Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhà Vườn Khốn Khổ!

Nhà Vườn Khốn Khổ!
Ngày đăng: 22/04/2014

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu thấm đòn trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm nhà xe tăng phí vận chuyển.

Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.

"Ai mua xoài, tôi bán cho..."

Miền Tây, mùa xoài năm nay buồn thê thảm!

Ông Võ Văn Quít, ở ấp Ba Xoài, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang) trồng hơn 1.000 cây xoài cát và xoài ghép trên diện tích 5 ha. Xoài già tới lứa bán. Thương lái tới mua xoài giống Đài Loan loại tốt cũng chỉ 5.500-6.000 đồng/kg; loại nhì chỉ còn 3.000 đồng/kg, thậm chí không thèm mua.

Ông Quít thở dài não ruột: "Thiệt là chưa có năm nào xoài rẻ bèo như năm nay, nhà tôi bàn tới tính lui, thôi đành bán cho lái mão (mua hết trái không phân loại lớn nhỏ) cả vườn với giá 5.500 đồng/kg. So với mùa xoài năm trước trên 10.000 đồng/kg tôi thu 300 triệu đồng thì năm nay xem như mất hơn phân nửa thu nhập".

Đó là xoài vùng đồi núi vùng biên. Miệt vườn ở đồng bằng như tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) vào thời điểm này xoài cũng đồng loạt chín rộ. Mấy chủ vườn trồng xoài cát Hòa Lộc hay xoài cát Chu còn đỡ khổ, hái trái lai rai bán còn có người mua. Những nhà trồng giống xoài ghép thì chán nản hẳn vì lái trả giá quá rẻ. Loại xoài ghép hay xoài giống Đài Loan to trái nõn nà, họ chỉ mua 5.500- 6.000 đồng/kg, nhưng đó là loại tốt, còn loại nhì 3.000 đồng, thậm chí chê không mua.

Phó Chủ tịch xã Phú Hữu, ông Đinh Thanh Danh cho biết, trên 1.600 ha đất nông nghiệp trong xã chiếm hơn 90% là những vườn cây chuyên canh cam, xoài, bưởi. Vườn cam sành bị hư hao vì bệnh vàng lá, nhà vườn đang tìm cách cứu vãn. Còn xoài thì thật buồn.

Tại chợ Phú Hữu mấy ngày qua nhà vườn chở xoài ghép chín cây ra bán 2.000-3.000 đồng/kg. Trong khi hồi đầu tháng 4 còn có giá 15.000 đồng/kg. Quả là chưa có năm nào xoài rẻ như vậy. Mới vừa rồi, dân lái xe tải chở xoài chợ An Hữu, huyện Cái Bè (Tiền Giang) từng đi về TP.HCM, ra miền Trung, miền Bắc nay đổ về Phú Hữu chở cam, cho hay: "Năm nay nhà vườn “úa” mùa xoài, các loại xoài ghép bán rẻ như cho không đủ công vận chuyển".

Tác động dây chuyền

Miền Tây cuối tháng 4 bắt đầu vào mùa trái cây. Đón mùa trái thu hoạch, hai bên tỉnh lộ 925 từ thị trấn Mái Dầm về xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) gần 20 nhà vựa đón hàng, thu mua đủ loại trái: Cam sành, bưởi Năm Roi, mít…

Tại hai bên chân cầu bắc qua con rạch Thông Thuyền eo hẹp có tới 5- 6 nhà vựa lớn: Huỳnh Dung, Phong Sắc 2, Ba Hoàng, Ý Đạt, Huỳnh Em và Cty CP Mekong Fruit... Tuy nhiên hơn một tuần qua khung cảnh mua bán vắng lặng. Ngoài bãi xe rộng thênh thang hiện chỉ có lẻ loi 2 chiếc xe tải nằm chờ hàng.

