Giá Lúa Giảm Sâu, Nông Dân Gặp Khó
Gần một tuần nay, giá lúa đông xuân bất ngờ giảm sâu 200 - 500 đồng/kg, thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc khiến nông dân điêu đứng...
Những ngày này, đi trên các tuyến đường từ huyện Thanh Bình qua Tam Nông, đến các xã Hưng Thạnh, Trường Xuân (Tháp Mười - Đồng Tháp)... chúng ta không khó bắt gặp cảnh người dân phơi lúa đầy đường vì nhiều thương lái bỏ tiền đặt cọc mua lúa.
Anh Lê Văn Thuyền, nông dân xã Hưng Thạnh, Tháp Mười cho biết: “2ha lúa IR50404 của tôi thu hoạch nhưng thương lái không chịu mua nên đành đem lúa ra lộ phơi. Hai tuần trước, thương lái đồng ý mua 4.700 đồng/kg lúa tươi và đặt cọc 4 triệu đồng, nhưng bây giờ họ nói nếu bán giá 4.500 đồng/kg thì mua, nếu không bán thì họ bỏ tiền cọc. Giá này bán không có lời nên tôi ráng phơi giữ lại chờ giá lên”.
Ông Lý Văn Trúc ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông kể: “Tôi nhận tiền cọc của thương lái 2 triệu đồng, đồng ý bán lúa IR50404 với giá 4.600 đồng/kg (lúa tươi), nhưng tới ngày thu hoạch tôi điện cho thương lái, thì họ nói lúa xuống giá quá thấp không mua, làm gia đình tôi điêu đứng vì phải thuê nhân công phơi, vận chuyển mà không biết khi nào bán được lúa”.
Thương lái Nguyễn Thị The thu mua lúa vùng Đồng Tháp, An Giang cho biết, từ đầu vụ đến nay nhiều thương lái bị lỗ vì giá lúa giảm, và có nhiều trường hợp chấp nhận bỏ tiền đặt cọc vì nếu mua theo hợp đồng sẽ lỗ nặng hơn. Nguyên nhân giá lúa, gạo giảm mạnh là do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu hạn chế mua vào vì chưa có hợp đồng xuất khẩu.
Thị trường diễn biến khó lường nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chỉ mua nhỏ giọt, thậm chí “án binh bất động”, không dám mua gạo lưu kho. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện công ty chỉ mua đủ đáp ứng nhu cầu giao cho khách hàng chứ không dám mua nhiều vì sợ lỗ. “Mới giữa tuần trước giá gạo lứt 7.400 đồng/kg, nhưng đầu tuần này chỉ còn 6.600 đồng/kg và không thể biết tiếp tục diễn biến ra sao” - vị này nói.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH XNK thương mại Võ Thị Thu Hà: “Nói giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp không dám mua vào là không cơ bản, bởi hiện nay giá lúa đã giảm đến đỉnh. Đối với doanh nghiệp không có hợp đồng đầu ra ổn định thì sẽ khó khăn và không dám mua vào, riêng đối với chúng tôi, đã có hợp đồng đầu ra ổn định từ đầu năm nên Công ty vẫn giữ nguyên giá thỏa thuận và thực hiện hỗ trợ 200 đồng/kg cho nông dân như hợp đồng liên kết từ bấy lâu nay. Theo ông Hiền, hiện công ty đang thực hiện bao tiêu lúa cánh đồng 287ha tại hợp tác xã Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông với giá lúa thỏa thuận theo thời điểm và hỗ trợ 200 đồng/kg lúa cho người nông dân”.
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện liên kết trên địa bàn vẫn đang “gồng mình” hỗ trợ cho nông dân vùng liên kết, tuy nhiên số lượng thực hiện chỉ bằng 60% so với trước đây.
Nguyên nhân là do giá lúa giảm đột ngột, doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu dài hạn nên không dám thu mua vì sợ lỗ vốn. “Phải hiểu một điều rằng, liên kết tiêu thụ là xuất phát từ nhu cầu thị trường nên nếu cung vượt cầu, doanh nghiệp ngừng mua cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là phải có sự điều hành từ cấp vĩ mô để giúp sức cho những doanh nghiệp này có những bước đi lâu dài” - ông Sa phân tích.
Cũng theo ông Sa, hiện nay Chính phủ đã có chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2013-2014, nhưng đang chờ sự thống nhất giữa 2 Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện.
Thảo Vy
Mặc dù giá lúa thị trường giảm mạnh nhưng Công ty TNHH Võ thị Thu Hà vẫn giữ nguyên giá thu mua theo thoả thuận với nông dân cánh đồng liên kết sản xuất xã Hòa Long, huyện Lai Vung là 5.400 đồng/kg đối với giống lúa chất lượng cao OM 4218, cao hơn 200 đồng/kg so giá thị trường tại thời điểm định giá. Ngày 9/3, Công ty đã thu mua tại đây được 135 tấn lúa và đang tiếp tục thu mua lúa của nông dân đến khi dứt điểm. Theo ước tính với diện tích hơn 100ha, nông dân sẽ bán cho Công ty khoảng 400 đến 500 tấn lúa.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, một số hộ nông dân ở xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã thực hiện thành công mô hình trồng chanh không hạt (có xuất xứ từ tỉnh Bến Tre).
Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phòng, đất nước độc lập. Những người lính chiến đấu trong quân đội trở về với quê hương, gia đình mình. Người thì lo làm kinh tế, người thì tiếp tục phục vụ cho địa phương nơi mình sinh sống.
Trong khi nhà vườn trồng nhãn thua lỗ do bệnh chổi rồng hoành hành thì người trồng sầu riêng ở Sóc Trăng phấn khởi vì hiện tại, giá bán sầu riêng tại vườn ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vẫn giữ mức khá cao.
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy hải sản trên cả nước phát triển tương đối mạnh, nhiều đối tượng nuôi như: Tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá ba sa… đã chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.
Các cơ quan chức năng thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã tích cực triển khai thực hiện việc tháo dỡ bẫy tôm hùm con, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn hàng ngàn bẫy đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi việc thực hiện Chỉ thị số 01 của UBND tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn.