Hướng đi mới cho sản xuất nhãn lồng ở Hưng Yên
Cây xóa nghèo cho nông dân
Mờ sáng, cùng chúng tôi len lỏi trong chợ Giầu, thuộc xã Quảng Châu, TP Hưng Yên, Trưởng phòng kinh tế TP Hưng Yên Nguyễn Văn Oanh cho biết: Vào vụ thu hoạch nhãn, các chủ vườn, tư thương trong và ngoài tỉnh đưa quả nhãn về đây từ hai, ba giờ sáng, mua, bán rất đông, có lúc chợ họp dài đến nửa cây số.
Qua chợ Giầu, chỉ những rặng nhãn cổ thụ, những vườn nhãn chạy dài theo triền đê sông Hồng của các xã Hồng Nam, Tân Hưng, Quảng Châu, anh Oanh giới thiệu:
Đây là vùng trồng nhãn lồng đặc sản lớn của TP Hưng Yên, rộng hàng trăm ha, đến mùa thu hoạch, du khách đến tham quan, thưởng thức quả nhãn tươi ngay trong vườn, mua làm quà, hình thành các tua du lịch tâm linh - miệt vườn rất hấp dẫn.
Trong vườn nhãn xuất khẩu gần hai mẫu tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, tiếp chúng tôi, ông Bùi Xuân Tám tâm sự: Cây nhãn đã gắn bó với nông dân thôn Nễ Châu hàng trăm năm nay, cho thu mật, phấn hoa, quả tươi, long nhãn nhưng chỉ trồng trong vườn, ven các đường làng, ngõ xóm, cho nên chưa phát huy được tiềm năng; còn toàn bộ dải đất chạy dọc chân đê sông Hồng là vùng đất trũng, nông dân cấy lúa, trồng ấu cho thu nhập thấp lắm.
Từ khi thôn, xã phát động phong trào phát triển kinh tế vườn, đưa cây nhãn ra ngoài đồng, nông dân trong thôn cùng nhau cải tạo toàn bộ dải đất trũng, lập vườn, trồng nhãn. Mỗi sào nhãn, năm nhiều thu hơn 10 triệu đồng, năm ít cũng khoảng 6 triệu đồng, gấp năm, sáu lần cấy lúa. Cây nhãn đã thật sự trở thành cây xóa nghèo cho thôn Nễ Châu, nhiều hộ giàu lên nhờ trồng nhãn.
Huyện Khoái Châu là vùng trồng nhãn lớn của tỉnh Hưng Yên, chủ yếu là giống nhãn chín muộn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử Nguyễn Văn Thế cho biết: Người có công trong phong trào trồng nhãn chín muộn ở huyện Khoái Châu là anh Miền, xã Hàm Tử.
Từ trước năm 2000, cây nhãn chín muộn của gia đình anh Miền được Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên bình tuyển là cây nhãn đầu dòng, anh Miền đã nhân giống, cung cấp giống cho các nông hộ cải tạo vườn trồng nhãn.
Nhãn chín muộn ở huyện Khoái Châu thường thu hoạch vào cuối tháng 8, khi nhãn chính vụ thu hoạch gần xong cho nên giá bán thường cao hơn nhãn chính vụ từ 10% đến 20%.
Hiệu quả kinh tế của cây nhãn chín muộn rất lớn, là động lực để nhiều hộ nông dân Khoái Châu dồn ruộng, thuê thêm đất trồng nhãn. Theo thời gian, giống nhãn chín muộn được trồng trên diện rộng ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, An Vĩ, Tân Dân... hình thành các vùng nhãn tập trung ở huyện Khoái Châu, với diện tích 1.500 ha.
Năm nay, nhãn chín muộn ở Khoái Châu được giá, mang lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, nhiều hộ thu ngót tỷ đồng.
Hướng đi mới cho người trồng nhãn
Tại vùng trồng nhãn xuất khẩu thuộc xã Hồng Nam, anh Bùi Văn Sử phấn khởi cho biết: Gia đình anh có hơn một mẫu nhãn nằm trong khu vực được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vụ này, anh và một số hộ trong tổ hợp tác sản xuất nhãn cung cấp gần một tấn quả tươi cho doanh nghiệp xuất sang Mỹ chào hàng. Anh Sử cho biết thêm:
Ngày mới chuyển sang kinh tế thị trường, quả nhãn có giá lắm, nhất là sản phẩm long nhãn, có bao nhiêu tư thương mua hết để xuất tiểu ngạch qua biên giới. Nhưng bây giờ việc tiêu thụ nhãn rất bấp bênh, do nhiều nơi trồng nhãn, sản lượng quả lớn trong khi thị trường tiêu thụ vẫn eo hẹp.
