Người Trồng Dưa Đừng Để Bị Ép!

Thị trường Trung Quốc đang thu mua dưa với giá 9.000 đ/kg. Mua 1 xe dưa 30 tấn hết 90 triệu đồng, chi phí vận chuyển 30 triệu đồng, bán xe dưa 30 tấn được 270 triệu thì tư thương còn lãi hơn trăm triệu đồng. Không hiểu sao có nhiều vùng họ thu mua dưa chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg?
Sáng 27/3, tôi gọi thằng con rể làm nghề chạy xe tải chuyên chở dưa hấu sang Trung Quốc để hỏi tình hình giá dưa được thu mua bên đó thế nào. Nó bảo, dưa đang được tiêu thụ ở đây với giá 2,5 đồng NDT/kg, tính ra tiền VNĐ là 9.000 đ/kg.
Dưa hấu vẫn ăn hàng mạnh chứ không có chuyện ế ẩm.
Lẽ ra, vụ dưa ĐX là vụ trúng của nông dân trồng dưa ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ vì vừa đạt năng suất, giá bán lại cao vì không trùng vụ mùa với nhiều vùng miền khác.
Diện tích dưa hấu vụ ĐX 2013 - 2014 của Bình Định tăng mạnh. Ví như ở huyện Vĩnh Thạnh, những năm trước, diện tích trồng dưa hấu cao lắm cũng chỉ đứng ở 120 ha, năm nay lên đến hơn 200 ha. Ở huyện Phù Cát diện tích trồng dưa hấu còn phát triển hơn 460 ha. Tuy nhiên dưa ở Phù Cát thu hoạch lai rai cả tháng nay nên giờ chẳng còn bao nhiêu.
Ông Trần Tiến Lãng, cố vấn kỹ thuật Cty TNHH-TM Trang Nông, cho biết: "Các vùng trồng dưa ở Nam bộ đã thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán, còn vùng Bắc Trung bộ trở ra thì thời tiết giá rét không xuống giống sớm được. Tại thị trường tiêu thụ dưa hấu mạnh là Trung Quốc các tháng qua thời tiết càng lạnh hơn, nên không thể trồng dưa, muốn cung ứng cho người tiêu dùng buộc phải mua dưa của Việt Nam. Ấy vậy mà vì sao giá dưa lại hạ thấp như vậy?".
Mang thắc mắc này hỏi ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, ông Hùng trả lời gọn lỏn: “Người ta cần 10 xe mà mình chở qua đến 100 xe thì dưa sập giá là điều đương nhiên. Dưa vụ ĐX đang thu hoạch rộ khắp các tỉnh Nam Trung bộ nên thị trường tiêu thụ không kịp”.
Tôi hỏi: “Mặc dù cây dưa hấu ngành nông nghiệp Bình Định không khuyến khích nông dân trồng, nhưng họ vẫn tự phát trồng nhiều thì sao ngành chức năng không định hướng trồng rải vụ để tránh tình trạng “no dồn”?
Ông Hùng bảo: “Nếu hộ trồng dưa trên đất mình sở hữu thì chuyện khuyến cáo họ trồng rải vụ rất dễ. Tuy nhiên, hầu hết đất trồng dưa là đất thuê, người thuê chỉ làm 1 vụ rồi trả lại cho chủ đất trồng cây màu. Mà làm cây màu tuân thủ thời vụ, do đó người trồng dưa không thể tùy tiện muốn trồng lúc nào thì trồng, mà phải lệ thuộc vào vụ trồng cây màu sau vụ dưa trên cùng chân đất. Do đó, không thể khuyến cáo họ trồng rải vụ”.
Ông Lê Đình Chiến ở Diên Thạnh, Diên Khánh (Khánh Hòa), nhà chuyên thu mua dưa hấu từ cao nguyên xuống đồng bằng để cung ứng sang thị trường Trun g Quốc, cho biết: “Tôi đang thu mua dưa tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) với giá 3.000 đ/kg”.
Tính toán với giá đó, mua 1 xe dưa 30 tấn hết 90 triệu đồng, chi phí vận chuyển 30 triệu đồng, bán xe dưa 30 tấn được 270 triệu thì tư thương còn lãi hơn trăm triệu đồng, không hiểu sao có nhiều vùng họ thu mua dưa chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg?
Phải chăng tư thương đang lợi dụng thông tin “dưa ế” để ép giá người trồng dưa?
Rõ ràng quyền lợi của người trồng dưa đang không được bảo đảm.
Để khắc phục tình cảnh này, ông Chiến nói thêm: “Ngành nông nghiệp cần ban hành lịch thời vụ, chia thời điểm xuống giống cho từng địa phương có nhiều diện tích trồng dưa để tránh thu hoạch cùng lúc. Chứ cứ mạnh ai nấy trồng kiểu này là không ổn”.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, thì đề nghị: “Trung ương cần cho chủ trương các tỉnh có nhiều diện tích trồng dưa hấu thành lập Hội những người trồng dưa hấu. Hội này có trách nhiệm tìm kiếm thêm đầu ra ngoài thị trường Trung Quốc, đồng thời từng bước hướng dẫn nông dân trồng dưa sạch để có thể thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Malaysia, Singapore…”.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi rắn hổ vện từ năm 2012 đến nay, anh Nguyễn Văn Lâm ở ấp 3, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã có những cải tiến trong các khâu chuồng trại... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là bộ đội xuất ngũ, khởi nghiệp với 4 công ruộng, trình độ học vấn chỉ dừng lại lớp 3, nhưng nhờ hăng hái thi đua lao động sản xuất, ông Trần Văn Sáu- tên thường gọi là Sáu Bành (ấp An Hội III, Tân An Hội - Mang Thít - Vĩnh Long) đã vươn lên làm giàu.

Đến nay, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã dự kiến quy hoạch 2 khu vực sản xuất trên địa bàn xã Hiệp Hưng và Hòa Mỹ để xây dựng cánh đồng lớn trồng mía trong năm 2016.

Sau khi được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương thực hiện chương trình liên kết, hỗ trợ và phát triển cây gấc cho nông dân trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 1223/UBND-KTN ngày 25-4-2015.

“Dù biết rau không rõ nguồn gốc nhưng chúng tôi vẫn phải mua ăn, chứ không lẽ chỉ ăn mỗi thịt, cá. Nếu có nguồn rau an toàn, được kiểm định rõ ràng, tôi vẫn chấp nhận mua giá cao hơn để bảo vệ sức khỏe gia đình mình” – chị Nguyễn Thiên Thanh chia sẻ.