Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Chưa Thể Yên Tâm

Người Nuôi Chưa Thể Yên Tâm
Ngày đăng: 08/04/2012

Sau một thời gian tăng lên ở mức đảm bảo người nuôi có lãi, gần đây giá cá tra nguyên liệu đã giảm mạnh, khiến người nuôi tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Người nuôi cá mong mỏi bao giờ giá cá tra hết bấp bênh như hiện nay, để có điều kiện phát triển nghề nuôi có truyền thống lâu đời ở vùng ĐBSCL?

Giá cá tra giảm mạnh

Hiện giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã giảm thêm khoảng 2.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Như vậy, so với thời điểm tháng 2-2012, giá cá tra nguyên liệu đã giảm tổng cộng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ở ĐBSCL, cá tra nguyên liệu loại 1 đang chỉ còn ở mức 24.000 đồng/kg; cá loại 2 khoảng 23.000 đồng/kg. Hiện nay, lượng cá tra tới lứa xuất bán đang khá ít, nhưng doanh nghiệp không đẩy mạnh hoạt động thu mua làm cho giá cá tra liên tục có chiều hướng đi xuống. Bên cạnh việc thiếu vốn, gần đây nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã phải tạm thời ngừng thu mua hoặc hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu do phải thực hiện công tác tổng vệ sinh và bảo trì duy tu nhà máy.

Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi cá tra rất lo lắng, nhất là những hộ nuôi có cá gần tới xuất bán. Theo nhiều người nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, giá cá tra hiện đã sụt giảm xuống gần sát với mức giá thành sản xuất. Ông Lê Thanh Tiến, ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu cá tra vẫn giảm giá hoặc đứng ở mức thấp, tới đây người nuôi cá chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bị lỗ nặng. Do giá nhiều loại chi phí đầu vào tăng, hiện giá thành nuôi cá tra đã ở mức từ 23.000 đồng/kg trở lên. Trong khi đó, giá bán cá tra thịt hiện chỉ còn ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg, nhưng không phải kêu bán là có doanh nghiệp đến mua cá ngay. Ngay cả khi doanh nghiệp đã bắt cá, người nuôi cá cũng chưa hết lo vì thường cả tháng sau mới được thanh toán tiền và trong thời gian này người nuôi cá vẫn phải tiếp tục đóng lãi cho các khoản tiền vay”.

Ông Lê Minh Thế, ở khu vực Thới Bình, phường Thuận An, chia sẻ: “Thời gian qua, có rất nhiều người nuôi cá phải “treo ao” vì chi phí chăn nuôi tăng nhưng giá cá tra đầu ra thường bấp bênh, lỗ nặng. Hiện nay, nhiều người không có điều kiện thả nuôi đã chuyển nhượng hoặc cho doanh nghiệp và người khác thuê ao nuôi cá. Với tình trạng giá cá sụt giảm như hiện nay, tới đây chắc chắn tình trạng “treo ao” sẽ có chiều hướng tăng trở lại”. Ông Lê Minh Thế hiện đang nuôi 2 ao cá tra, dự kiến khoảng 3 tháng nữa mới đến lứa xuất bán với khoảng 500 tấn cá. Ông cho biết không khỏi lo lắng và chỉ biết hy vọng đến khi xuất bán giá cá sẽ tăng trở lại.

Hiện nay, phần lớn nông dân nuôi cá tra đều gặp khó về vốn. Tuy nhiên, vay vốn các ngân hàng vào thời điểm này là hầu như không được, vay ở bên ngoài phải chịu lãi suất rất cao. Trong khi, đầu ra sản phẩm dễ gặp rủi ro bởi tình trạng giá cá tra lên xuống thất thường, doanh nghiệp chậm thu mua, chất lượng cá bị đánh giá thấp... Theo nhiều nông dân nuôi cá tra, họ có thể tồn tại với nghề nuôi cá đến nay là nhờ có sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Nông dân đã có các hình thức liên kết với doanh nghiệp như: nuôi gia công cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư thức ăn cho cá ở giai đoạn cá đã lớn gần tới xuất bán... Nhiều nông dân cho rằng vẫn còn tồn tại một hạn chế lớn là: doanh nghiệp thường nắm phần “cán”, phần thiệt thòi vẫn nghiêng nhiều về phía nhà nông!

Rủi ro nuôi cá tra giống

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, trong quí I-2012, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn quận là 566,72 ha, tăng 90,99 ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt là 422,8 ha (tăng 105,69 ha so với cùng kỳ). Diện tích ương cá tra giống là 75,51 ha (tăng 29,2 ha so với cùng kỳ). Diện tích nuôi cá tra đã treo ao là 68,22 ha (giảm hơn 95 ha so với năm trước).

Anh Phan Hoàng Đông, Phụ trách Liên Trạm Thủy sản Ô Môn - Thới Lai - Cờ Đỏ, cho biết, thời gian qua diện tích “treo ao” ở Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ đã có xu hướng giảm do người dân phát triển nuôi cá tra thịt và cá tra giống. Từ đầu năm đến nay, các địa phương này đã thả nuôi 125 ha cá tra thương phẩm (Ô Môn 70 ha, Thới Lai 16 ha, Cờ Đỏ 39 ha) và 700 ha mặt nước nuôi cá tra giống. Diện tích nuôi cá tra thương phẩm nhìn chung vẫn ở mức tương đương năm trước, nhưng diện tích nuôi cá tra giống có dấu hiệu tăng đột biến, với mức tăng khoảng 200 ha so với cùng kỳ năm trước. Theo anh Phan Hoàng Đông, với diện tích 700 ha, nếu thực hiện sản xuất con giống đồng loạt có thể cung ứng 350 triệu con giống/năm, khả năng dư thừa con giống là rất lớn nếu không tiêu thụ được ở các địa phương khác...

Thời gian qua, nhiều nông dân thấy nuôi cá tra thịt (cá tra thương phẩm) đòi hỏi tốn nhiều thời gian và vốn đầu tư lớn nhưng lại không “ngon ăn” nên đã có xu hướng chuyển sang phát triển ương cá tra giống. Sau một thời gian phát triển nuôi cá tra giống gặp thuận lợi về giá, những tháng gần đây nhiều nông dân càng mạnh dạn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, phát triển mạnh nuôi cá tra giống khi chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp và người nuôi cá tra thương phẩm rất dễ gặp rủi ro, nhất là khi đầu ra cá tra thịt gặp nhiều khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Ngành chăn nuôi sẽ có 10 năm chuẩn bị cho TPP Ngành chăn nuôi sẽ có 10 năm chuẩn bị cho TPP

Đó là thông tin mà Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết trong cuộc họp báo của Bộ Công thương chiều nay (9/10).

13/10/2015
Từ chất cấm nghĩ về TPP Từ chất cấm nghĩ về TPP

Việc Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 nước tham gia kết thúc đàm phán đang đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thử thách.

13/10/2015
Cá tra Việt Nam tiếp cận khách hàng qua Internet Cá tra Việt Nam tiếp cận khách hàng qua Internet

Hiệp hội cá tra Việt Nam chính thức ra mắt website thương mại thủy sản Việt Nam nhằm thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm…

13/10/2015
Gà vàng ươm nhờ chất làm ve quét tường Gà vàng ươm nhờ chất làm ve quét tường

Đó là thông tin được ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ vừa được tổ chức chiều 6/10.

13/10/2015
Chăn nuôi khó khăn nhất khi vào TPP Chăn nuôi khó khăn nhất khi vào TPP

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định dù có nhiều lợi thế song do sức cạnh tranh kém, chăn nuôi sẽ là ngành dễ tổn thương nhất khi Việt Nam tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

13/10/2015