Nhãn sạch chín muộn hút khách, giá cao
Thời điểm này, người dân tại một số vùng trồng nhãn như Hà Nội, Hưng Yên... đang bước vào vụ thu hoạch. Ghi nhận của phóng viên NTNN cho thấy, năm nay nhiều nơi nhãn được mùa và được cả giá, nhất là đối với những vùng trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người tiêu dùng chuộng nhãn sạch
Từ một cây nhãn tổ, đến nay xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) đã có gần 130ha nhãn, với giá trị kinh tế cao gấp cả 7 – 8 lần lúa. Gần đây khách hàng đã quen với thương hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành”, bởi chính chất lượng, sạch và an toàn, khi nó được trồng, chăm sóc theo mô hình an toàn VietGAP. Anh Nguyễn Văn Thành- người đầu tiên trồng giống nhãn chín muộn này cho biết: “Đặc điểm vượt trội của giống nhãn này là thời gian chín muộn hơn các loại nhãn khác từ 30 – 40 ngày (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9). Độ xuống nước của nhãn chậm, có thể để được quả trên cây cả tháng mà chất lượng vẫn ngon, không bị mất vị, nên không phải dùng thuốc hãm”.
Năm 2008, khi nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống nhãn chín muộn ở Đại Thành, Viện Nghiên cứu Rau quả T.Ư đã khẳng định, cây nhãn tổ không phải là giống di truyền mà là đột biến gen. Theo đó, ngoài cây nhãn tổ, trong 40 cây nhãn có tuổi đời khoảng 30 tuổi của anh Nguyễn Văn Thành, Viện đã công nhận thêm 15 cây đầu dòng có chất lượng tốt được phép nhân giống. “Hiện tôi có 150 cây nhãn, sản lượng khoảng 15 tấn quả/vụ, với giá bán 40.000 – 45.000 đồng/kg tại vườn. Năm nay nhãn ở Đại Thành có chất lượng rất tốt, nên khách hàng đến mua đông, nhiều hộ không còn nhãn để bán” – anh Thành cho hay.
Ông Nguyễn Hồng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, khoảng chục năm gần đây, xác định đây nhãn là cây trồng tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, nên huyện đã lập quy hoạch, lộ trình để phát triển nhãn chín muộn. Hiện cả huyện có khoảng 120ha, dự kiến đến năm 2020 là 150ha, tập trung chủ yếu ở xã Đại Thành và một phần ở xã Tân Phú, với sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm.
“Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã chứng nhận thương hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai” cho gần 600 thành viên. Mặc dù đây là cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao, song không vì thế mà huyện phát triển ồ ạt. Chúng tôi xác định đây là cây đặc sản, nên chỉ phát triển ở những nơi phù hợp, có chất lượng, năng suất cao, để bán được với giá cao theo đúng nghĩa của sản phẩm đặc sản” – ông Lâm cho hay.
Mua nhãn sạch ở đâu?
Tại Đại Thành, hiện có đến 90% số hộ dân trong xã trồng nhãn và hầu hết đều áp dụng theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Ông Nguyễn Văn Hạnh - một trong những người đang áp dụng mô hình VietGAP chia sẻ: “Chúng tôi trồng nhãn để bán cho người tiêu dùng, nên rất cần hiểu tâm lý của họ. Bây giờ họ rất quan tâm đến sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, mà mình làm “rởm” chắc chắn sẽ không bán được. Chúng tôi đã thay đổi tư duy, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và phun đúng thời điểm. Ngay cả phân bón cũng chủ yếu dùng phân chuồng là chính, nên chất lượng nhãn ngày càng cao”.
Chia sẻ về đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Quang Thắm – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: “Hiện cung vẫn chưa đủ cầu, nhãn Đại Thành chủ yếu được bán tại các siêu thị lớn như Metro, BigC… chứ rất ít bán lẻ ở ngoài. Trước mắt chúng tôi sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước, nâng mức giá trung bình đạt khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg. Về lâu dài sẽ liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, giới thiệu sản phẩm đi thị trường Mỹ, Nhật Bản…”.
Tại vùng nhãn Hưng Yên, thời điểm này bà con nông dân cũng đang tất bật thu hoạch nhãn, trong đó có nhiều vườn nhãn phục vụ xuất khẩu. Nhà đang trồng hơn 100 gốc nhãn, ông Trịnh Văn Thinh – Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam (TP.Hưng Yên) cho biết: “Để có đầu ra ổn định với giá cao, dù khó khăn, nhưng nhiều người trồng nhãn chúng tôi vẫn cố làm bằng được để xuất khẩu”.
Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000ha nhãn trồng quy mô tập trung, sản lượng 35.500 - 40.000 tấn/năm, giá trị thu nhập từ 400 - 500 tỷ đồng/năm. Ngoài việc thu hoạch để bán ở thị trường trong nước, năm nay Hưng Yên còn xây dựng các vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Mỹ tại xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên (gần 10ha) và tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (gần 11ha).
Để đảm bảo sạch và đạt tiêu chuẩn nhãn xuất khẩu, bà Chải lưu ý: Bà con chú ý không bón phân tươi trực tiếp vào gốc nhãn mà phải ủ phân hoai mục theo hướng dẫn của cán bộ BVTV. Tốt nhất là bón theo nguyên tắc “1 đợt lộc, 2 lần bón”. Cụ thể, với nhãn đang trong giai đoạn thu hoạch thì bón 4 lần/năm. Để quả nhãn có chất lượng thơm ngon, bà con nên bổ sung đất phù sa vào vườn nhãn hàng năm, sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân bón tự chế như phân cá, đậu tương, ngô...
Có thể bạn quan tâm
Có thể nói, dù không phải là năm được đánh giá cao về sản lượng, nhưng giá cả và mức độ tiêu thụ mùa cam 2013 đã làm hài lòng người trồng cam. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trung bình giá cam mùa 2013 đạt từ 18.000 – 20.000đ/kg; giá bán của trái cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 23.000 – 25.000đ/kg.
Vụ Đông-xuân năm 2014, theo kế hoạch, huyện Quang Bình gieo cấy với tổng diện tích lúa 2.394,24 ha, cơ cấu giống mới chiếm trên 90% diện tích, chủ yếu là giống Nhị ưu 838, HKT99, BG1, BC15.
Trong những ngày đầu năm mới, một hộ nuôi tôm tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã thu lợi nhuận hơn 700 triệu đồng từ bán tôm thẻ chân trắng.
Hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân Khánh Hòa trong thời gian qua gặp không ít khó khăn, chính vì vậy, nhiều tàu thuyền buộc phải nằm bờ để tránh việc thua lỗ. Tuy nhiên, sau một thời gian nằm bờ, đến nay, nhiều tàu cá bắt đầu ra khơi đánh bắt trong vụ cá chính của năm.
Hiện nay, nông dân ở vùng ngập mặn thuộc các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú.