Người Làm Mới Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh
Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nga ở khóm Hải Hoà (thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đúng vào dịp ông đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu.
Sau cái bắt tay thật chặt, ông Nga tự hào nói: “Năm nay, gia đình tôi lại có thêm một vụ tiêu bội thu. Đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực không ngừng đi khắp nơi để học tập kinh nghiệm và tiến hành vận dụng sáng tạo trong trồng trọt và chăm sóc cây tiêu”.
Lau vội những giọt mồ hôi chảy trên khuôn mặt, ông Hoàng Văn Nga kể lại hành trình “phục sinh” cây tiêu của mình. Năm 1994, ông Nga mua lại vườn tiêu gần 1 ha của Nông trường Bến Hải. “Khi nhận vườn tiêu đã già cỗi và bị sâu bệnh, cho năng suất, sản lượng thấp nên gia đình tôi quyết tâm đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu bệnh để cải tạo vườn tiêu. Sau thời gian dồn sức lực, tâm huyết cho vườn tiêu, tôi đã gặt hái được những thành công bước đầu đó là vườn cây phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao”, ông Nga cho biết.
Trong quá trình đầu tư phát triển cây hồ tiêu, ông nhận thấy trồng tiêu tại nhà ông cũng như nhiều người trồng tiêu khác trong vùng chưa mang tính bền vững, chưa có quy trình cụ thể từ khâu sản xuất giống, lập vườn, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch, nhất là việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học còn hạn chế, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Vậy là ông quyết định khăn gói đến các “thủ phủ” trồng tiêu trong nước, và điểm dường chân để lại cho ông nhiều kinh nghiệm quý giá nhất chính là Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Nhìn những vườn tiêu phát triển tốt, cho những vụ mùa bội thu và đặc biệt là được những người dân trồng tiêu giỏi, các chuyên gia tận tuỵ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chọn giống, phát hiện và điều trị kịp thời sâu bệnh và nhiều kinh nghiệm quý giá khác, ông Nga rất phấn khởi.
Ông cho biết: “Cứ nghĩ với những kết quả đạt được trong trồng và phát triển cây tiêu của mình ở quê nhà là tốt, nào ngờ, đến những vùng chuyên canh cây hồ tiêu, mới biết là mình còn kém cỏi lắm. Với những điều học được về trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, tôi tin sẽ áp dụng thành công tại gia đình mình, và hướng tới là nhân rộng ra cho nhiều người dân khác trong toàn huyện, hướng đến mục tiêu trồng tiêu đạt hiệu quả cao, hình thành vùng chuyên canh cây hồ tiêu trên đất Vĩnh Linh”.
Năm 2010, với kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu cộng với những bài học quý giá trong quá trình tham quan, ông tự xây dựng tập tài liệu trồng và chăm sóc cây hồ tiêu chất lượng cao phù hợp với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Quy trình áp dụng các kỹ thuật được thực hiện từ khâu lập vườn, nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước hợp lý, chế biến, bảo quản...
Qua 3 năm áp dụng vào thực tiễn mô hình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu chất lượng cao, ông Nga đã đạt được kết quả bước đầu, năng suất, sản lượng tăng gấp nhiều lần so với hình thức trồng và chăm sóc cây tiêu trước đây, cây phát triển nhanh, xanh tốt, ít sâu bệnh, cho hạt to, đồng đều...
Đặc biệt năm 2012, hơn 1.400 gốc tiêu của ông cho thu hoạch 1,2 tấn hạt, trị giá trên 150 triệu đồng. Mùa tiêu 2013 cũng là mùa vụ bội thu khi đạt năng suất và sản lượng cao hơn năm 2012, thu nhập cũng cao hơn với những năm trước. Bên cạnh đó, ông còn nhân rộng mô hình và hướng dẫn kinh nghiệm cho những người dân quanh vùng học tập, làm theo, để góp phần tăng năng suất, chất lượng cây hồ tiêu.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện nay, huyện có gần 900 ha hồ tiêu, trong đó có 820 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch. Trong thời gian qua, huyện đã có nhiều dự án thực hiện ở một số xã như Vĩnh Kim, Vĩnh Nam, Vĩnh Thạch... nhằm nâng cao thương hiệu giống tiêu Vĩnh Linh trên cơ sở kinh nghiệm sản xuất của nhân dân kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Mô hình trồng tiêu của ông Hoàng Văn Nga là một trong những cách làm đạt hiệu quả cao, giúp cho ngành nông nghiệp huyện có thêm một điểm sáng để giới thiệu nhân rộng ra toàn huyện, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây hồ tiêu, loại cây công nghiệp truyền thống có giá trị xuất khẩu ở địa phương”.
Có thể bạn quan tâm
Theo những người trồng dứa, mùa dứa năm nay trúng đậm và được giá. Mỗi trái dứa sau khi thu họach đưa xuống núi, thương lái mua từ 5.000 – 8.000 đồng/trái, sản lượng tăng hơn 1,5 lần so với vụ mùa trước. Sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lợi từ 30-35 triệu đồng/ha
Ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) có những thanh niên chăn bò có thu nhập lên tới 1-2 triệu đồng/ngày. Có người trở thành tỉ phú từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ nghề nuôi bò thuê.
Lần đầu tiên tại ĐBSCL có nông dân chưa học hết cấp 3 được cấp bằng chứng nhận thương hiệu độc quyền. Không phải là kỹ sư, bác sĩ hay nhà khoa học, nhưng các kỹ sư, nhà khoa học thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của ông. Ông là Võ Hồng Ngoãn - người được mệnh danh là “vua tôm” trên đất Bạc Liêu.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu đang xuống chậm. Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục xuống chậm, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ít biến đổi trong vài ngày nữa sau đó cũng xuống chậm
Tôm sú là loại tôm được sử dụng rộng rãi thứ 2 tại Nhật Bản, sau tôm thẻ chân trắng. Năm 2010, Nhật Bản đã nhập khẩu 49 ngàn tấn tôm sú và 55 ngàn tấn tôm thẻ chân trắng, trừ các sản phẩm chế biến