Nhãn Hiệu Hàng Hóa Bước Đi Bền Vững Cho Ớt Thanh Bình (Đồng Tháp)

Tháng 7 năm ngoái, sản phẩm ớt Thanh Bình (Đồng Tháp) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình”, đây được xem là bước đánh dấu cho sản phẩm này.
Liên kết tiêu thụ nông sản
Thanh Bình là vùng đất có diện tích đất bãi bồi và vùng cù lao Tây trên sông Tiền khá lớn và màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Trong đó, cây ớt là loại cây trồng thích hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Những năm qua, diện tích cây ớt không ngừng tăng lên và đang dần trở thành loại cây thế mạnh của vùng. Theo thống kê, toàn huyện Thanh Bình có trên 2.000 ha ớt, với sản lượng trung bình đạt từ 20 - 25 ngàn tấn/năm.
Những năm qua, việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm ớt Thanh Bình đã tạo được chuỗi liên kết ổn định. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 20 điểm thu mua ớt với quy mô lớn, thời điểm chính vụ, các điểm thu mua ớt có thể thu mua với sản lượng lên đến 20 tấn/ngày. Từ đó, đã hình thành được các dịch vụ nghề ớt như: thu mua ớt, vận chuyển, hái ớt trái, lặt cuống ớt, phân loại ớt, phơi (sấy)... tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà - Chủ doanh nghiệp Dũng ớt ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, ớt tươi sau khi thu mua của nông dân được sơ chế xuất bán tiểu ngạch sang thị trường Campuchia, Thái Lan và tiêu thụ thị trường nội địa. Hiện tại, có hơn 50% lượng ớt ở Thanh Bình do cơ sở của ông thu mua. Ông còn đầu tư cho nông dân về giống và chi phí ban đầu với mức 1 triệu đồng/ha.
Nhãn hiệu hàng hóa - bước đi bền vững
Năm qua, mặc dù người trồng ớt Thanh Bình không mấy vui bởi thời tiết diễn biến thất thường làm dịch bệnh phát sinh, cộng với tình trạng giá ớt xuống thấp đã gây không ít khó khăn cho người trồng. Nhưng bù lại, người dân phấn khởi, bởi sản phẩm ớt Thanh Bình được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình” vào tháng 7/2012 cho Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong, ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề. Đây là tín hiệu đáng phấn khởi cho chính quyền và người nông dân trồng ớt nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Bình cho biết: Trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện xác định ớt là cây trồng chủ lực nên đã đầu tư kinh phí cho công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân. Nhờ vậy, đến nay sản phẩm ớt Thanh Bình đã có nhãn hiệu riêng. Từ đây, tin tưởng sản phẩm ớt Thanh Bình sẽ có được chỗ đứng trên thị trường.
Thực tế, từ khi ớt được chứng nhận nhãn hiệu, các nhà vườn trồng ớt rất tích cực sản xuất ớt theo hướng an toàn, vì họ tin tưởng đây sẽ là hướng đi lâu dài và bền vững trong tương lai. Ông Trần Chí Linh - thành viên HTX nông nghiệp Thuận Phong đang canh tác hơn 5 công ớt cho biết: Khi sản phẩm ớt Thanh Bình được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, người trồng ớt chúng tôi đều rất phấn khởi và sẵn sàng tuân thủ mọi quy trình sản xuất ớt sạch với niềm tin đầu ra giá ớt sẽ ổn định hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thật cho biết thêm, theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện, để từng bước tạo bước đi bền vững cho nhãn hiệu ớt Thanh Bình, thời gian tới ngành sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nghiên cứu đề tài sản xuất theo hướng VietGap, nhằm xây dựng mô hình sản xuất hoa màu nói chung và cây ớt nói riêng theo quy trình sạch, an toàn.
Để cây ớt bền vững, tránh cung vượt cầu, huyện đã tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch vùng trồng ớt từ nay đến năm 2020. Theo đó, bình quân sản xuất 1.500ha/năm, chia thành 3 vụ: đông xuân sớm, vụ chính và vụ hè thu nghịch rải vụ. Đồng thời, tỉnh cũng đang nhân rộng mô hình trồng ớt có liên kết bao tiêu sản phẩm và lập dự án sản xuất thử nghiệm máy sấy ớt, máy lặt cuống lá, mở các cơ sở sản xuất ớt phù hợp tập quán sản xuất của nông dân, đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng đề án chuỗi giá trị cho cây ớt Thanh Bình.
Có thể bạn quan tâm

Một tuần qua, ngư dân hành nghề lưới vây ở xã Bình Thạnh, Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh bắt hải sản, tàu nào cũng được lộc biển đầu năm, đặc biệt trúng đậm cá ngừ.

Ngày 2.3, Phòng NNPTNT huyện Tuy An cho biết, từ nửa tháng qua, ngư dân ven biển của huyện có thu nhập khá cao từ nghề mành tôm hùm con (to bằng đầu đũa) để cung cấp giống cho các vùng nuôi tôm hùm thương phẩm.

Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào (phytoplasma) gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan năm 1958, ở Ấn Độ và Thái Lan năm 1964. Hiện bệnh này chủ yếu thấy xuất hiện ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Lào và Việt Nam. Đây là một bệnh nguy hiểm gây thiệt hại nặng cho SX mía nguyên liệu.

Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm gần đây cũng như hiện tại, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm H5N1, H7N9…

Cùng với tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch; có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cho cả đàn vật nuôi, cắt đứt mầm bệnh có thể xâm nhập và gây hại. Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 28/2 đến ngày 28/3, sẽ tiến hành chiến dịch phun khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh.