Nguồn Cung Tăng Khiến Mít Thái Giảm Giá Mạnh

Hơn 1 tháng nay, người trồng mít Thái siêu sớm ở các vùng trọng điểm chuyên canh mít của tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy đứng ngồi không yên vì loại mít này bất ngờ tuột giá mạnh.
Chỉ trong vòng một tháng, giá mít đã giảm tới hơn 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi hecta trồng mít trong mấy năm trước giờ đây là điều không tưởng.
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng mít ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay thương lái thu mua mít Thái siêu sớm loại 1 (mít tròn đều, không bị sâu, trọng lượng từ 15kg trở lên) chỉ ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, mít loại 2 có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí mít loại 3 chỉ được mua với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg. So với tháng trước, giá mít đã giảm gần 10.000 đồng/kg, còn so với giá mít cao nhất năm ngoái, mít giảm hơn 17.000 đồng/kg.
"Mấy năm trước, nghe thông tin một số điểm trồng mít đạt hiệu quả cao, lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm chỉ từ vài công đất (mỗi công đất bằng 1.000m2) nên gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển 3.000m2 vườn tạp sang trồng mít. Đến nay hơn 3 năm, mít bắt đầu có trái nhiều, giá mít sụt thê thảm, việc tiêu thụ mít cũng gặp khó khăn do lượng mít đổ về các vựa trái cây rất nhiều, chủ vựa mạnh tay phân loại mít xuống loại 2, loại 3", ông Thành than thở.
Thực tế cho thấy, dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến đường cửa ngõ vào Tp Hồ Chí Minh có rất nhiều tiểu thương, xe đẩy bán mít Thái chín (trái loại 2, loại 3) dọc đường cho người tiêu dùng với giá rất mềm chỉ 10.000 đồng/kg mít.
Theo Bà Trần Thị Lài, thương lái thu mua mít ở thị trấn Cai Lậy, cách đây 2 năm mít Thái siêu sớm từng được xem là một loại cây trồng dễ "làm giàu" vì kỹ thuật canh tác không quá khó, năng suất mít đạt 35 - 40 tấn/ha (tùy theo tuổi vườn mít), nhất là giá mít có thời điểm lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Một số ít vườn mít đi đầu trong phong trào trồng mít Thái siêu sớm dễ dàng đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng mỗi hecta trồng mít. Điều này đã thôi thúc nhiều nông dân đổ xô nhau trồng loại mít này.
Đến nay, diện tích mít Thái này bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt khiến nguồn cung mít cho thị trường tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng không đáng kể, nên giá mít giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đây, một số chuyên gia ngành nông nghiệp đã cảnh báo nguy cơ này. Vì vậy, nông dân cần rút kinh nghiệm phải suy tính kỹ khi quyết định nuôi trồng một loại cây, con nào đó.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Tiền Giang có gần 1.000 hecta mít (tỷ lệ cho trái hơn 70%), tập trung nhiều nhất ở huyện Cai Lậy (khoảng 500 hecta), huyện Cái Bè (khoảng 200 hecta)...
Có thể bạn quan tâm

Tại chợ trung tâm Đà Lạt mỗi ngày tiêu thụ 25-30 tấn thịt heo, nhưng mấy ngày nay tiểu thương không có thịt để bán do các lò mổ ngừng hoạt động.

Thời gian gần đây, các hộ nuôi tu hài ở phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng vì tu hài chết hàng loạt. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm.

Những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt truyền thống, người dân Nghệ An đã từng bước đưa vào nuôi trồng và khai thác các đối tượng thủy đặc sản biển như như hàu, ngao, cua biển, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò... Thành công của các mô hình trên không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc phát triển nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Trước tình hình nuôi tôm nước lợ những năm gần đây bị thua lỗ, người dân đang đối mặt với những khó khăn thì người nuôi tôm ở xã Đức Minh (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã nuôi tôm theo mô hình ươm tôm con trước khi thả hồ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng mừng.

Theo Thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7, tỉnh sẽ cấm hoạt động khai thác, thu mua vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loài hải đặc sản gồm: Sò lông, Điệp, Dòm nâu, Bàn mai, Nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang ngày càng bị cạn kiệt.