Ươm Tôm Con Trước Khi Nuôi Mô Hình Hiệu Quả
Trước tình hình nuôi tôm nước lợ những năm gần đây bị thua lỗ, người dân đang đối mặt với những khó khăn thì người nuôi tôm ở xã Đức Minh (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã nuôi tôm theo mô hình ươm tôm con trước khi thả hồ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng mừng.
Là xã ven biển, Đức Minh hiện có 25 ha diện tích nuôi tôm. Những năm đầu, nghề nuôi tôm phát triển khá mạnh. Nhiều diện tích đất bỏ trống, trồng trọt kém hiệu quả đều được bà con chuyển sang nuôi tôm. Nhiều nông dân giàu lên nhờ nuôi tôm, cua, cá. Nhưng những năm gần đây, năng suất và sản lượng tôm cứ giảm dần. Người dân ở đây đã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những thất bát trong chăn nuôi. Từ đó họ đã tiến hành ươm tôm con trước khi thả nuôi và mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Anh Phạm Văn Sơn, kỹ thuật viên trại tôm của ông Nguyễn Văn đang chăm sóc tôm con theo mô hình ươm tôm trong hồ nhỏ.
Ở thôn Đạm Thủy Bắc nhiều hộ dân đã xây hồ dùng để ươm tôm con mới nhập về. Hồ ươm được xây cạnh những hồ lớn nuôi tôm. Tùy theo diện tích thả nuôi mà quy mô hồ ươm được xây rộng hay hẹp. Nó có thể từ 20m2 đến 40m2. Theo người dân, để cho tôm có thể thích nghi và tránh dịch bệnh ngay từ đầu thì hồ ươm phải che đậy kỹ lưỡng. Khâu chăm sóc phải được chú trọng hàng đầu.
Anh Phạm Văn Sơn - kỹ thuật viên trại tôm của ông Nguyễn Văn, thôn Đạm Thủy Bắc, cho biết: “Với mô hình này, ngay từ đầu phải chịu tốn công nếu muốn tôm con sống khỏe mạnh. Sau khi tôm đã thích nghi hoàn toàn với môi trường nước cũng như thức ăn, thì sau một thời gian sẽ thả tôm ra hồ lớn. Có như vậy sẽ hạn chế tôm bệnh và chết”.
Với mô hình này, số lượng tôm chết do bệnh hay không thích ứng với môi trường nước được giảm thiểu một cách đáng kể. Theo nhiều người dân, ươm tôm con trước khi mang ra hồ nuôi việc phòng bệnh, trị bệnh cho tôm con dễ dàng, không tốn kém nhiều. Thời gian nhận con giống và bắt đầu ươm trong vòng 10 ngày. Sau khi tôm con đã quen với môi trường, cũng như thay vỏ lần đầu sẽ đưa số tôm con sang hồ lớn và bắt đầu nuôi trên diện rộng.
Một khi tôm đã thích nghi được, việc chuyển qua môi trường mới sẽ nhanh chóng phát triển. Với mô hình này, số lượng thức ăn cũng được tiết kiệm một cách đáng kể. Bình quân, với 70 đến 80 nghìn con giống nuôi trong một hồ ươm sẽ ăn hết 4 gram cám thức ăn trong một lần ăn. Nhưng cũng với số lượng tôm như thế, nếu nuôi trực tiếp ngoài hồ, số thức ăn sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần.
Anh Huỳnh Văn Hòa, thôn Đạm Thủy Bắc cho biết: “Trước kia cũng nuôi với số lượng như vậy, nhưng thả trực tiếp ra hồ lớn, thức ăn khá tốn kém. Một ngày cho ăn từ 3 đến 5 đợt. Mỗi đợt tốn vài kilôgam cám là ít. Nhưng khi ươm trong hồ nhỏ. Thức ăn cho tôm con cũng giảm dần. Một đợt ăn chỉ tốn 4 - 5g”.
Với mô hình ươm và nuôi tôm con trong hồ nhỏ trước khi thả hồ lớn được đông đảo bà con ở xã Đức Minh vận dụng đã góp phần đảm bảo chất lượng con giống, giảm thiểu được những thất thoát trong quá trình nuôi tôm trên diện rộng. Chính quyền địa phương cũng đã nghiên cứu mô hình này và có những khuyến cáo cho người dân. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn cho bà con những kỹ thuật mới nhất nhằm đảm bảo chất lượng cũng như số lượng trong việc nuôi tôm ở địa phương.
Ông Trần Như Hiệp - Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết: “Đây là mô hình nuôi tôm kiểu mới của người dân địa phương. Bằng cách ươm tôm con trong hồ nhỏ trước khi đem ra hồ lớn sẽ giúp tôm nhanh chóng thích nghi với môi trường nước.
Từ đó, tôm sẽ không bị chết hàng loạt và lớn nhanh hơn. Mô hình này giúp bà con giảm thiểu thất thoát trong việc nuôi trồng thủy sản, nên địa phương đã định hướng nhân rộng mô hình này”.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nhiều nông dân xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 5 tháng triển khai nuôi thử nghiệm, chiều 3/11, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) triển khai nghiệm thu và đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá lóc và cá thát lát tại xã Thủy Tân và phường Thủy Lương.
Vừa qua, đoàn liên ngành tỉnh Đồng Tháp gồm Sở Tài Nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy sản và Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 15 đã đến khảo sát thực tế vùng quy hoạch mở rộng khu vực nuôi cá lồng bè tại huyện Châu Thành.
Bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương (CNĐD) do nhóm nghiên cứu đề tài: “Cải thiện chất lượng cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định” thuộc Sở NN-PTNT nghiên cứu, chế tạo đã được ngư dân xã Tam Quan Bắc áp dụng vào thực tế, bước đầu đạt hiệu quả khả quan.
Trong những năm qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện Bình Đại phát triển rất nhanh, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn và từng bước làm giàu cho địa phương.