Anh Hai Giang, người thu mua hàng tại vựa trái cây Ý Đạt chỉ ngay nguyên cớ: “Chung qui chỉ vì xe tải tăng giá cước phí vận chuyển. Tất nhiên nhà vựa không hề chịu khoản này, thương lái vào vườn mua cũng không chịu khoản này. Đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM, miền Trung hay các tỉnh phía Bắc sức mua không tăng lên bao nhiêu, trong khi hàng vào mùa, giá cước vận chuyển cao thế thì đương nhiên phải hạ giá thu mua…

Một chủ nhà vựa nói: Dân lái xe, chủ nhà xe than làm ăn khó khăn, chạy trên đường bị kiểm tra liên tục. Bây giờ chở hàng họ đòi hỏi cước thật cao mới chạy...

Hệ lụy ảnh hưởng dây chuyền từ nhà vựa cho đến thương lái, giá rớt cuối cùng nhà vườn gánh chịu hết!

Với tình hình đó, một số nhà vườn thu tỉa chở ghe hoặc xe máy thồ hàng ra chợ huyện, chợ tỉnh bán lẻ được đồng nào hay đồng ấy. Hồi lúc trái cây vào mùa vựa Ý Đạt thu mua xuất bến 40 tấn trái/ngày. Nhưng hiện thời trong nhà vựa chỉ có 2-3 tấn bưởi hàng lựa, còn phần nhiều là bưởi đạn (bưởi bi) - loại rẻ nhất giá có 3.000-5.000 đồng/kg”.

Nếu không bán nhà vựa, một số nhà vườn chọn cách bán xuất khẩu thông qua thương lái. Thương lái Nguyễn Ngọc Hậu ở chợ Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đến từng nhà vườn thu mua hàng xô (hàng ngang) về phân loại bán cho Cty CP Mekong Fruit đóng tại thị trấn Mái Dầm để xuất khẩu, cho biết: "Qui cách bưởi Năm Roi hàng loại nhất, trên 1,2 kg/trái, còn cành cuống 3 lá, giá có 26.000 đồng/kg; bưởi trụi loại I (rụng cuống) trái từ 800 g đến 1 kg rớt giá còn từ 8.000 đồng đến 20.000 đồng/kg".

Trong khi đó, ông Đặng Văn Đoàn chọn cách bán hàng ra chợ hiện có 1,7 ha cam sành còn hơn một tháng nữa vào mùa thu hoạch rộ. Nhưng ông bắt đầu tuyển chọn trái lớn bán cho thương lái mỗi tuần 300-500 kg. Vậy mà ông Đoàn vẫn không hiểu nổi vì sao thương lái mỗi lần tới vườn cứ hạ giá mua. Cam loại nhất 27.000 đồng/kg, loại nhì giá 23.000 đồng/kg, giảm hơn tháng trước 4.000-5.000 đồng/kg.

Như vậy, xem ra việc chọn kênh bán hàng xuất khẩu hay theo kênh truyền thống vào lúc này vẫn chưa có cách tháo gỡ hữu hiệu. Nhà vườn thua thiệt vì trái cây mất giá một phần do tác động từ phí vận chuyển tăng lên, tính ra quả là con số không nhỏ.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh thủy sản Hỗ trợ Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ninh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

10/07/2015
Phủ nhận tin đồn Việt Nam ồ ạt nhập khẩu tôm nguyên liệu Phủ nhận tin đồn Việt Nam ồ ạt nhập khẩu tôm nguyên liệu

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.

10/07/2015
Đánh cược với tôm hùm Đánh cược với tôm hùm

Nhìn thấy lợi nhuận thu được từ các hộ nuôi tôm hùm thời gian qua, từ đầu năm đến nay nhiều người dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đua nhau đầu tư tiền tỷ để mua vật liệu làm bè và mua tôm giống thả nuôi với hy vọng đổi đời.

10/07/2015
Một số diện tích tôm nuôi vụ 2 tại Khánh Hòa bị thất thu do nắng nóng kéo dài Một số diện tích tôm nuôi vụ 2 tại Khánh Hòa bị thất thu do nắng nóng kéo dài

Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

10/07/2015
Phát triển thủy sản Hà Nội ỳ ạch vì thiếu tầm nhìn? Phát triển thủy sản Hà Nội ỳ ạch vì thiếu tầm nhìn?

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.

10/07/2015