Chuộng Màu, Lơ Lúa...
Giá lúa những năm gần đây xuống thấp, trong khi một số loại rau màu đầu ra khá ổn định, nên nhiều nông dân ở xã Trường An (TP Vĩnh Long) quyết định chuyển trồng lúa sang trồng rau màu.
Ông Văn Duy Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An cho biết: “Toàn xã có 114,6ha đất trồng lúa. Những năm trước chỉ khoảng 50% diện tích chuyển trồng màu thì vụ Xuân Hè này gần 100%”. Những ngày này, đi dọc tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua địa bàn các ấp Tân Quới Tây, Tân Quới Hưng dễ dàng bắt gặp những ruộng lúa đã được thay thế bằng đậu nành, dưa hấu, dưa lê hay mè…
Lời hơn làm lúa
Thủy lợi khép kín, đảm bảo nước tưới tiêu nên rau màu phát triển khá tốt. Qua thực tế sản xuất, mô hình chuyển đổi tăng đáng kể giá trị thu nhập so trồng lúa, bước đầu hình thành vùng nông sản hàng hóa, giúp nông dân tăng việc làm và thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Tân Quới Tây) cho biết: “Tôi có 5 công ruộng nhưng nhiều năm qua không khá lên nổi. Thấy nhiều người trồng đậu nành lợi hơn trồng lúa nên tôi cũng trồng đậu nành”. Sau hơn 3 tháng, đậu nành cho thu hoạch, trung bình mỗi hecta vụ Xuân Hè cho năng suất 70- 80 giạ (30 kg/giạ), giá bán từ 15.000- 20.000 đ/kg, trừ chi phí nông dân lời 25- 30 triệu đồng, trong khi làm lúa lời chỉ khoảng 5- 10 triệu đồng.
Trong khi đó, năm nay dưa hấu “lỗ te tua” vì giá sụt giảm, Trung Quốc không ăn hàng, nhưng nhiều nông dân ở Tiền Giang vẫn qua xã Trường An thuê đất trồng vì “có mối tiêu thụ”. Cơn mưa “không mong muốn” vừa qua làm hư hại khoảng 50% diện tích trong tổng số 30ha xuống giống.
Nhưng theo nhiều người trồng, “bù lại là năng suất cao, 2,5 tấn/công nên vớt vát chút đỉnh”. Theo chú Trần Văn Thích (xã Thành Nhì- Gò Công Tây- Tiền Giang) thuê đất trồng dưa, “thu hoạch xong, dưa hấu lên xe chở thẳng về Tiền Giang hoặc Sài Gòn thông qua mối lái để xuất khẩu”.
Không chỉ vậy, dưa lê năm nay lên đến 7ha. “Chắc lời khá nên năm nào nông dân tỉnh khác cũng đến thuê đất để trồng. Đây là hàng hiếm, bởi thu hoạch xong họ đóng thùng tại chỗ lên xe xuất khẩu luôn, không bán trong nước nên ít biết giá cả”- ông Phước giải thích khi được hỏi hiệu quả kinh tế loại cây trồng này.
Bao tiêu sản phẩm
Sau thu hoạch, nhiều nông dân tranh thủ làm đất gieo trồng vụ tiếp theo. Gặp một vài nông dân trồng dưa hấu, họ cho biết thường thì mỗi năm chỉ trồng một vụ, năm nào “kiếm ăn được” mới phá lệ trồng “lấp vụ”. Nhiều hộ ít đất hoặc thiếu nhân công lao động không sản xuất thì cho người dân tỉnh khác đến thuê đất trồng.
Theo ông Văn Duy Phước, “năm nay đậu nành được trồng nhiều nhất, tới 67ha, được cái là đầu ra ổn định”. Hiện một số thương lái ở Đồng Tháp “tới gieo sạ thương lái đem giống qua, sau khi thu hoạch muốn bán chỉ cần điện thoại có người xuống mua liền, khỏe lắm”- bà Bé phấn khởi cho biết. Ngoài ra, còn bán cho một vài cơ sở làm tương, chao, đậu nành ở TX Bình Minh.
Đa dạng nhiều loại cây trồng cũng là cách mà nông dân thực hiện nhằm tránh thừa mứa nông sản. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân có kinh nghiệm thì vụ Xuân Hè trồng đậu nành là phù hợp vì khắc phục được tình trạng khô hạn, cắt giảm nguồn dịch bệnh, cải tạo và tăng độ màu mỡ cho đất,…
Đây cũng là khuyến cáo chuyển đổi cây trồng của ngành nông nghiệp nhằm giảm sản lượng lúa đang dư thừa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sở dĩ rau màu ở đây tiêu thụ tốt là do diện tích nhỏ, sản lượng không nhiều. Vì vậy, khi được hỏi kế hoạch sắp tới, ông Văn Duy Phước cho rằng: “Chúng tôi định hướng nhưng quyết định trồng gì thuộc về nông dân. Hiện chưa có gì đảm bảo đầu ra ổn định, lỡ mai mốt các địa phương lân cận thấy hiệu quả ồ ạt làm theo dội chợ là điều khó tránh khỏi”.
Vấn đề quan trọng là bà con nên luân canh trồng màu trên đất lúa để tăng lợi nhuận, tăng độ phì nhiêu cho đất mà không phá vỡ quy hoạch đất trồng lúa của địa phương.
Có đầu ra dân mới làm
Theo ông Văn Duy Phước, mới đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh có ý định chọn một vài nông dân ở địa phương làm mô hình thí điểm trồng bắp lai. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có ai đồng ý thực hiện, bởi họ lo ngại không tiêu thụ được. Cây đậu nành bén rễ đất này từ năm 2000, nhưng đến những năm gần đây mới “sống” được là vì có nơi tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Lão tổ chức thực hiện tại xã An Tân. Tham gia mô hình có 30 hộ nông dân của các thôn Tân An, Tân Lập, Thanh Sơn và Thuận An. Mô hình đã được đầu tư gần 86 triệu đồng mua 30 con bò cái nền, cấp cho mỗi hộ 1 con để chăn nuôi.
Mãng cầu ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) được coi là trái cây đặc sản vì mùi vị thơm ngon. Một số vườn mãng cầu của huyện từng đạt giải trái ngon, giống tốt các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, diện tích mãng cầu giảm hơn 2/3.
Gia đình chị Phan Thị Thùy (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ đây đã có cơ ngơi khang trang nhờ nuôi gà siêu trứng, với thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Nuôi cá lồng trên sông đã được thực hiện ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có Bắc Ninh, phương pháp này có nhiều ưu điểm so với nuôi trong mặt ao, đặc biệt là ở chất lượng thịt cá. Điều kiện nuôi cá lồng là vùng nước tĩnh, những khúc quanh và không ảnh hưởng tới giao thông đường thủy.
Ớt sừng vàng là giống cao sản cho năng suất cao, có độ cay tương đối tốt, được dùng để ăn tươi hoặc làm ớt khô và là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn của nhiều người. Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Lê Thanh Dũ ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt sừng vàng châu Phi trên diện tích 2.000m2.