Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người nuôi bò sữa ngày càng khó khăn

Người nuôi bò sữa ngày càng khó khăn
Ngày đăng: 23/09/2015

Một trong những nguyên nhân chính là việc, Việt Nam vẫn quá dễ dãi trong việc cho nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về, trong khi thiếu các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước.

Hàng nghìn hộ nông dân (ND) nuôi bò sữa khu vực TP.HCM, Long An, Đồng Nai… đang ăn ngủ không yên khi giá sữa bột thế giới liên tục giảm, lượng sữa bột nhập về nhiều ảnh hưởng tới giá thu mua sữa tươi…

1 lít sữa... không bằng cốc bia

Còn nhớ hồi tháng 4, dư luận trong nước đã nóng lên về việc hàng trăm hộ nuôi bò sữa ở TP.HCM sống dở, chết dở vì không bán được sữa bò.

Riêng huyện Củ Chi, thời điểm đó có 322 hộ dân không bán được sữa- 200 hộ bị cắt hợp đồng và 122 hộ phát sinh, trong khi huyện này có số doanh nghiệp thu mua sữa bò nhiều nhất tại TP.HCM.

Doanh nghiệp thì nói rằng họ không cắt hợp đồng mà vì ND “chê” giá thấp nên muốn chọn doanh nghiệp nào có giá thu mua cao để bán sữa, và do chưa ký hợp đồng nên chưa bán được sữa.

Người dân xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chăm sóc bò sữa.

Sau khi báo chí phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc, tình hình tiêu thụ sữa tươi của ND đã khả quan hơn, song giá thu mua vẫn chưa được cải thiện.

Chị Nguyễn Thị Hường - chủ trạm thu mua sữa cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cũng là hộ nuôi bò sữa tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, mỗi ngày qua đối với chị là một ngày đầy lo lắng.

“Nhiều nước bị dư thừa sữa phải đổ đi, trong khi chăn nuôi trong nước bị nhiều áp lực và chi phí, ND thì “cầm đằng lưỡi” trong cuộc chơi với doanh nghiệp.

Làm sao ND bán được sữa giá cao khi những nhà thu mua tìm đủ cách để trừ, giảm tiền thu mua sữa nguyên liệu” - chị Hường nói.

Cũng theo chị Hường, các doanh nghiệp thường trả tiền thu mua sữa cho ND bằng cách chấm điểm chất lượng, tùy chất lượng mà có giá từ 8.500 – 12.500 đồng/kg, số hộ được trả từ 13.000 đồng/kg trở lên rất ít. Trước đây, nhiều hộ thường xuyên đạt điểm cao, giá bán đạt tới 13.500–14.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ quanh mức 10.000–12.000 đồng/kg, có hôm chỉ đạt 8.500 – 9.000 đồng/kg.

Ông Vương Ngọc Long – Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cho biết, mới đây Vinamilk này đã tiến hành khảo sát hiệu quả kinh tế của hơn 300 hộ nuôi bò sữa ở phía Nam.

Kết quả cho thấy giá thành sản xuất sữa của khu vực TP.HCM là 11.774 đồng/kg, khu vực ĐBSCL là 8.727 đồng/kg và Lâm Đồng là 7.912 đồng/kg, mức giá này thậm chí còn thấp hơn cả 1 cốc bia (10.000 đồng/cốc).

Ông Long khẳng định, hiện nay, những hộ nào có giá thành sữa dưới 9.000 đồng/kg thì mới sống thoải mái được với nghề.

Theo tính toán của chị Nguyễn Thị Hường, chi phí giá thành chăn nuôi bò sữa khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) ở mức 12.000 đồng/kg. Vì vậy mà nhiều hộ không thể trụ nổi với nghề đã phải bán tháo bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt hoặc trồng rau sạch…

Người tiêu dùng thiệt thòi

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có hơn 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trong đó riêng khu vực phía Nam có 12.626 hộ. Theo đánh giá từ Cục này, liên kết giữa nông hộ và công ty thu mua và chế biến sữa kém nên quyền lực của người ND trong việc bán sữa cho doanh nghiệp đến nay là vô cùng yếu.

Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa và chế phẩm từ sữa của Việt Nam còn rất thấp, bình quân 2,9kg sữa và bơ/người/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng sữa bột nguyên liệu (nguyên liệu chính cho sữa hoàn nguyên) của Việt Nam lại khá cao, tới 0,4kg/người/năm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nếu năm 2007, nhập khẩu sữa là 462 triệu USD, thì năm 2010 vọt lên 706 triệu USD và đến 2013 đã là 1,089 tỷ USD. Năm 2014, chi nhập khẩu sữa đã vượt 1,15 tỷ USD. Năm 2015, dự báo nhập khẩu sữa vẫn sẽ đạt gần 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việc nhập khẩu quá nhiều sữa như vậy không những rất lãng phí nguồn ngoại tệ của đất nước, mà còn khiến ND điêu đứng vì không bán được sữa nguyên liệu, nếu bán được thì giá cũng thấp”.

Theo ông Dương, đã có tiền lệ các công ty sữa khuyến khích ND tăng đàn để tăng nguồn cung sữa tươi nội địa, nhưng sau đó lại ngừng mua và giới hạn định mức thu mua khi giá sữa bột nguyên liệu giảm liên tục, ND phải đổ sữa để phản đối. Với tình trạng dư cung và giá sữa bột thế giới tiếp tục giảm như hiện nay, rất có thể tình trạng này sẽ tái diễn.

