Nguyễn Phúc Lợi Làm Kinh Tế Giỏi
Thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) được nhiều người quen gọi là “Xóm Ao”. Bởi tại đây có rất nhiều nông hộ đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thả cá kết hợp chăn nuôi, với khoảng 10ha diện tích ao hồ. Trong số đó có anh Nguyễn Phúc Lợi.
Sinh năm 1967 ở Hà Tây, vào lập nghiệp trên đất Lâm Đồng từ năm 1997, đến năm 2007, anh Nguyễn Phúc Lợi chọn Bảo Lộc làm nơi định cư, lập nghiệp, cùng quyết tâm lao động thoát nghèo để vươn lên làm giàu.
Là người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, thả cá, anh Lợi tìm hiểu điều kiện nguồn nước, khí hậu, môi trường để vào đời theo cách riêng của mình. Anh Nguyễn Phúc Lợi chọn thôn Ánh Mai 3 để lập trang trại thả cá kết hợp chăn nuôi có quy mô 7ha.
Trong đó, anh sử dụng 4,5ha với 21 ao hồ sử dụng nuôi cá; diện tích còn lại, anh xây dựng chuồng trại nuôi heo giống và heo thịt. Anh Lợi chia sẻ: “Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, sản phẩm cung không đủ cầu và có nhiều thương lái đặt hàng thường xuyên, tôi dự định mở thêm 1 mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích 2ha”.
Đất ở khu vực này có độ pH thấp, thuận lợi cho cá nước ngọt phát triển. Các loại cá anh Lợi nuôi đang phát triển khá tốt, với nhiều loại đang bán rất chạy trên thị trường, như rô phi đơn tính, cá trê, cá chép...
Với uy tín đã được gây dựng trong nhiều năm chăn nuôi, khách hàng đến với trang trại của anh Lợi hoàn toàn yên tâm về giá cả, chất lượng. Vì vậy, khách hàng đến giao dịch mua bán mỗi ngày một đông hơn. Hiện nay, cá của anh không những có mặt tại thị trường Bảo Lộc mà còn xuất bán ra cả thị trường Di Linh, Đà Lạt, Đăk Nông.
Anh K’Huân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu, cho biết: “Anh là người chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và đã sớm thành công với mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi heo. Anh là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã”.
Không dừng lại ở những việc đã làm được, anh Nguyễn Phúc Lợi đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá, kết hợp chăn nuôi heo và làm vườn. Hiện nay, đàn heo của anh đã có 40 heo nái đang trong thời kỳ sinh sản, cùng với hơn 250 heo thịt; dự kiến sau một thời gian nữa, sẽ phát triển đàn lên 100 heo nái và 500 heo thịt theo phương pháp nuôi công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm, nhiều hộ nông dân ở Kim Bình (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) lại đưa gà ra ngoài đồng ruộng để chăn thả, nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Nuôi gà thả đồng ở đây đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi dông ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) hình thành từ năm 2005, hiện đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình, dù chỉ nuôi được ở vùng đất cát.
Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.
Sáng 29.11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp bàn, tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, tự phát tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì.
Các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ cao mới giúp phát triển ngành công nghiệp bò sữa ở Việt Nam.