Long nhãn vẫn chỉ xuất theo đường tiểu ngạch, dễ bị ép giá. Có năm nhãn được mùa, long nhãn bị đối tác dìm giá, làm cả người trồng nhãn và người chế biến, kinh doanh long nhãn lao đao. Ngay cả quả nhãn tươi tiêu thụ trong nước cũng đang bị cạnh tranh không lành mạnh, do tư thương mang nhãn Thái-lan về nói là nhãn “lồng Hưng Yên” bán ở ngay TP Hưng Yên và nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh.
Chúng tôi mong có thêm nhiều thị trường mới để người trồng nhãn đỡ bị o ép.
Tại hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết:
Thị trường trong nước và ngoài nước rất lớn, doanh nghiệp cũng đang cần mua quả nhãn đạt tiêu chuẩn chất lượng để cung cấp cho phân khúc thị trường cao cấp; trước mắt trong hệ thống siêu thị, sau đó sẽ đưa quả nhãn sang thị trường một số nước như: Hoa Kỳ, Australia, Singapore...
Doanh nghiệp rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các chủ vườn, cơ quan chức năng của tỉnh trong việc tổ chức sản xuất ra quả nhãn đạt chất lượng tốt, sản lượng lớn, ổn định, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hưng Yên là vùng trồng nhãn lớn, hơn 3.000 ha; trong đó khoảng 90% diện tích là nhóm giống nhãn lồng đặc sản gồm: nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn cùi, nhãn chín muộn Khoái Châu...
Nhãn Hưng Yên có ba trà: nhãn chín sớm, thu hoạch từ khoảng ngày 15 đến 30-7, chiếm khoảng 5% diện tích; nhãn chính vụ, thu hoạch từ ngày 5 đến 25-8, chiếm khoảng 55%; nhãn chín muộn, thu hoạch từ ngày 30-8 đến 20-9, chiếm khoảng 40%.
Các chủ vườn đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh nhãn, khắc phục được tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành” tạo điều kiện cho phong trào cải tạo vườn tạp, đưa cây nhãn ra ngoài đồng phát triển hình thành các vùng trồng nhãn chuyên canh lớn ở TP Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động... cho sản lượng từ 35 nghìn tấn đến 40 nghìn tấn quả/năm.
Trước những băn khoăn, trăn trở của nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nhãn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Doanh cho biết: Tỉnh đã triển khai dự án “bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn”.
Trong đó, chú trọng việc tiếp tục hướng dẫn nông dân mở rộng sản xuất theo quy trình VietGap, phấn đấu đạt từ 10% đến 20% tổng diện tích trồng nhãn.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có khoảng 150 ha nhãn của hơn một nghìn chủ vườn thực hiện thâm canh theo quy trình VietGap, bảo đảm quả nhãn sản xuất ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cung cấp cho các siêu thị trong nước.
Các huyện, thành phố đang hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nhãn như: hợp tác xã nhãn lồng xã Hồng Nam, tổ hợp tác sản xuất nhãn xuất khẩu thôn Nễ Châu, thôn An Cảnh, xã Hàm Tử. Đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và tạo điều kiện giao lưu, tiếp xúc giữa người trồng nhãn với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn.
Đặc biệt, năm nay tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được hai vùng trồng nhãn xuất khẩu với diện tích khoảng 20 ha và đã xuất một lô nhãn cho doanh nghiệp để họ mang sang thị trường Mỹ chào hàng; thông qua tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại đầu vụ nhãn đã có nhiều doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ nhãn với một số tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhãn trên địa bàn tỉnh.
Đây là hướng đi mới đưa Hưng Yên trở thành vùng sản xuất nhãn cao cấp lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu và hệ thống siêu thị trong nước. Qua đó, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây nhãn lồng đặc sản, góp phần giải bài toán đầu ra cho quả nhãn, cũng như tạo điều kiện phát triển du lịch ở nhiều địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, tình hình nuôi tôm đã không ảm đạm như những năm trước, mọi kết quả đều khả quan, đa phần người nuôi có lãi. Tuy nhiên, nội tại ngành tôm vẫn còn nhiều bất ổn.
Và thật độc đáo, thịt cá dai dai, sừn sựt. Hỏi thì nhiều quản lý nhà hàng bảo rằng đó là giống cá chép của Nga, được nhập về theo dạng cá con và phải nuôi bằng thức ăn đặc biệt. Chính vì vậy, giá của cá mới lên đến 400.000 đồng/kg tại nhà hàng, cao hơn vài lần so với cá chép bình thường.
Dọc theo cầu Thái Hòa đến khu vực cầu Nổi rạch Tây Ninh, dưới mé sông, đủ loại cá ngoi đầu lên mặt nước đớp không khí. Một người dân tên Tú (ở gần cầu Bến Chùa, xã Thanh Điền, Châu Thành) cho biết, từ sáng sớm anh đã thấy cá nổi nhiều trên rạch nên chèo ghe đi vớt. Chỉ chưa đầy một buổi mà vớt được gần chục ký cá.
Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lại Văn Diến, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn là hộ gia đình hội viên nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.
Sáng ngày 6/8, Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam (VietFish) lần thứ 16 năm 2014 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh.