Người Nuôi Tôm Bỏ Vụ Vì Dịch Bệnh Ở Huế
Tuy đã vào mùa vụ thả nuôi tôm mới, nhưng cho đến nay tình hình dịch bệnh, nắng nóng vẫn chưa được cải thiện đã tạo nên tâm lý lo ngại của các hộ nuôi.
Tại xã Phong Hải huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), nếu như mọi năm vào tháng 3 âm lịch là thời điểm người dân đã thả giống nuôi tôm thì giờ đây, những ao hồ khô nước bỏ trống, những máy móc, vật liệu phục vụ nuôi tôm trị giá hàng trăm triệu đồng phải che đậy và không hoạt động. Đợt dịch bệnh trong tháng vừa qua đã làm hàng chục nhóm hộ nuôi tôm phải gấp rút thu hoạch, xả hồ trước khi dịch lây lan.
Đến thời điểm này, toàn huyện Phong Điền đã nuôi 57,2 ha tôm thẻ chân trắng, tại xã Phong Hải có 61 nhóm hộ nuôi, tuy nhiên vào thời điểm giao mùa, nắng nóng mưa giông cộng với môi trường ô nhiễm, một số nơi trong xã tôm đã mắc bệnh như gan tụy, đốm trắng, đầu vàng...
Lo sợ dịch lây lan, người dân vùng dịch và một số vùng lân cận luôn trong tình trạng bất an, họ đành bỏ vụ và đóng cửa trại nuôi.
Ông Hoàng Trọng Xuyến, thôn Phú Hải, Phong Hải, Phong Điền cho biết: “Tình trạng dịch bệnh còn đang kéo dài chưa chấm dứt nên hiện nay hồ nuôi tôm cũng đang còn để trống. Chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương cũng như các cơ quan có trách nhiệm về nuôi trồng thủy sản giúp đỡ thêm những loại thuốc để xử lý vấn đề môi trường, vệ sinh để cho bà con an tâm nuôi trồng”.
Phó Chủ tịch xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu cho biết thêm: “Đến nay dịch bệnh của tôm xảy ra hết sức phức tạp, có 40 nhóm hộ đã nằm trong ổ dịch. Chính quyền địa phương cũng có nhiều giải pháp, nhưng nhóm hộ nuôi chủ yếu là tự phát nên vấn đề phục vụ cho công tác phòng chống dịch và dập dịch phải nói là hết sức khó khăn.
Ngoài ra, chất lượng tôm giống không đảm bảo và không qua kiểm dịch khiến cho tôm chết hàng loạt. Ở các xã ven biển, hầu hết các hộ nuôi tự phát nên việc đầu tư ao xử lý thải cũng không được đảm bảo dẫn đến ô nhiễm và dịch bệnh. Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã có công văn chỉ đạo dập dịch, xử lý ao tôm bệnh và hỗ trợ biện pháp hướng dẫn giúp bà con phòng bệnh trong vụ tới.
Với tình hình này, mùa vụ nuôi tôm từ tháng 3 cho đến tháng 6 này của bà con xã Phong Hải sẽ là một vụ mùa tay trắng. Một số bà con giờ đây chỉ có thể tận dụng thời gian này để xử lý kỹ ao nuôi, nạo vét và tu sửa ao hồ, chỉnh trang lại vật liệu nuôi trồng thủy sản chờ đợi sẽ được bù đắp vào vụ mùa sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu nhiều loại rau quả lại tăng trưởng khá, thậm chí có thị trường tăng từ 2 đến 3 lần so với cùng kỳ, dù tình trạng rau quả ùn tắc tại cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc - thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam - diễn biến hết sức phức tạp.
Thời gian gần đây, nông dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm, người nông dân phải gánh chịu nhiều thua lỗ…
Để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM) chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả thấp sang hiệu quả cao, UBND huyện Hóc Môn đã thực hiện chương trình chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau có giá trị cao, cung cấp sản phẩm rau an toàn cho thị trường thành phố.
Tỉnh An Giang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu do Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đầu tư liên kết, hợp tác với nông dân trồng rau màu trong tỉnh, đã góp phần nâng giá trị sản xuất, khai thác đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, và tạo được nguồn hàng phong phú phục vụ cho xuất khẩu.