Theo ông Hoàng Công Trang - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH (với thương hiệu sữa TH true Milk), phần lớn thị trường sữa nước và sữa chua trong nước hiện nay là sản phẩm pha lại từ bột nguyên liệu (chủ yếu là sữa bột nguyên kem và sữa bột tách béo).

Sữa tươi tiệt trùng phải giảm giá để cạnh tranh với sữa hoàn nguyên nội địa. Khi giá sữa bột nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh, các công ty chế biến sữa sẽ được lợi và có khuynh hướng nhập sữa về, thay vì thu mua/sản xuất sữa tươi nguyên liệu trong nước”- ông Trang nói.

“Việt Nam đã và đang phát triển loại hình trang trại bò sữa quy mô lớn. Với lợi thế về năng suất và quy mô lớn, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất sữa đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến và tiêu dùng trong nước với giá hợp lý, dần giảm lượng sữa nhập khẩu.

Nếu không sớm có biện pháp tự vệ cho nguyên liệu sữa sản xuất trong nước thì không chỉ sữa giá rẻ của châu Âu sẽ tràn vào Việt Nam mà sữa từ các nước Việt Nam có cam kết hội nhập cũng sẽ vào “bóp chết” sữa ND sản xuất ra” - ông Dương lo ngại.

Theo ông Dương, cách đây 5-7 năm, Bộ NNPTNT đã đề nghị áp dụng hạn ngạch với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa áp dụng. Trong khi Đài Loan, Thái Lan... đã áp dụng biện pháp này để bảo vệ sản xuất trong nước từ lâu.

Chuyên gia thương mại quốc tế Phạm Tất Thắng cũng chia sẻ, Việt Nam là một trong số ít các nước hiện vẫn tiêu dùng phổ biến sữa hoàn nguyên (sữa nước được làm từ việc pha sữa bột  nhập khẩu với nước).

Giá sữa hoàn nguyên không thấp hơn so với giá sữa tươi sản xuất trong nước, trong khi hàm lượng dinh dưỡng của loại sữa này chỉ đạt 70-80% so với sữa tươi.

“Nếu được bảo vệ hợp lý, doanh nghiệp trong nước mới có động lực để phát triển sản xuất sữa nguyên liệu. Các chính sách của Nhà nước mới đến được với ND, góp phần tái cơ cấu lại chăn nuôi” - ông Thắng nói.

Để sữa tươi trong nước thay thế được sữa hoàn nguyên, các chuyên gia cho rằng, ngoài quy định lại tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp cho người tiêu dùng biết, thì Việt Nam cần phát triển nuôi bò sữa đủ lớn. Sản phẩm trong nước không những có giá thành rẻ, chất lượng mà còn phải được truy xuất nguồn gốc. 

Bộ NNPTNT đang kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Y tế quy định rõ tỷ lệ sữa tươi và sữa bột nguyên liệu trên mỗi sản phẩm sữa nước và sữa chua. Quy định rõ sản phẩm 100% sữa tươi phải có xuất xứ từ trang trại nào...

Đề xuất này có 3 tác động tích cực: Một là giúp minh bạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, người chăn nuôi bò sữa trong nước.

Hai là đưa giá sữa tươi và sữa hoàn nguyên (bán hoàn nguyên) về mức phù hợp với giá thành sản xuất, cho phép người nghèo tiếp cận sữa với giá hợp lý hơn.

Cuối cùng là khuyến khích các nhà sản xuất sữa trong nước tăng cường đầu tư, tăng sản lượng sữa tươi trong nước và do đó giảm việc nhập khẩu sữa.      


Có thể bạn quan tâm

Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết

Đêm 25-12 rạng sáng ngày 26-12, tại các lồng nuôi cá lồng bè của 8 hộ dân trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã xảy ra tình trạng cá bớp chết đồng loạt thiệt hại gần 3 tấn trong ngày 25-12, lại tiếp tục chết thêm gần 2 tấn cá bớp và hơn 100 con cá chim, loại 300 – 400 gram/con.

30/12/2013
Mía Tím Xen Rau Mía Tím Xen Rau

Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn mía sau nhà, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết trước đây khu vườn này trồng vải thiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

09/12/2013
Sản Phẩm Mới Cho Ngư Dân Sản Phẩm Mới Cho Ngư Dân

Sản phẩm của Cty đã có mặt tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và luôn được khách hàng đánh giá cao. Cty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

30/12/2013
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Dưa Chuột Anaxo Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Dưa Chuột Anaxo

Chúng tôi có mặt tại xã Cát Nê (Đại Từ - Thái Nguyên) vào đúng hôm Công ty cổ phần Đồng Xanh (Hưng Yên) đang tổ chức thu mua dưa chuột bao tử cho bà con nông dân nơi đây. Cầm số tiền vừa bán dưa chuột, khuôn mặt ai cũng rạng ngời.

09/12/2013
Xen Canh Cá - Lúa Xen Canh Cá - Lúa

Tháng 3/2013, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa triển khai mô hình nuôi xen canh cá - lúa tại thôn Làng Tạc, Làng Non (xã Yên Nguyên).

30/12/2013