Hạt cà phê cõng 17 khoản thu
Nhiều năm qua, hàng ngàn nông dân nhận khoán và công nhân các công ty cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk “gõ cửa” cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo hành vi sai trái của các công ty cà phê để đòi quyền lợi. Điển hình tại huyện Cư Kuin, hàng trăm người nhận khoán, công nhân các công ty cà phê liên tục kéo nhau lên tỉnh, ra tận trung ương khiếu nại, tố cáo 6 công ty “phát canh thu tô”.
Tận thu
Xí nghiệp cà phê Việt Đức được hình thành vào cuối những năm 70 thế kỷ trước bằng nguồn vốn hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức, quản lý phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin và một số vùng lân cận.
Đến năm 1984, xí nghiệp này tách thành 6 nông trường rồi chuyển thành Công ty TNHH MTV trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Qua thời gian, hiện chỉ còn chưa đầy 1/3 diện tích có cây cà phê của nhà nước đầu tư nhưng đã già cỗi, năng suất thấp; số còn lại do người dân phục hóa đất đai và đầu tư 100% vốn trồng, chăm sóc nhưng họ phải nộp sản lượng rất cao, thậm chí có nhiều khoản thu vô lý.
Công ty TNHH MTV Cà phê Ea H’nin (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) - một trong 6 công ty nói trên hiện quản lý 667 ha cà phê (chủ yếu do người dân đầu tư 100% vốn) với 1.118 hộ nhận khoán. Trong đó chỉ có 162 hộ nhận khoán là công nhân của công ty, còn lại là người lao động bình thường liên kết sản xuất.
Bức xúc trước việc thu sản lượng cao, nhiều khoản không hợp lý, thu cả những diện tích nằm ngoài diện tích của công ty nên nhiều năm qua, hàng chục hộ nhận khoán đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.
Trong số đó, theo phản ánh của 17 hộ dân có đất tại tờ bản đồ số 34 và 49 thì đây là diện tích nằm ngoài ranh giới quản lý của công ty theo Quyết định cho thuê đất số 311/QĐ-UBND ngày 23-1-2003 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Số diện tích này do các hộ tự đầu tư 100% vốn trồng cà phê từ năm 1992-1995 nhưng từ năm 1997-2013, công ty vẫn áp đặt thu sản lượng từ 1,9 - 3,4 tấn cà phê tươi/ha/năm và thu tiền thuê đất từ năm 2011 đến nay.
Phần lớn diện tích cây cà phê ở các công ty do người dân bỏ vốn trồng, chăm sóc nhưng vẫn phải nộp sản lượng cao
Tương tự, Công TNHH MTV Cà phê Chư Quynh (xã Ea Ning), hiện quản lý gần 1.000 ha đất với hơn 1.200 hộ nhận khoán. Trong thời gian qua, nhiều hộ đã khiếu nại rất nhiều vấn đề, trong đó đối với những người tự đầu tư 100% vốn từ khâu trồng, chăm sóc và không phải là công nhân của công ty (không đóng bảo hiểm) nhưng công ty vẫn thu các khoản như tiền đi phép của cán bộ, tiền lãi vay trả lương, trợ cấp mất việc làm…
Ông Lê Thành Châu (ngụ thôn 21, xã Ea Ning) cho biết gia đình ông tự đầu tư 100% vốn và công sức để chăm sóc vườn cà phê nhưng công ty bắt ký hợp đồng với nội dung vườn cây của công ty và thu nhiều khoản vô lý nên gia đình ông không chấp nhận. Lập tức, công ty khởi kiện ra tòa án đòi sản lượng và thu hồi đất.
Các hộ Trần Văn Đình, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Đỏ… cho rằng họ là những hộ dân tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới, các vườn cây cà phê của họ tự trồng và đầu tư nhưng nếu không giao nộp sản lượng thì bảo vệ công ty không cho thu hoạch và sẽ thu hồi lại diện tích đất vườn cà phê…
Thu phí cao vẫn lỗ
Tiếp chuyện với phóng viên, ông Dương Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea H’nin, tỏ ra khó chịu: “Tôi là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, vừa được phân công tiếp quản công ty nên hiện đang đau đầu với sổ sách, nợ nần”.
Ông Cường cho biết hiện công ty chỉ còn khoảng 1/3 diện tích vườn cây, số còn lại cho người dân tự trồng, chăm sóc.
Phần diện tích người dân tự đầu tư, công ty thu 1,8 tấn cà phê tươi/ha/năm, còn vườn cây của công ty thì thu hơn 2,5 tấn cà phê tươi/ha/năm.
Công ty đang rất khó khăn, ngân hàng không cho vay vì nợ quá hạn nên không có vốn để kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành như thu mua nông sản, buôn bán phân bón. “Hiện công ty đang nợ hơn 23 tỉ đồng, tất cả đã đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn, thậm chí nhiều tháng qua, công ty không có tiền để trả lương cho cán bộ” - ông Cường thừa nhận.
