Người Nuôi Heo Đang Trúng Lớn

Nếu như vào đầu năm nay, giá heo hơi ở Bình Định bình quân chỉ 44.000đ-45.000đ/kg thì hiện nay đã tăng đến 47.000đ-48.000đ/kg. Với giá này, người nuôi heo có lãi từ 800.000đ-900.000đ/con heo (1 tạ)...
Rộn ràng vựa heo
Niềm vui của người chăn nuôi heo được trông thấy rõ nhất là ở huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vựa heo của miền Trung với 15.000 hộ nuôi heo, mỗi năm cung ứng ra thị trường đến 500.000 con heo thịt. Trong những ngày này, đi đâu trên đất Hoài Ân chúng tôi cũng thấy cảnh mua bán heo rất rộn rã, những cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn cũng sầm uất hẳn lên.
Ông Nguyễn Thanh Phụng, trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân, cho biết: “Đầu năm, giá heo hơi tại Hoài Ân là 44.000đ-45.000đ/kg, với giá đó người nuôi heo đã thấy đồng lãi. Bây giờ giá heo tăng lên 47.000đ-48.000đ/kg hơi, người nuôi heo càng phấn khởi”.
Theo ông Phụng, hiện nay trên địa bàn huyện Hoài Ân đang có tổng đàn heo thịt trên 182.000 con và 32.000 heo nái sinh sản. Heo thịt ở Hoài Ân đang được ăn mạnh ở những thị trường phía Bắc, nhất là trong giai đoạn từ đầu năm đến nay.
“Trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng heo thịt xuất bán cho các thị trường phía Bắc có đến gần 236.000 con. Heo sữa không còn xuất mạnh như trước đây, nhưng cũng có đến 1.138 con”, ông Phụng nói. Nguyên nhân do heo thịt đang có giá nên người nuôi không muốn bán heo sữa.
Có mặt tại Hoài Ân, chúng tôi đã cảm nhận được việc mua bán heo ở đây rộn ràng đến mức nào: Những chiếc xe tải hạng trung chạy “rần rật” khắp những con đường, ghé vào nông hộ, gia trại để mua gom heo, sau đó chuyển xuống những xe tải lớn ở thị trấn Tăng Bạt Hổ để vận chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Thanh Phụng, cho hay: “Mỗi ngày tại Hoài Ân xuất bán từ 700-800 con heo thịt. Ngoài ra, các lò mổ trên địa bàn còn mổ thịt khoảng 7800 con nữa”.
Ông Nguyễn Văn Bơ, chủ một gia trại heo thường xuyên có 10 heo nái và hàng trăm con heo thịt ở xã Ân Đức (Hoài Ân), cho biết: “Heo thịt đứng ở giá này, sau khi trừ chi phí thức ăn, người nuôi còn lãi được từ 800.000đ-900.000đ/tạ heo hơi”.
“Hoài Ân có đủ điều kiện phát triển ngành chăn nuôi heo theo hướng SX hàng hóa, do đó, UBND huyện đã xúc tiến việc xây dựng thương hiệu heo cho Hoài Ân. Đầu năm 2013, các sở ngành liên quan của tỉnh đã khảo sát, song đến nay việc xây dựng heo Hoài Ân vẫn chưa có kết quả”, ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân.
Không chỉ heo thịt, sự tăng giá đột biến của heo giống khiến người nuôi heo nái sinh sản còn có niềm vui lớn hơn. Chị Lê Thị Luận ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), người vừa có con nái đẻ được 10 heo giống, phấn khởi ra mặt: “Đầu năm, giá heo giống chỉ 54.000đ-55.000đ/kg, bây giờ tăng lên trên 75.000đ/kg. Tính đến khi xuất chuồng, tui sẽ có lãi hơn 40% trong số tiền bán 10 con heo giống. Chưa bao giờ thấy giá heo giống tăng cao như bây giờ”.
Rồi chị Luận phán đoán: “Trước tình hình giá heo thịt tăng cao, người chăn nuôi có lãi thì phong trào chăn nuôi ở địa phương sẽ tăng theo, do đó giá heo giống sẽ còn tăng nữa. Rồi chuẩn bị giống thả nuôi bán vào lứa tết, heo giống sẽ còn hút hàng hơn”.
Thương hiệu heo Hoài Ân
Nhiều năm qua, Hoài Ân luôn duy trì khoảng 15.000 hộ nuôi heo với trên 100 hộ chăn nuôi quy mô trang trại và trên 400 gia trại, có giá trị SX bình quân đạt trên 150 triệu đ/năm. Hoài Ân cũng là huyện dẫn đầu toàn tỉnh Bình Định về trang trại heo có giá trị SX bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Qúa lo sợ cơn “đại dịch” xảy ra vào năm 2010, những năm qua, người nuôi heo ở Hoài Ân đã tự học hỏi các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và có thể tự điều trị cho heo những bệnh thông thường. Đồng thời họ còn biết tự chế biến thức ăn và ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm heo thịt.
Đặc biệt, theo ông Phụng thì người nuôi heo ở Hoài Ân đã từng bước tuân thủ việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
“Không biết thế nào mà heo ở Hoài Ân được tiếng ngon hơn heo các vùng miền khác, do đó thị trường luôn tiêu thụ mạnh với giá cao. Ý thức được điều này, bản thân từng người chăn nuôi ở Hoài Ân đã từng bước tạo được chữ tín bằng việc chăn nuôi heo sạch, không sử dụng kháng sinh và thuốc kích thích tăng trưởng...”, ông Phụng cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 3/7, tại UBND xã An Ninh Đông, Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tổ chức hội nghị thành lập Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Ninh Đông. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy An và gần 200 ngư dân tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên địa bàn xã.

Với lợi thế đất đai của gia đình, ông Võ Huy Lọng, thôn Nội Mai, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi các loại cá giống nước ngọt như cá trắm, cá rô phi, cá mè... thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Ông là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xuất bán ra thị trường hơn 3,5 triệu con cá giống các loại, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân chuyên “săn” cá còi (hay còn gọi là cá thòi lòi) ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ăn nên làm ra bởi luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Loài cá này được thương lái thu gom rồi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Mỹ đã vượt qua EU để trở thành thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. USD tăng giá mạnh, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở EU và các các quy định về dán nhãn thực phẩm mới ở EU đã làm giảm nhu cầu cá tra từ các nhà NK trong khối.