Nghệ An Phát Triển Nghề Nuôi Thủy Sản
Những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt truyền thống, người dân Nghệ An đã từng bước đưa vào nuôi trồng và khai thác các đối tượng thủy đặc sản biển như như hàu, ngao, cua biển, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò... Thành công của các mô hình trên không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc phát triển nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Diễn Vạn (Diễn Châu) có cửa lạch thông ra biển là lợi thế có thể cung cấp nguồn nước biển dồi dào cho cả vùng nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ rộng chừng 65 ha của xã. Thời gian qua, trước những biến đổi ngày càng phức tạp của khí hậu, thời tiết, môi trường nuôi ô nhiễm cộng với chất lượng tôm giống chưa ổn định, chi phí sản xuất luôn tăng cao đã khiến không ít hộ nuôi tôm thua lỗ, không còn khả năng tái đầu tư sản xuất. Đây là lý do để những người nuôi thủy sản ở Diễn Vạn thay thế một phần diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cua biển. Hướng đi này không chỉ giúp họ gỡ gạc thua lỗ mà còn tăng nguồn thu nhập đáng kể.
Là một trong số hộ đi tiên phong chuyển từ nuôi con tôm sú sang cua thương phẩm, ông Phan Thành (xóm Vạn Nam) nhớ lại: "Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm sú trên ao đất diện tích gần 1ha. Nhưng do gặp phải mấy đợt dịch bệnh liên tiếp, thời tiết không thuận lợi dẫn đến nhanh chóng "cụt" vốn.
Qua thực tế nuôi tại địa phương thấy con tôm ngày càng khó "ăn" nên năm 2002 tôi đã mạnh dạn chuyển hết diện tích tôm sang nuôi cua vì sẵn có nguồn con giống được người dân săn bắt từ rừng sú vẹt ngập mặn. Ngay vụ đầu tiên, tuy vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nhưng đã có đồng lãi, và liên tiếp 2 vụ sau đều thắng đậm, thu về hơn 50 triệu đồng/vụ.
Cái lợi của nuôi cua là thu tỉa quanh năm nên tiền vô đều đều. Giờ không riêng gì tôi mà nhiều dân trong xã đã "mê" con cua hơn con tôm, vì cua vừa dễ nuôi hơn lại "ăn chắc", nguồn thức ăn luôn dồi dào, là thứ cá tạp hay con dắt được đánh bắt từ ngoài biển về.
Hiện đầu ra con cua không phải lo nghĩ, nhất là dịp chuẩn bị bước vào mùa du lịch hay các ngày lễ lớn, như giá cua loại I tại thời điểm này là từ 400.000- 450.000 đồng/kg, loại II giá 320.000 đồng/kg, giá bán như vậy là tương đối cao mà cũng không có đủ nguồn hàng để thương lái thu gom".
Anh Trần Minh Tuấn - Trưởng ban Nông nghiệp xã Diễn Vạn cho biết: Vào khoảng năm 2000, người dân nơi đây đã làm quen với cách thả cua xen tôm, nuôi
dạng quảng canh kết hợp với hình thức thu tỉa thả bù. Tuy hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng con cua đã "cứu thua" cho người nuôi tôm.
Việc đầu tư nuôi cua thâm canh có thể nói là cách làm mới và phát triển mạnh từ 6 năm trở lại đây. Và với mục tiêu tìm ra đối tượng thủy sản nuôi hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, từ năm 2012, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Diễn Châu đã thực hiện xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm tại hộ anh Trần Lộc (ở xóm Xuân Bắc) trên quy mô diện tích mặt nước ao 0,5 ha, thả 5.000 con cua giống.
Sau hơn 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 60%, cho tổng sản lượng cua thương phẩm là 750 kg; với giá bán tại đầm 320.000 đồng/kg, trừ chi phí anh Lộc thu về gần 170 triệu đồng...
