Phú An xây dựng nông thôn mới
Chọn kinh tế vườn làm khâu đột phá
Xác định cây ăn trái là một trong những cây trồng tạo “bệ phóng” trong quá trình xây dựng NTM, thời gian qua, lãnh đạo xã Phú An đã tập trung vận động người dân cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Nhờ định hướng hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái nên đời sống của người dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ có thu nhập cao từ kinh tế vườn, trở thành tỉ phú, triệu phú.
Ở ấp Khánh Hội A, cách đây hơn 10 năm, khi người dân nơi đây còn loay hoay với việc chọn trồng những cây gì cho phù hợp thì ông Lê Văn Năm đã mạnh dạn cải tạo khu vườn rộng hơn 2ha của mình để trồng nhiều loại cây có giá trị như: măng cụt, sầu riêng, nhãn và gần đây là cam sành. Nhờ thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cây trồng phát triển xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Năm cho biết: “Từ vườn cây ăn trái mà 5 năm trở lại đây, cuộc sống gia đình tôi có của ăn, của để, không còn phải lo thiếu trước hụt sau như trước nữa”.
Cũng theo ông Năm, việc tuyên truyền về xây dựng NTM luôn được các ngành chức năng địa phương phổ biến sâu rộng đến mỗi hộ gia đình, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nhờ vậy, bản thân mỗi người dân đã nhận thức rõ đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, từ đó nỗ lực phát triển kinh tế, tạo đà cho xã sớm đạt chuẩn NTM.
Có thể nói, từ hiệu quả của những mô hình thí điểm như của ông Năm, nông dân Phú An đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế vườn, nhất là từ khi địa phương phát động phong trào xây dựng NTM. Nhiều giống cây trồng mới được đưa về trồng và cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình là cam sành, măng cụt, sầu riêng, mãng cầu,… Hiện toàn xã có 246 hộ có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi (chủ yếu là cây ăn trái), trong đó có 138 hộ có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, 108 hộ có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm. Để có được kết quả khả quan này, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của người dân, còn có vai trò hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương. Bằng việc thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, đồng thời liên kết với các tổ chức, đơn vị chuyên môn hỗ trợ vốn cho nông dân yên tâm chuyển đổi cây trồng.
Ông Năm cho biết thêm: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách phòng trị các loại dịch bệnh trên cây ăn trái, nhất là bệnh chổi rồng trên nhãn và bệnh vàng lá gân xanh trên cam sành, từ đó dịch bệnh phần nào được khống chế, nhà vườn an tâm canh tác”.
Bí thư Đảng ủy xã Phú An Lê Văn Thắng cho hay: “Với đặc thù là xã nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, trong đó, việc tập trung phát huy thế mạnh với các mô hình kinh tế vườn theo chủ trương liên kết “4 nhà” nhằm hướng đến một nền nông nghiệp nông thôn hiện đại, hiệu quả là mục tiêu ưu tiên số một trong quá trình xây dựng NTM của Phú An. Nhờ vào vườn cây ăn trái mà hiện thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,95%”.
Chú trọng cảnh quan môi trường
Bên cạnh phát triển kinh tế vườn, việc xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí 17 cũng được Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Phú An chú trọng. Theo đó, địa phương luôn phát động người dân khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, trồng hoa, trồng hàng rào cây xanh dọc theo các tuyến đường để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hiện toàn xã có 875/970 hộ có hàng rào cây xanh và hàng rào kiên cố. Điểm nổi bật của Phú An trong thực hiện tiêu chí môi trường là vận động người dân thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đúng quy định. Cụ thể, hiện mỗi gia đình trên địa bàn xã đều có thùng hoặc đào hố đựng rác, sau khi phân loại thì tiến hành xử lý bằng cách chôn lấp sau vườn hoặc đốt đối với rác dễ cháy. Đặc biệt gần đây, địa phương phát động và đang được cán bộ đảng viên, người dân hưởng ứng là phong trào xây dựng hố chứa rác bằng xi măng.
Chị Võ Thành Linh, ở ấp Khánh Hội A, chia sẻ: “Là cán bộ đảng viên, sau khi được địa phương phát động xây dựng hố chứa rác bằng xi măng, gia đình tôi đã tự nguyện bỏ ra hơn 300.000 đồng mua vật liệu về xây dựng. Với hố chứa này đã giúp cho công việc xử lý rác được thuận tiện hơn, nhất là dễ thu gom tro sau khi đốt để bón cho cây trồng”.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú An, người dân trên địa bàn xã đều có đào hố để xử lý rác thải chứ không còn đem vứt xuống kênh, rạch như trước nữa. Tuy nhiên, nhược điểm của việc đào hố rác là vào mùa mưa thường bị bốc mùi hôi. Sau khi đi tham quan một số xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, thấy việc xây hố chứa rác bằng xi măng có nhiều tiện lợi nên phát động người dân thực hiện, mà trước tiên là trong cán bộ, đảng viên. Đến nay, toàn xã đã có 25 hố chứa rác bằng xi măng (chủ yếu là của đảng viên) và đang tiếp tục nhân rộng ra nhân dân.
Bằng việc chọn hướng đi phù hợp, sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân, phong trào xây dựng NTM của xã Phú An đã đạt được kết quả nổi bật. Đến nay, xã đã được các sở, ban, ngành tỉnh công nhận đạt 13/19 tiêu chí, năm 2015, phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí mới và đề nghị không thực hiện tiêu chí chợ vì không khả thi. Bí thư Đảng ủy xã Phú An Lê Văn Thắng thông tin: “Cuối năm nay, Phú An sẽ đạt 16/19 tiêu chí; riêng 3 tiêu chí còn lại là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa, đây đều là tiêu chí cứng. Chính vì vậy, nếu được các ngành chức năng sớm quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện 3 tiêu chí chưa đạt thì ngày về đích NTM của Phú An sẽ không còn xa”.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến giữa tháng 6.2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi tọa đàm“Phát triển sắn và bảo vệ rừng ở Việt Nam: Thực trạng và ý nghĩa về chính sách” vừa tổ chức mới đây ở Hà Nội, các đại biểu cho biết diện tích trồng sắn đã tăng đáng kể, trong đó chủ yếu là lấy từ đất đồi, rừng.
Sáng 24.7, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi ong mật bền vững, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.
Ở Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển bón cho cây hồ tiêu kinh doanh là khá cao, đạt tỷ lệ trung bình 72,0%, trong đó tỉnh Gia Lai có tỷ lệ hộ nông dân sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển bón cho hồ tiêu kinh doanh chiếm tỷ lệ cao nhất, trung bình là 77,1 %; ở Đăk Nông 66,8%.
Theo nhu cầu sinh lý nước của cây ngô, ngô cần ít nước ở thời kỳ sinh trưởng đầu và cần rất nhiều nước khi bắt đầu phân hóa cờ cho đến khi chín sữa. Nhưng nhìn chung, qua từng thời kỳ sinh trưởng, đảm bảo được nhu cầu độ ẩm đất thích hợp sẽ giúp cây ngô đạt năng suất cao.