Còn tại Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh, doanh nghiệp này thu 16 khoản phí với gần 2,7 tấn quả tươi/ha/năm; vườn cây của người dân đầu tư thu hơn 2,2 tấn cà phê tươi/ha/năm. Ông Hồ Phúc Long, giám đốc công ty, cho rằng có người phản ánh đối với vườn cây do người dân tự trồng, chăm sóc mà thu cao nhưng chúng tôi xây dựng phương án khoán dựa trên hướng dẫn và đã được tổng công ty phê duyệt.
Lý giải việc các hộ liên kết, không phải là công nhân công ty, vườn cây tự họ trồng, chăm sóc nhưng phải đóng các khoản vô lý như tiền tàu xe cho cán bộ nghỉ phép, tiền bảo hiểm thất nghiệp…, ông Long nói “chúng tôi thấy không có gì sai nhưng thanh tra đã kết luận không hợp lý thì chúng tôi sẽ trình lại phương án, bỏ các khoản thu này”.
Nhiều khoản thu không hợp lý
Theo kết luận của Thanh tra Bộ NN-PTNT, Công ty TNHH MTV Cà phê Cư Kuin đã thu của người nhận khoán 17 khoản mục giá thành đối với diện tích vườn cây của công ty như:
Khấu hao vườn cây, khấu hao tài sản cố định khác, thuế, chi phí quản lý, bảo hiểm sản xuất, BHXH, BHYT, chi phí lao động, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, dụng cụ sản xuất, bảo hộ lao động, nghỉ phép cán bộ…
Đối với diện tích người dân tự đầu tư trồng, chăm sóc, công ty thu một số khoản như: chi phí khảo sát, thiết kế khai hoang, nhà cửa các đội và công ty, máy móc thiết bị, sân phơi, kho chứa sản phẩm với tổng số tiền hơn 1,1 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng tiền chi phí quản lý/ha/năm.
“Công ty tự điều chỉnh phương án khoán, không thông báo, xin phê duyệt của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Tổng công ty chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sát với thực tiễn và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm từng năm” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Tại Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh, một số khoản mục tính chưa phù hợp, chi phí quản lý phân bổ giao khoán sản phẩm cao chưa tương xứng giữa các khoản mục giá thành. Định mức khoán không loại trừ tài sản không cần dùng và phục vụ kinh doanh dịch vụ khác, không phục vụ trực tiếp cho vườn cây.
Khoản mục có liên quan đến chế độ của công nhân viên như tiền tàu xe đi phép, quỹ trợ cấp mất việc làm, BHXH, BHYT, xác định chung chưa phân tách riêng cho hộ liên kết (không phải là công nhân viên công ty) là chưa hợp lý…
Cần xử lý dứt điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Năng Chung, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, cho biết hiện có 7 công ty cà phê đóng trên địa bàn nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. UBND huyện đã nhiều lần khiến nghị UBND tỉnh, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xử lý dứt điểm tình hình này để ổn định trật tự, người dân yên tâm sản xuất.
Cũng theo ông Chung, sau khi Thanh tra Bộ NN-PTNT thông báo kết luận thanh tra, UBND huyện đã tổ chức gặp gỡ đại diện các hộ dân. Qua làm việc, các hộ dân không thống nhất với kết luận thanh tra, do đó họ đã gửi đơn tố cáo đoàn thanh tra ra Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, người dân cũng khiếu nại, đề nghị Bộ NN-PTNT phải làm rõ diện tích công ty khoán trắng, không quản lý là bao nhiêu để làm cơ sở triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp” và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
“Các hộ dân cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hủy bỏ Quyết định số 3606/QĐ-UBND ngày 9-12-2009 về việc cho Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur thuê 992 ha đất, giao đất cho người dân” - ông Chung nói.
Có thể bạn quan tâm
Sở hữu hình dáng thuôn dài bầu dục, chanh leo chuối (banana passion) khi chín còn thay "lớp áo" màu nâu sẫm thường thấy bằng màu vàng ruộm bắt mắt.
Vài ngày nay, tại Nghệ An bắt đầu có những trận mưa lớn sau thời gian dài hạn khốc liệt. Mưa dường như khiến nông dân buồn thêm trong tiếc nuối.
Là địa phương cuối cùng của thị xã Ngã Bảy đạt danh hiệu xã NTM, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi diện mạo xã nông thôn.
Cùng với năng suất sụt giảm, nông dân tốn thêm chi phí thu hoạch thì vụ lúa hè thu 2015 cũng bộc lộ những tồn tại mang tính trầm kha của quá trình sản xuất, liên kết…
Sản phẩm chăn nuôi Việt kém cạnh tranh vì giá cao, chi phí đầu vào cao do lãi suất ngân hàng cho vay cao, nhập khẩu nhiều nguyên liệu...