Ngư dân miền Trung đoàn kết bám biển, giữ ngư trường
Những ngày này, đi dọc ven biển huyện Núi Thành (Quảng Nam) qua các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải… chứng kiến ngư dân khẩn trương vận chuyển nhiên liệu, áo quần, thức ăn, áo phao và những vật dụng khác xuống tàu. Trên tàu, ngư dân sửa soạn lại lưới, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên mỗi nóc tàu.
Anh Đỗ Công (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa 90226 TS có công suất 565CV theo nghề lưới vây vừa từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Anh cho biết, gần đây tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là ở ngư trường Hoàng Sa diễn biến phức tạp. Tàu của Trung Quốc thường xuyên cản trở trong quá trình khai thác, nhưng anh Công vẫn quyết bám biển, vươn khơi. Anh khẳng định không có chuyện bỏ ngư trường, “biển là nghề của mình, mình khai thác trên vùng biển của đất nước mình bao lâu rồi thì việc gì phải sợ?”.
Còn tại âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), cảng cá rộn ràng với các loại cá giấm, mực, cá hố… vừa được chuyển lên bờ.
Tuy nhiên, “Sau khi đặt lệnh cấm (từ ngày 16/5), mật độ tàu Trung Quốc càng dày đặc hơn, xua đuổi tàu mình rất dữ. Tại Đà Nẵng, đã có khoảng trên 10 trường hợp bị xua đuổi”, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết.
Việc hình thành các tổ đội tàu thuyền cùng nhau khai thác, trang bị Icom cho tàu cá thời gian qua đã phát huy tác dụng lớn trong thời điểm này. Ông Trần Ngọc Cung (ngư dân tàu QNg 92146 TS, Quảng Ngãi) chia sẻ, mỗi lần ra khơi, các tàu luôn có sự liên hệ tương trợ khi gặp luồng cá lẫn khi xảy ra những bất trắc trên biển. Đợt cập bờ lần này, tàu của ông Cung trừ chi phí xăng dầu, đá, thực phẩm… vẫn lãi gần 100 triệu đồng. Chia cho anh em bạn thuyền, mỗi người được khoảng 5 triệu/1 phiên biển kéo dài 10 ngày.
Đoàn kết để vươn khơi
Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh bức xúc trước lệnh cấm vô lý này. Ông cho rằng, “Trung Quốc đã buộc chúng ta rời bỏ ngư trường truyền thống, rời bỏ chủ quyền lãnh hải để thực hiện các yêu sách chính trị của họ. Điều này cản trở công việc làm ăn của ngư dân Việt, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy, mình không thể chấp hành theo họ. Nếu mình không đi đánh cá thì đã gián tiếp chấp hành lệnh cấm phi lý trên, giúp Trung Quốc đạt được mục đích. Hơn chục năm nay, Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian này, nhưng ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Đà Nẵng nói riêng coi đó là lệnh cấm vô lý, họ vẫn tiếp tục khai thác trên ngư trường truyền thống”.
Ông cho biết, ngư dân Đà Nẵng mỗi khi gặp thời điểm khó khăn như thế này đều xiết chặt đội ngũ, động viên nhau. Các tàu cá luôn mang theo đầy đủ dụng cụ định vị vệ tinh, thông tin liên lạc để kịp thời thông báo cho nhau và báo cho cơ quan chức năng những hành vi vi phạm luật của Trung Quốc, cùng nhau bám biển.
Tại Núi Thành, hiện 3 xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) có khoảng gần 300 tàu thuyền với khoảng 600 ngư dân đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trước sự kiện này, địa phương luôn quan tâm tới các tàu đánh bắt xa bờ qua việc theo dõi hoạt động hằng tháng của Nghiệp đoàn nghề cá.
Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch xã Tam Giang cho biết, “Hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây đã không thể gây nao núng cho ngư dân xã Tam Giang chúng tôi. Họ vẫn vươn khơi xa làm ăn ở những ngư trường truyền thống đã được khẳng định chủ quyền và quyết giữ lợi ích hợp pháp của mình”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Khoa - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải cho biết, tất cả tàu thuyền đều đã được tập huấn, ngư dân sử dụng thành thạo các thiết bị liên lạc để sẵn sàng kết nối với lực lượng chức năng và kết hợp với các tàu bạn. Nhờ đó mà đồng hành, trợ giúp nhau khi đối mặt với các tình huống gặp phải trong quá trình khai thác.
Bấp chấp lệnh cấm phi lý và ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng phát huy sức mạnh kết đoàn trong các chuyến vươn khơi. Bởi họ có niềm tin vào công lý, và sự hậu thuẫn của lực lượng chấp pháp Việt Nam lẫn quốc tế luôn đồng hành với ngư dân trong các chuyến bám biển.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, đối với những diện tích cà phê già cỗi đang trong giai đoạn nhổ bỏ chuẩn bị tái canh, người sản xuất phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc ổn định đời sống vì thiếu hụt nguồn thu nếu không có giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Vì thế, việc phát triển sản xuất cây khoai tây giống Atlantic trên đất cải tạo tái canh cà phê là một biện pháp hữu hiệu đã và đang triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột.
Trong hai tuần đầu của tháng 1-2015 đã có 8 lô nhãn xuất khẩu sang Mỹ. Và trong thời gian tới nhiều loại như xoài, thanh long, măng cụt, mận, nho hay các loại hoa như hoa hồng, cẩm chướng sẽ được xuất sang các nước.
Ông Hiếu cho biết: “Năm đầu, do chưa học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên sầu riêng bị sâu bệnh nhiều, chết hàng loạt, chỉ còn 100 gốc. Tôi nhận thấy nếu chỉ độc canh sầu riêng hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy, tôi đã trồng xen 400 gốc chôm chôm Thái. Sau 3 năm, vườn cây ăn trái hơn 1 ha của tôi phát triển hơn cả mong đợi”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội về nguồn quả và thực phẩm an toàn trong dịp Tết và lễ hội 2015, hạn chế hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại tiêu thụ trái Thanh Long và một số sản phẩm lợi thế của Bình Thuận như: Nước mắm, nước khoáng Vĩnh Hảo, mủ trôm... ra thị trường Hà Nội.
Anh Nguyễn Hiền Triết (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) có 6 công quýt đường, mỗi năm thu về trên 250 triệu đồng. Anh Triết cho biết, nhiều nhà vườn chú trọng quá nhiều vào phân hóa học, lâu ngày đất bị thoái hóa, nén dẽ. Qua các buổi tập huấn, anh dần chuyển sang ứng dụng hữu cơ cải tạo môi trường đất, biết vai trò quan trọng của vi sinh trong đất.