Hiện toàn xã Diễn Vạn có 67 hộ nuôi cua, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Trung Hậu và Trung Phú với tổng diện tích hơn 20ha; giá trị sản lượng hàng năm đạt từ 1,3- 1,7 tấn/ha, cho nguồn thu hơn 10 tỷ đồng... Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả và bàn biện pháp nhân rộng mô hình.
Từ kết quả của các mô hình nuôi thử nghiệm, các nhà chuyên môn và bà con nông dân đều thống nhất cao: Các xã vùng ven biển Nghệ An hoàn toàn có khả năng phát triển mô hình nuôi cua thương phẩm. Bên cạnh đó, nuôi cua biển thương phẩm là cơ sở giúp cho người nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống con nuôi, cũng như phương thức nuôi thả, góp phần tăng thu nhập, tạo sản phẩm mới nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường.
Phường Mai Hùng (Thị xã Hoàng Mai) có lợi thế sông Mai Giang chạy qua dài tới 6 km trước khi đổ ra biển tại lạch Cờn. Nhờ nằm giáp ranh với cửa sông, cửa biển nên nước sông Mai Giang có độ mặn vừa phải, phù du phát triển mạnh đã tạo ra một lợi thế giúp người dân nơi đây có điều kiện để phát triển nghề nuôi hàu, một loại đặc sản nước lợ giàu chất dinh dưỡng.
Hàu là loài thuỷ sinh phù du có nhiều trong nước mặn, gặp vật cản thì bám vào kết tụ sinh sôi. Người dân Mai Hùng theo đó đã dựa vào con nước để nuôi hàu. Bà con chia nhau vùng bờ sông, đóng cọc tre, bê tông, làm dàn đỡ.
Theo anh Văn Đức Nhiệm - người đầu tiên mang nghề nuôi hàu về đoạn sông này thì trong tự nhiên, hàu hoàn toàn sống cố định, không di chuyển như một số loài nhuyễn thể khác, thuộc loại động vật bắt mồi thụ động. Thức ăn là tảo khuê sống trôi nổi theo dòng nước thủy triều lên xuống. Hàu chỉ đẻ ở một con nước, từ khoảng 15/3 cho đến hết tháng 3 ÂL, con nước sau không còn nữa.
Để chuẩn bị nơi sống mới cho hàu, người dân dùng vỏ con hàu cũ đục lỗ ở giữa vỏ rồi dùng dây cước (dài khoảng 70cm) xâu thành từng xâu; tiếp đến là đóng cọc, làm giàn tre thật chắc chắn cắm cách bờ từ 4 - 5m...
Từ giữa tháng 2 ÂL tiến hành treo dây vào dàn với khoảng cách giữa mỗi dây 20cm, chỉ khoảng 10 - 15 ngày sau là hàu bắt đầu tìm đến trú ẩn, cứ để vậy chờ đến cuối năm sẽ cho thu hoạch. Hiện nay trên địa bàn Nghệ An nuôi hàu chủ yếu dưới 2 dạng: nuôi giàn và nuôi lồng; mỗi dạng có ưu nhược điểm khác nhau nhưng nuôi giàn thì ít tốn kém hơn nên đa phần người dân Mai Hùng chọn cách nuôi giàn.
Hiện toàn phường Mai Hùng đã có hơn 80 hộ nuôi hàu; hộ nuôi ít cũng thả đến 2.000 xâu, hộ nuôi nhiều lên tới 10.000 xâu. Nguồn hàu của Mai Hùng đang cung cấp cho thị trường TP Vinh và Hà Nội, theo lời một số người dân hầu như chưa có năm nào nguồn hàu bị ế đọng, thường khai thác đến đâu thương lái tiêu thụ hết đến đó.
Tại thời điểm này số tiền bỏ ra mua vật liệu để hoàn thành một xâu vỏ hàu đem thả xuống lòng sông chỉ mất khoảng 10.000 đồng. Đến vụ thu hoạch, trúng vào mùa nắng nóng, trung bình mỗi xâu cho 1 kg thịt hàu, tính với giá giao động từ 80.000 - 100.000 đồng người nuôi đã có lãi gấp 8 - 10 lần. Riêng trong năm 2013, bà con 2 khối 10, 11 đã có nguồn thu hơn 5 tỷ đồng từ con hàu...
