nội mà còn là lo lắng của hầu hết người trồng nhãn, vải trên cả nước.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng, lâu nay việc trồng trái cây Việt Nam hoàn toàn tự phát, thiếu quy hoạch, đặc biệt vấn đề chất lượng còn đang bỏ ngỏ, hiện diện tích đạt chứng nhận VietGAP chưa nhiều và nông dân chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều đầu tiên phải đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Đây là con đường để nông sản Việt Nam tồn tại cả trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài vấn đề chất lượng, việc quy hoạch vùng sản xuất và định hướng, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe như vậy, cần phải có những doanh nghiệp xuất khẩu được đầu tư lớn về vốn, khoa học, công nghệ và am hiểu thị trường. Ngoài ra, phải hình thành mối liên kết từ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối để tránh xảy ra tình trạng ứ đọng khi vào chính vụ.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải chủ động trong việc áp dụng các biện pháp khoa học - công nghệ trong bảo quản nông sản. Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm việc với Nhật Bản về chuyển giao công nghệ bảo quản vải, qua đó trái vải sẽ bảo quản được từ 3 tháng trở lên, là thông tin rất phấn khởi liên quan tới vấn đề này.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Hiện sản lượng nhãn chín muộn Hà Nội mới chỉ cung ứng cho thị trường Hà Nội, một vài hộ xuất sang Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch nên để đáp ứng xuất khẩu theo hợp đồng là hết sức khó khăn. Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhãn chín muộn; đồng thời liên kết doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn, giúp nhãn chín muộn Hà Nội thâm nhập vào thị trường Mỹ.


Có thể bạn quan tâm

Cước Vận Chuyển Tăng Cao, Mía Tím Rớt Giá Cước Vận Chuyển Tăng Cao, Mía Tím Rớt Giá

Anh Khá cho biết: “Nếu như mọi năm, sau khi thỏa thuận được giá cả, thương lái sẽ giao hết tiền và nhanh chóng thu hoạch hết mía chỉ trong 1 - 2 ngày. Năm nay, thương lái chỉ đặt cọc khoảng 70% và sau cả tuần lễ họ cũng chưa chặt hết mía trên ruộng”.

11/08/2014
Trung Quốc Cấm Nhập Khẩu Gạo Tiểu Ngạch Từ Việt Nam Trung Quốc Cấm Nhập Khẩu Gạo Tiểu Ngạch Từ Việt Nam

Chính quyền Trung Quốc đã chính thức cấm nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch từ Việt Nam, nhằm thắt chặt kiểm tra các khoản thu thuế đối với các nhà nhập khẩu nước này.

11/08/2014
3 Triệu Đồng/con Gà Tiến Vua, Muốn Mua Phải Chờ Đến Tết 3 Triệu Đồng/con Gà Tiến Vua, Muốn Mua Phải Chờ Đến Tết

Một con gà Hồ trưởng thành nặng 5 - 6kg có giá 2,5 - 3 triệu đồng. Thịt gà thơm ngon, giá cao ngất nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn, thực khách muốn ăn phải chờ đến Tết.

11/08/2014
'Gã Khùng' Đánh Thức Ruộng Hoang 'Gã Khùng' Đánh Thức Ruộng Hoang

Sinh năm 1977 trên vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã lụt Thanh Miện, chàng thanh niên Cao Văn Lâm vốn ôm ấp nhiều giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cảnh... làm ruộng. Lang bạt mãi và làm đủ nghề rồi cũng không đến đâu, anh đã chọn con đường riêng là trở về quê để… đi cấy.

11/08/2014
Mô Hình Nuôi Cá… Không Cho Ăn Mô Hình Nuôi Cá… Không Cho Ăn

Từ năm 2011, mô hình nuôi cá không cần cho ăn hình thành ở sông La Ngà (huyện Định Quán), Đồng Nai, đến nay đã có nhiều gia đình ứng dụng cách làm này.

11/08/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.