Người Nuôi Gà Phía Bắc Bắt Đầu Vui
Sau gần một năm trời giá gà giảm xuống tới mức thấp nhất trong 6 năm gần đây, hiện giá gà tại các tỉnh phía Bắc cũng đang tăng.
Nguyên nhân nào khiến giá gà tăng mạnh và người chăn nuôi nên làm gì lúc này?
Khảo sát một vòng các vùng nuôi gà thả vườn trọng điểm hiện nay là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi của người chăn nuôi, khi gần 1 tháng nay giá gà tăng cao và giữ ổn định ở mức có lãi khá.
Tại vùng nuôi gà đồi lớn nhất miền Bắc là Bắc Giang, giá gà đang dao động khoảng 65.000 - 75.000 đ/kg. Các hộ nuôi gà lai mía ở huyện Yên Thế tâm sự: Suốt từ cuối năm 2013 đến nay, giá gà lai mía tại đây luôn ở mức dưới 50.000 đ/kg, có lúc giảm xuống dưới 40.000 đ/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ đau đớn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 4, sau khi hết dịch cúm gia cầm, giá gà lai mía nhích dần lên 50-55-60 và bây giờ là 65.000 đ/kg. Với giá này, cứ 1.000 con gà khi bán có lãi 20 - 25 triệu đ. Song họ vẫn lo không biết giá này sẽ giữ được bao lâu?
Theo chia sẻ của anh Diêm Đăng Cương, chủ đại lý gà giống ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang), những hộ nuôi gà ta lai hiện lãi khá, có lúc thương lái mua với giá 75.000 đ/kg, song không có hàng để bán.
Anh Cương nhẩm tính, bán đàn gà ta lai khoảng 1.000 con với tổng trọng lượng trên 2 tấn sẽ thu về trên 150 triệu đ, trừ hết chi phí lợi nhuận đạt gần 40 triệu đ. Vì vậy, hộ dân nào vào đàn (cách đây 3 - 4 tháng) giờ trúng đậm. Ngược lại, những hộ bỏ chuồng nay lại tiếc ngẩn ngơ!
Nhưng có một thực tế, mặc dù giá gà thịt đang rất cao nhưng giá các loại giống gia cầm vẫn thấp và ế ẩm. Hiện, giá gà giống lai mía tại Bắc Giang chỉ còn 3.000 - 4.000 đ/con 1 ngày tuổi, đắt hơn trứng một chút nhưng bán rất chậm.
Rất nhiều người chăn nuôi hiện đang đặt câu hỏi có nên tái đàn vào lúc giá giống thấp, giá gà thịt cao như hiện nay hay không? Trong khoảng 3 - 4 tháng nữa giá gà sẽ lên hay xuống? Tuy nhiên, những người nuôi gà chuyên nghiệp lâu năm lại cho rằng, đã xác định nuôi gà là nghề phải tái đàn quanh năm, lứa sau gối lứa trước, tính tổng cả năm vẫn sẽ có lợi nhuận.
Các DN lớn như Dabaco, Minh Dư, Lượng Huệ giá giống cũng đang khá mềm. Ngay như gà J-Dabaco 1 ngày tuổi của Cty TNHH MTV Gà giống Dabaco (Bắc Ninh) giá bán đến tay người chăn nuôi chỉ có 10.000 - 12.000 đ/con.
Chị Cao Thị Thanh Thế, một lái buôn gà tại Bắc Giang cho biết, mặc dù giá gà hiện đang rất cao, song sức mua của người dân mới bắt đầu rục rịch. Theo chị Thế, có thể nguyên nhân do giá thịt lợn và các loại thủy cầm đang khá thấp cộng dư âm của dịch cúm chưa hết hẳn.
Trước đây, mỗi đêm chị Thế bán tại Chợ Gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội) hơn 2 tấn gà, nay chỉ còn khoảng trên 1 tấn. Lý giải việc giá gà tăng, chị Thế cho rằng nguồn hàng đang khan hiếm, cộng việc kiểm tra tải trọng xe khiến giá gà thịt bị đẩy lên cao.
“Ngày trước, đàn gà 1.000 con chúng tôi dùng xe tải 1 tấn hoặc 1 tấn 25 chở 1 chuyến là hết, nay thành 2. Hơn nữa, trong dân hiện gần như không có gà để bán. Các lái buôn tại Bắc Giang như chúng tôi giờ phải vào tận Thanh Hóa hay về Hải Phòng mới mua được gà bán để giữ mối khách hàng”, chị Thế bộc bạch.
Quả thực, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy tổng đầu đàn gà trong dân đang rất thấp, do bà con bỏ chuồng với số lượng lớn suốt từ trước Tết Nguyên Đán đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, các DN giống gia cầm không ngần ngại cho biết, trong vòng 6 tháng nay, lượng giống bán ra chỉ hết 1/3 sản lượng ra lò so với cùng kỳ.
Còn lại, phần lớn đều đem bán “trứng gà lộn” hoặc bán theo cân cho các hộ nuôi cá, nuôi rắn và làm TĂCN nên thời điểm này bắt đầu có biểu hiện khan hiếm thịt gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân khiến trái dứa không còn được chuộng ở địa phương nữa là do chất lượng giống thoái hóa. Người dân bỏ lâu không chăm sóc, không trồng lại giống mới dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém, trái có vị chua...
Trong mục tiêu hiện đại hóa mọi mặt sản xuất nông nghiệp, công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao trình độ canh tác cũng như trình độ quản lý trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng Vì vậy, hoạt động truyền thông được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Trị quan tâm hàng đầu và xem đây là khâu đi trước một bước để triển khai ứng dụng các tiến bộ KHKT mới cũng như truyền đạt các phương pháp quản lý trong sản xuất- kinh doanh và nhiều kiến thức khác cho nông dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 548 trang trại chăn nuôi, tăng 23 trang trại so với năm 2013. Trong đó có 253 trang trại chăn nuôi lợn với tổng số 58 nghìn con; 295 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng số 1,3 triệu con… Các trang trại mới tăng chủ yếu chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam…
Ngày 18-12, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể để sản xuất rau, hoa trong chậu tại tỉnh Thái Nguyên.
Nhà cửa rộng rãi, bề thế với khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; có cửa hàng thức ăn gia súc lớn nhất, nhì xã Phúc Lương (Đại Từ), phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân 3 xóm (Cây Tâm, Cây Ngái, Hàm Rồng); mua xe ô tô 8 chỗ ngồi vừa để phục vụ sinh hoạt gia đình vừa làm dịch vụ chở khách…