Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Hà Nội mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam

Người Hà Nội mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam
Ngày đăng: 17/04/2015

Thời gian vừa qua, lũ trên sông Vu Gia vào các ngày từ 25 đến 26/3 đã làm ngập và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu ở tỉnh Quảng Nam.

Nhiều bà con nông dân trồng dưa hấu tại huyện Đại Lộc đã lâm vào hoàn cảnh bi đát khi khoảng 30ha ruộng dưa hấu đang đến ngày thu hoạch bỗng nhiên bị ngập trong nước lũ. Nhiều hộ gia đình trắng tay, một số người còn phải gánh thêm những khoản nợ không nhỏ từ vốn vay ngân hàng.

Chia sẻ với tình cảnh khốn khó của bà con nơi đây, nhiều người trẻ đã đứng lên vận động người dân tại một số tỉnh thành khu vực miền Trung chung tay mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam. Người tiên phong cho hoạt động ý nghĩa “Mỗi trái dưa là một tấm lòng” là anh Trần Đình Quốc Khương (Đà Nẵng). 100 tấn dưa bị ngập lụt đã được anh và các tình nguyện viên tại Đà Nẵng bán hết với giá 4.000đ/kg.

Sau một thời gian triển khai hoạt động, nhận thấy sức mua đã giảm, thị trường đã bão hòa nên anh quyết định dừng lại. Số tiền chênh lệch lúc bán dưa và số tiền quyên góp được anh cùng nhóm thiện nguyện trao tận tay các gia đình khó khăn của huyện.

Sau khi nghe thông tin còn một lượng lớn dưa của bà con bị ép giá cần tiêu thụ gấp, một nhóm thiện nguyện khác tại Hà Nội đã quyết định kết hợp với nhóm ở miền Trung, tiếp tục thu mua 14 tấn dưa hấu với giá 3 triệu đồng/tấn, chuyển ra thủ đô và một số tỉnh thành phía Bắc để tiêu thụ giúp bà con nông dân.

Trên trang facebook cá nhân của những người tham gia mua dưa ủng hộ bà con nông dân, tình hình mua bán dưa và vận chuyển tại Quảng Nam liên tục được cập nhật, kéo theo đó là rất nhiều những lời động viên, chia sẻ và vận động mua dưa của cộng đồng mạng.

Anh Nguyễn Huy Tuấn, đầu mối chuyển dưa từ Quảng Nam cho biết xe chở dưa đã có mặt tại Hà Nội vào tối ngày 6/4. Việc phân phối dưa và sắp xếp đơn hàng kéo dài suốt từ tối đến đêm, và ngay trong ngày 7/4, kế hoạch bán dưa tại 4 địa điểm trên các phố Nguyễn Khuyến, Trần Duy Hưng, Bà Triệu và khu đô thị mới Dịch Vọng đã được triển khai.

Dưa hấu đắt hàng như tôm tươi

Sáng 7/4, tại tòa nhà N07B3 – Khu đô thị mới Dịch Vọng, ngay từ sáng sớm, nhiều sinh viên khoác trên mình áo xanh tình nguyện đã có mặt để hỗ trợ cho việc bán dưa. Rất nhiều người đã tập trung tại đây, tiếng trao đổi, tiếng hỏi han làm huyên náo cả một góc đường Thành Thái. 3 tấn dưa đã được tiêu thụ hết chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ kể từ khi bắt đầu bán. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các địa điểm còn lại.

Một khách hàng lái xe từ Vĩnh Phúc tới với ý định mua 100kg để về bán lại với giá tương tự cho biết: “Mình đã đặt mua từ hôm trước rồi, nhưng bây giờ đến thì lại được thông báo là hết dưa, trong khi mình đã phải tự lái xe đến đây để không mất tiền thuê xe vận chuyển”.

Chị Vũ Thị Huyền Trang, người phụ trách bán dưa tại địa điểm này cho biết, lượng khách đặt hàng qua trang facebook cá nhân của chị quá lớn, mỗi đơn hàng có thể từ vài chục, thậm chí lên tới vài trăm quả. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lượng dưa tiêu thụ nhanh với tốc độ chóng mặt và không thể đáp ứng nhu cầu mua lẻ của rất nhiều người dân.

Lượng dưa có hạn trong khi sức mua lại lớn khiến cho những người phụ trách như chị Trang lâm vào cảnh dở khóc dở cười, “Tôi chỉ có từng đấy dưa để bán, trong khi mọi người cứ đặt mua 100 hoặc 150 quả mỗi đơn nên không đủ số lượng để bán lẻ, thành ra những đơn đã đặt từ trước cũng không đủ dưa để bán, những người khác đến không mua được lại nghĩ mình bán buôn, nhiều người quay sang trách móc”.

Chị cũng phân trần: “Chúng tôi bán dưa với mục đích ủng hộ nông dân, lẽ ra khi hết dưa rồi thì mọi người phải vui mừng mới phải, đằng này có người lại bất bình vì không mua được dưa”.

Được biết, giá dưa thương lái ép bà con nông dân là 800đ – 1.000đ/kg, trong khi các tình nguyện viên tại Hà Nội bán ra với giá 5.000đ/kg, tức là chỉ bằng khoảng 1/4 giá trên thị trường hiện nay./.


Có thể bạn quan tâm

Chọn Sản Xuất Lúa Giống Làm Khâu Đột Phá Chọn Sản Xuất Lúa Giống Làm Khâu Đột Phá

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi kết hợp với hệ thống đê bao hoàn thiện, nhiều năm qua người dân ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân đã gắn bó với cây lúa. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên sản lượng lúa luôn ở mức thấp, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn không cao.

05/03/2014
Đâu Là Giống Cây Trồng Chủ Lực? Đâu Là Giống Cây Trồng Chủ Lực?

Sau hàng chục năm tìm kiếm, đến nay, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xác định được một số giống cây trồng chủ lực. Thế nhưng, việc hỗ trợ cho người dân tập trung phát triển những giống cây này còn gặp nhiều khó khăn.

05/03/2014
Nông Dân Muốn Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Trồng Bưởi Nông Dân Muốn Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Trồng Bưởi

Tuy nhiên, có khoảng 30 hécta lúa chỉ làm được một vụ do khó khăn về nước tưới nên nông dân mong muốn được chuyển đổi từ cây lúa có hiệu quả thấp sang cây bưởi có giá trị cao. Huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh bưởi tại 3 xã: Tân Bình, Bình Lợi, Tân An với tổng diện tích trồng mới là 205 hécta.

05/03/2014
Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Mú Ở Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Mú Ở Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)

Điển hình như ông Trần Quyết Định, xã Tân Ân Tây. Ông Định đào 3 ao với diện tích trên 1.800 m2, thả 4.000 con cá mú giống. Sau 8 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 800 g trở lên, ông bán ra thị trường giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, thu lãi trên 160 triệu đồng.

05/03/2014
Mỗi Ngày Mua Bán Trên 200kg Cá Bông Lau Mỗi Ngày Mua Bán Trên 200kg Cá Bông Lau

Theo anh Phan Hồng Phi- Tổ thu mua thủy sản chợ Trà Ôn (Vĩnh Long), từ sau Tết Giáp Ngọ 2014, mỗi ngày tổ mua vào trên 200kg cá bông lau.

05/03/2014