Nhãn Phú Tây trái to, cơm dày, thơm ngon khác lạ

Vườn nhãn của lão nông Nguyễn Thanh Tâm (tên thường gọi là Ba Xê) ở ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang phát triển tốt, không hề có dấu hiệu bệnh tấn công. Kết quả này là nhờ ông Xê phát hiện loại giống nhãn mới có khả năng kháng bệnh chổi rồng.
Ông Xê cho biết, giống nhãn lạ này được ông phát hiện vào năm 2012. Ban đầu chỉ có 2 cây, sau một thời gian trồng, ông không thấy bị nhiễm bệnh chổi rồng mặc dù được trồng ngay sát các cây đã bị nhiễm bệnh nặng.
Ông Xê tạm thời gọi giống nhãn lạ này là nhãn Phú Tây.
“Để cho chắc ăn, tôi quyết định thử nghiệm ghép giống nhãn này với các gốc nhãn da bò của gia đình đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Sau thời gian quan sát, kết quả là phần cây phát triển lên từ giống nhãn lạ tiếp tục phát triển tốt và không hề có dấu hiệu bị lây nhiễm; trong khi đó các nhánh, chồi mọc ra trực tiếp từ gốc nhãn da bò thì tiếp tục bị bệnh tàn phá. Mình cũng thấy bất ngờ vì cùng trên một cây nhãn mà lại khác nhau như vậy” – ông Xê chia sẻ.
Đặc tính của loại nhãn này giống như nhãn da bò. Đặc biệt là loại giống này thích nghi được với cả vùng đất kém màu mỡ, dễ cho trái.
Đợt xử lý ra trái ở 10 cây đầu tiên, ông Xê bán được gần 400kg với giá bỏ mối ở chợ là 20.000 đồng/kg, trong khi giá nhãn da bò là 8.200 đồng/kg.
60 cây nhãn gốc nhãn do ông Xê ghép thử đang phát triển rất tốt, không thấy bị bệnh chổi rồng, mặc dù ông Xê không sử dụng thuốc diệt nhện lông nhung - loại nhện gây ra bệnh chổi rồng. Đến nay đã được 3 năm, nhãn tiếp tục phát triển xanh tốt, ông Xê đánh giá khả năng kháng được bệnh chổi rồng của loại nhãn này lên tới 99%.
Ông cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả, trái đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon.
Cây nhãn Phú Tây 3 năm tuổi phát triển tốt khi được ghép với gốc nhãn da bò.
Phần gốc nhãn da bò khi ra chồi vẫn bị nhiễm bệnh chổi rồng, trong khi phần thân phát triển lên từ giống nhãn Phú Tây thì không hề bị.
Hiện nay giống nhãn này đang được các nhà vườn đua nhau đặt hàng.
Giống nhãn Phú Tây này hiện đang được gia đình ông Ba Xê cùng ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam kiểm định và xác định tên tuổi; đồng thời tiếp tục theo dõi về tính ổn định trong sinh trưởng, năng suất và lượng trái; khảo sát thêm các đặc điểm hình thái, sinh học, tính chống chịu sâu bệnh của giống nhãn này, đặc biệt là bệnh chổi rồng trước khi giới thiệu đến các nhà vườn khác.
Có thể bạn quan tâm

Vào tháng 10, giá sầu riêng bắt đầu tăng giá cao trên 60.000 đồng/kg, đặc biệt vào những ngày tháng 11 giá sầu riêng cao kỷ lục, thương lái đến tận vườn mua sầu riêng Ri 6 và Mongthong trên 100.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi.

Ông Lê Văn Mãnh, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ (Tân Phước) vui mừng vì vừa thu hoạch 3.000 m2 khoai mỡ trúng giá. Tại thời điểm này thương lái đến tận ruộng mua với giá 14.000 đồng/kg. Năng suất đạt 3 tấn/1.000 m2, thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Còn lại 2.000 m2 trồng sau, cũng sắp cho thu hoạch.

Là đơn vị tham gia liên kết sản xuất lúa từ nhiều năm nay và cũng là một trong những đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo có quy mô lớn nhất của tỉnh hiện nay, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) đã triển khai chương trình liên kết sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2014 - 2015 với nhiều điểm mới. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết, điểm mới thứ nhất là quy mô diện tích được ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa được mở rộng chưa từng có.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP phân tích thêm: “Nhu cầu vẫn tiếp tục rất lớn. Nhưng khi các nước nhập khẩu họ có đa dạng nhà cung cấp, chúng ta phải tính đến xu thế phải đảm bảo các tiêu chí. Tôi muốn nói ở đây là cạnh tranh phải bằng chất lượng mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng”.

Theo ước tính của Infofish, khối lượng nhập khẩu tôm toàn cầu tăng thêm khoảng 5 - 6% trong vòng nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, với xu hướng giá ổn định.