Người Nuôi Cá Trắng Tay Vì Ô Nhiễm
Suốt những ngày qua, cá trên hồ Bàu Sen (TP Vũng Tàu) chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ. Trước đó, hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên sông Chà Và và sông Rạng “tán gia bại sản” vì cá chết không kịp vớt. Nguyên nhân chính đều do hệ thống kênh rạch, sông hồ trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, người dân phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu phải sống chung với mùi hôi thối do cá chết, tự phân hủy, không được thu gom kịp thời. Theo những hộ dân sống trong khu vực, nguyên nhân là do môi trường nước hồ Bàu Sen bị ô nhiễm. Dù thành phố đã đầu tư cải tạo hồ, nhưng do nước thải sinh hoạt và sản xuất của hầu hết các hộ dân quanh khu vực vẫn trực tiếp đổ ra đây, nên tình trạng ô nhiễm là không tránh khỏi.
Tương tự như vậy, hàng loạt các kênh, rạch khác trên địa bàn thành phố cũng đều chung số phận. Kênh Bến Đình bị san lấp một cửa ở phía phường 9 nên trở thành con kênh cụt, lượng nước thải không thể thoát ra biển theo thủy triều như trước đây, nên ô nhiễm rất nặng nề. Kênh Rạch Bà ô nhiễm đã nhiều năm qua, chủ yếu là do nước thải đô thị với lưu lượng xả thải lớn. Bên cạnh đó, hơn chục cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động dọc hai bờ kênh cũng không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Gần đây, mức độ ô nhiễm trên kênh Rạch Bà gia tăng và có nguy cơ ngập úng trong diện rộng vào mùa mưa do lòng kênh bị bồi lấp ngày càng hẹp.
Liên tục trong thời gian vừa qua, khi tình trạng cá chết trắng hàng loạt trên sông Rạng, sông Chà Và diễn ra, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đã phối hợp cùng chính quyền TP Vũng Tàu tiến hành khảo sát, đánh giá thiệt hại của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng vào cuộc, khảo sát tình hình ô nhiễm nguồn nước tại tuyến sông Chà Và, sông Rạng và sông Rạch Ván... Kết quả cho thấy, tình trạng ô nhiễm đều diễn ra hết sức nghiêm trọng. Sông Rạch Ván có hàm lượng ni-tơ a-mô-ni vượt hàng chục lần cho phép, hàm lượng ô-xy hòa tan thấp hơn nhiều lần giá trị quy chuẩn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, nuôi cá trên sông Chà Và, bức xúc: “Tình trạng cá chết hàng loạt đã liên tục xảy ra trong những năm gần đây khiến người nuôi cá thiệt hại hàng tỷ đồng. Mới đây nhất, gần cuối năm 2012, chỉ sau một đêm, hơn ba nghìn con cá chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình tôi đều chết trắng”.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành quy hoạch, đưa các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản của TP Vũng Tàu và các huyện lân cận vào ba điểm chế biến tập trung đã được tỉnh xác định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công tác di dời này vẫn chưa thực hiện được. Nước thải sinh hoạt của người dân sống gần các sông, rạch chưa qua xử lý vẫn được xả trực tiếp ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm trên sông rạch vẫn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Và, những người nông dân nghèo vẫn chỉ biết “kêu trời” khi tôm, cá cứ theo nhau nổi trắng lồng bè, trong nỗi đau tuyệt vọng.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh chết cây con: Do nhiều loại nấm gây ra, nhưng chủ yếu là nấm Rhizoctonia, Pythium, Fusarium, Phytophphthora spp.
Theo Sở NN&PTNT, qua khảo sát, quy hoạch đất trồng lúa tại Bình Định, nhóm đất nhiễm phèn, mặn trung bình và ít khoảng 3.939 ha, tập trung ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn.
Từ đầu năm đến nay, thị xã An Nhơn đã tổ chức 2 đợt tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) cho đàn trâu, bò trên địa bàn (đợt 1 tiêm 21.287 con, đợt 2 tiêm 21.933 con) đều đạt trên 87%.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là mầm bệnh nguy hiểm, nó gây chết tôm và thiệt hại kinh tế rất lớn trong thời gian gần đây. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện nay được xác định là tác nhân gây bệnh EMS/AHPND trên tôm.
Ngày 11.11, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4062/QĐ-UBND về việc khen thưởng thành tích các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2015 (đợt 3).