Người làm muối và nỗi lo bị ép giá
Thế nhưng, thời gian gần đây, mặc dù sản lượng muối đạt nhưng nỗi lo tiêu thụ muối của diêm dân ngày càng tăng, nguyên nhân là do bị các thương lái ép giá.
Thoát nghèo
Cách TP.Đồng Hới hơn 60 cây số về phía Bắc, nằm dọc dòng sông Loan, ngay dưới chân cầu Roòn là cánh đồng muối của người dân xã Quảng Phú.
Muối gắn bó với diêm dân từ bao đời nay và là nguồn thu nhập chính của người dân vùng cát này.
Theo người dân, nghề muối có từ hơn 50 năm trước.
Đến nay, nghề muối tại xã Quảng Phú chủ yếu tập trung tại các thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3 và Phú Lộc 4 với khoảng 1.000 lao động làm muối trên gần 100ha đồng muối.
Sản lượng bình quân đạt từ 7.000 - 8.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 70 tỉ đồng.
Nhờ muối, xã Quảng Phú từ một xã có tỉ lệ hộ nghèo hơn 27% nay đã thoát nghèo, nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ làm muối.
Ông Nguyễn Ngọc Chân (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) cho biết: “Nghề muối so với làm ruộng mang lại hiệu quả cao, mỗi ngày làm muối có khi được 1 tạ lúa, trong khi làm lúa thì thời gian thu hoạch lâu hơn, lại mất công chăm sóc.
Hiện tại gia đình tui làm 5 sào muối, mỗi ngày sản xuất được khoảng 5 tạ, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 400.000 đồng”.
Trước đây, nhiều người làm muối gặp thời tiết không thuận lợi nên lao đao, đành quay trở lại làm ruộng.
Nhiều người muốn thoát nghèo chuyển đổi sang nuôi tôm nhưng vẫn thất bại.
Những người còn trụ vững đến hôm nay phải cố gắng và trải qua nhiều khó khăn mới có kết quả tốt.
Nhiều gia đình giàu lên từ muối như hộ ông Lê Văn Thư, Nguyễn Văn Thi, Phạm Thị Huệ…, họ đều làm trên 1ha ruộng muối.
Nay, nghề muối đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây.
Tuy giá muối bấp bênh, lúc lên lúc xuống, nhưng đời sống của diêm dân xã Quảng Phú cơ bản ổn định.
“Nghề làm muối là nghề chính của gia đình, trung bình kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày, cao gấp nhiều lần so với làm ruộng, nhờ đó gia đình cũng có tiền mua sắm và nuôi con ăn học đàng hoàng”, bà Lê Thị Hoa (thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú) nói.
Được mùa, ép giá
Thời tiết năm nay khô hạn kéo dài nên thuận lợi cho diêm dân làm nghề.
Mặc dù được mùa muối nhưng do không có nơi tiêu thụ, các thương lái ép giá khiến diêm dân đành phải cắn răng bán muối với giá thấp.
Theo ông Trương Ngọc Cảnh - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Phú, Quảng Trạch, mặc dù cả cánh đồng muối xã Quảng Phú với gần 100ha nhưng chỉ có hai thương lái thu mua muối nên diêm dân thường bị ép giá.
Đầu vụ, 1kg muối bán được 1.700 đồng, nhưng đến giữa mùa thì giá giảm xuống chỉ còn một nửa.
Để đầu tư làm 1 ha muối, ban đầu, diêm dân phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để xây hệ thống cấp thoát nước, kênh mương, đê bao, ô nại đến ô kết tinh, sau 5 năm phải đầu tư lại để chống xuống cấp.
Số tiền bỏ ra không nhỏ, vì vậy dù giá rẻ cũng phải bán muối để thu hồi vốn chứ không còn cách nào khác.
Nghề làm muối chỉ kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, tuy nhiên phụ thuộc vào thời tiết, nếu ngày nào không có nắng thì đồng muối coi như ruộng hoang.
Thời điểm từ 6 - 7h sáng, các diêm dân bắt đầu lên ruộng muối tháo nước vào ruộng qua những bể chứa nhỏ, sau đó phơi nắng.
Đến buổi chiều, khoảng 13h, dưới cái nắng oi bức cháy da cháy thịt, diêm dân đóng nước để giang thành các ô muối.
Sau thời gian nắng nóng, hơi nước muối bốc lên, tầm khoảng 2 tiếng đồng hồ, muối bắt đầu kết tinh, lúc này diêm dân tiến hành cào muối tấp thành từng đống và chờ tiêu thụ.
Làm ra hạt muối vất vả là thế nhưng lại bị thương lái thu mua ép giá khiến diêm dân méo mặt, chỉ còn biết kêu trời.
Chị Nguyễn Thị Hường (thôn Phú Lộc 1 xã Quảng Phú) đang cào muối sang ô, dừng tay than thở: “Muối được mùa kết tinh trắng đồng mà thương lái thu mua lại hạch sách, ép giá.
Giờ rẻ mấy cũng phải bán, chứ giữ muối lại biết cất vào đâu”.
Nghề muối đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân nơi đây thoát nghèo đi lên từ nghề muối thế nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” cứ mãi lặp đi lặp lại.
Để diêm dân xã Quảng Phú có thể yên tâm làm ăn sinh sống rất cần các cấp, các ngành bắt tay vào cuộc.
“Đề nghị các cấp tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, xây các kho chứa, thu mua muối cho diêm dân khi mùa về, để bà con yên tâm sản xuất.
Chứ kiểu được mùa rồi lại bị ép giá kiểu này, diêm dân khổ lắm”, ông Nguyễn Phi Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú - khẩn thiết nói.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, huyện Phú Tân đã thu hoạch hơn 1.200 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Những tháng đầu năm, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện gặp khó khăn về giá cả, thiếu điện cũng như các yếu tố đầu vào tăng cao; tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp vẫn tăng khá cao.
Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.
Chị Nguyễn Thị Quyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: Khoảng 1 tháng nay, giá sầu riêng tăng mạnh lại khan hiếm hàng. Nguyên nhân là do nghịch mùa, nhu cầu xuất khẩu tăng. Phần lớn phải mua sầu riêng sống, để chín dần, trái xấu cũng mua mới có hàng bán. Nhập khoảng 200 kg/đợt, bán 4 - 5 ngày mới hết, sức mua cũng không tăng nhiều.
Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.
Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.