Nghề Nuôi Ngựa Bạch Ở Khuôn Kén
Từ năm 2009 đến nay, nhiều hộ dân ở Khuôn Kén - thôn xa và khó khăn nhất của xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tư chăn nuôi ngựa bạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau nhiều năm nghèo khó, gia đình bà Hoàng Thị Lá, dân tộc Nùng, thôn Khuôn Kén đã chọn chăn nuôi ngựa bạch để phát triển kinh tế. Ban đầu (năm 2000), bà đầu tư mua hai con ngựa cái về nuôi. Nhờ diện tích đồng cỏ, đồi rừng rộng, việc chăn nuôi khá thuận lợi. Đàn ngựa của gia đình bà phát triển nhanh, có thời điểm lên đến 30 con. Từ năm 2011 đến nay, gia đình bà Lá luôn duy trì đàn ngựa bạch với 16 con bố mẹ, trong đó có 14 con cái.
Dẫn chúng tôi đi thăm đàn ngựa đang chăn thả trên cánh đồng gần nhà, bà Lá cho biết: Nuôi ngựa bạch khá dễ, sáng thả ngựa ra đồng ăn cỏ, chiều lùa về nhà cho ăn thêm thóc hoặc ngô. “Vừa rồi, gia đình tôi xuất bán 10 con ngựa bạch 5 tháng tuổi được 160 triệu đồng”- bà Lá phấn khởi.
Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lá, nhiều hộ ở khu Suối Am cũng mạnh dạn vay vốn nuôi ngựa bạch. Để khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi, cấp ủy, Ban quản lý cùng với các đoàn thể thôn Khuôn Kén đã phối hợp với cấp trên tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ngựa ở xã, huyện. Vì thế, số hộ nuôi ngựa ngày một nhiều, đàn ngựa tăng nhanh. Đến nay 131/165 hộ trong thôn đầu tư nuôi ngựa bạch, với tổng đàn lên tới hàng trăm con.
Với cương vị Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Kén, ngoài tuyên truyền vận động người dân, anh Hoàng Văn Trường cũng đầu tư 35 triệu đồng mua hai con ngựa về nuôi. Hiện đàn ngựa gia đình anh đã có 6 con, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Theo anh Trường, thôn Khuôn Kén có đồi rừng rộng, nguồn sinh thủy dồi dào, thuận lợi chăn nuôi đại gia súc như ngựa bạch. Đáng chú ý, vốn đầu tư nuôi ngựa không cao, một con ngựa bạch giống 5 tháng tuổi chỉ từ 10-15 triệu đồng. Sau ba năm ngựa cái bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ một lứa (thường mỗi lứa đẻ một con). Ngựa đực trưởng thành có giá cao, nhiều con tới 50-60 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình nuôi ngựa tại Khuôn Kén, đồng chí Hoàng Văn Chăm, Thường trực Đảng ủy xã Tân Sơn khẳng định: “Nhân dân thôn Khuôn Kén đầu tư chăn nuôi ngựa bạch là hướng đi mới trong phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đảng ủy xã Tân Sơn đang chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra toàn xã”.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134893/nghe-nuoi-ngua-bach-o-khuon-ken.html
Có thể bạn quan tâm
Các hộ nuôi cá lóc ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang đối mặt cá nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Điều đáng lo ngại là tuy triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng trị nhưng không đạt hiệu quả, có nguy cơ lan rộng.
Gia đình ông Phan Văn Dụ, ở thôn Hạ Trang, xã Bát Trang (An Lão - Hải Phòng) là một trong những điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với hơn 3 sào vườn trồng 300 gốc thanh long, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Nấm linh chi, một loại nấm có nhiều công dụng, có thể ngăn ngừa, chữa nhiều loại bệnh và được ví như “thần dược” có nhiều cơ hội xây dựng “kinh đô” ở Minh Thạnh (Dầu Tiếng - Bình Dương). Tiếp nối thành công của ông chủ trang trại Trần Minh Khải, một HTX trồng nấm linh chi tập hợp nhiều người dân Minh Thạnh có khát vọng làm giàu do anh Khải đứng ra làm chủ được gửi đến Liên minh HTX tỉnh xin thành lập. Tuy nhiên, niềm vui chưa hé mở, nỗi buồn lại ập đến, HTX thành lập không bao lâu… giờ phải xin giải thể vì không hiệu quả!
Từ năm 2010, anh Trần Tấn Tâm, trú tại thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong - Đắc Nông) đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống ổi Trân Châu vào trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ngày 2-10, tại xã Tứ Cường (Thanh Miện, Hải Dương), Trung tâm Ứng dụng thiết bị khoa học (Sở Khoa học và công nghệ) đã tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Biof xử lý môi trường ao nuôi cá rô phi lai xa. Tham gia mô hình có 31 hộ ở 3 xã: Tứ Cường (Thanh Miện), Hồng Thái (Ninh Giang), Thất Hùng (Kinh Môn) với tổng diện tích mặt nước 11 ha.