Nằm trong vùng quy hoạch tại cửa sông Cấm của Thị xã Cửa Lò, phường Nghi Tân hiện đang có 21 hộ nuôi với 29 lồng cá hồng mỹ, cá vược và cá giò. Mỗi hộ đầu tư nuôi từ 1- 3 lồng, sau 8- 9 tháng nuôi đối với cá hồng mỹ, trên 10 tháng đối với cá vược, giá bán hiện tại 120.000 đồng/kg cá vược, 60.000 đồng/kg cá hồng mỹ; sau trừ chi phí, bình quân thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm/hộ. Bằng hình thức nuôi gối thu hoạch tỉa bán dần, nhưng khi bước vào vụ du lịch các hộ nuôi thường thu hoạch nhiều hơn để có đủ nguồn hàng cung ứng cho các thương lái...
Tại phường Nghi Thủy cũng đang có 15 hộ đầu tư 20 lồng nuôi 2 loại cá trên; mỗi lồng từ 80 - 90 m3, thả khoảng 4.000- 5.000 con giống. Riêng năm 2013, toàn phường thu về hơn 100 tấn cá phục vụ tại chợ hải sản và cung ứng cho các cấp các nhà hàng, khách sạn trên địa thị xã và nhập cho các tư thương ở TP Vinh ...
Trên thực tế, các giống thủy sản mới đưa vào nuôi thử nghiệm bên cạnh yêu cầu khắt khe về yếu tố kỹ thuật thì vốn đầu tư để nuôi những giống loài này thường rất cao, trong khi đó, nguồn kinh tế của người dân thì đang rất hạn hẹp, số ít các hộ mạnh dạn lấy các giống mới về nuôi với số lượng không nhiều, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người dân từ các chương trình, dự án.
Đồng thời, quy hoạch các vùng nuôi có các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện môi trường từng vùng, tập quán canh tác, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng; vấn đề con giống và thị trường đầu ra cũng là yếu tố cần quan tâm. Hiện nay do tính chất sản xuất còn nhỏ lẻ nên người dân tự liên hệ nguồn giống, nhiều nguồn giống chưa đảm bảo chất lượng nên đạt hiệu quả chưa cao, sản phẩm bị tư thương ép giá…
Hiệu quả từ các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong ngành thuỷ sản, việc đầu tư xây dựng các mô hình khuyến ngư của tỉnh nhằm đưa giống mới, năng suất cao vào nuôi thử nghiệm và nhân rộng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao giá trị xuất khẩu và thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Vài năm trước, những người muốn tìm mua giống gà Đông Tảo thường phải bỏ công tìm nơi cung cấp, có người phải lặn lội về tận xứ của giống gà “tiến vua” này ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhưng hiện nay, không thiếu DN, nông dân tham gia sản xuất con giống gà Đông Tảo.
Đến thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung thu hoạch 10/45ha diện tích nấm rơm vụ đông xuân. Thời điểm đầu vụ hè thu năng suất đạt khá, khoảng 13 - 14 tấn/ha, nhưng càng về cuối vụ năng suất giảm gần một nửa và đến đầu vụ đông xuân này chỉ còn khoảng 8 tấn/ha.
Tuy vậy so với những tỉnh đang phát triển mạnh về cá lồng như Hải Dương, Nam Định, Nam Hà… nghề nuôi cá lồng ở Phú Thọ mới manh nha; tuy nhiên, do có thế mạnh như hệ thống sông ngòi chạy dài, nguồn nước sạch, ổn định.... Đây là những lợi thế mà các tỉnh gần biển khó có được do bị ảnh hưởng bởi thủy triều, nguồn nước không giữ được vệ sinh.
Hôm qua 16.12, tại TP.Tam Kỳ, Sở NN&PTNT phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế (FIDR) tổ chức hội nghị cuối kỳ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình thâm canh lúa nước cải tiến theo gói kỹ thuật SRI (thuộc Dự án cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam).