Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chọn gà thả vườn để tránh cạnh tranh gà Mỹ

Chọn gà thả vườn để tránh cạnh tranh gà Mỹ
Ngày đăng: 25/09/2015

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP” diễn ra ngày 24-9 tại Hà Nội.

Năng suất chỉ đạt trên 50% trung bình thế giới

Theo Hiệp hội gia cầm Việt Nam, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc top 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.

Mặc dù có sản lượng lớn nhưng việc phát triển chăn nuôi gia cầm trong nước cũng như xuất khẩu sản phẩm gia cầm còn gặp nhiều trở ngại. Theo ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, quy mô chăn nuôi gia cầm chủ yếu là nhỏ lẻ, chiếm đến 65-70%; thiếu tính liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao, thị trường chủ yếu do thương lái điều tiết.

Bên cạnh đó, năng suất gia cầm của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt khoảng trên 50% so với mức trung bình thế giới.

Sự phát triển nâng cao chất lượng con giống tại Việt Nam quá chậm so với thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số dịch bệnh như long mồm lở móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chi phí đầu vào về con giống, thức ăn, thuốc thú y cao….dẫn tới sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi yếu. Trong chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65-70% chi phí nhưng so với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15%, vì phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh ATTP cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt.

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, các nước lớn trên thế giới có bề dày kinh nghiệm trong chăn nuôi công nghiệp hàng trăm năm trong khi đó ngành chăn nuôi trong nước nhỏ lẻ, manh mún nên cuộc cạnh tranh giữa gà trong nước và nhập khẩu là cuộc cạnh tranh không cân sức, ngay cả khi TPP chưa được ký kết. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi hàng loạt các rào cản thuế quan sẽ bị dỡ bỏ trong thời gian tới.

Tìm thị trường ngách

Ông Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, trong năm 2014, sản phẩm thịt gà thả vườn ở Việt Nam đạt 560.000-620.000 tấn trong khi gà công nghiệp chỉ 393.000-402.000 tấn. Do đó, gà thả vườn hiện vẫn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở nước ta, đây chính là ưu thế cạnh tranh quan trọng trong sản phẩm thịt gia cầm hiện nay.

Ngoài thịt ra, trứng gia cầm muối cũng là một sản phẩm có ưu thế trong cạnh tranh.

Theo ông Hải, kinh tế phát triển, tầng lớp cư dân trung lưu sẽ tăng, do vậy, nhu cầu thực phẩm chế biến cũng tăng theo. Song thực phẩm phải đạt chất lượng cao và hợp thị hiếu. Sản phẩm càng hấp dẫn, bao bì càng bắt mắt sẽ càng thu hút người tiêu dùng.

Do đó, sản phẩm gia cầm thả vườn nhất là gia cầm qua chế biến luôn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng thế giới và trong nước. Đây chính là thị trường ngách mà ngành chăn nuôi gia cầm trong nước nên hướng tới trong thời gian tới.

Để phát triển chăn nuôi gà thả vườn, theo ông Lê Thanh Hải, trước mắt nên tập trung xây dựng Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia cầm tự nguyện chuyên ngành không hạn chế về địa lý với quy mô tối thiểu 1 triệu con/năm nhưng nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật chế biến trong giai đoạn đầu.

HTX sẽ từng bước tích lũy kinh nghiệm thị trường để phát triển thành công công ty sản xuất, chế biến gia cầm ở từng vùng. Từng HTX phải tổ chức liên kết giữa các hộ trong HTX chăn nuôi chuyên ngành để quy mô phát triển theo nhu cầu xã hội nhưng phải mang tính kế hoạch thị trường nhằm tránh rủi ro.

Đồng thời, HTX phải tạo ra liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra tốt cho sản phẩm gia cầm hoặc chính HTX phải tự liên kết chăn nuôi theo VietGap, giết mổ, chế biến và bảo quản theo quy trình ATTP, sau đó đưa các sản phẩm này ra mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của mình ở nhiều nơi khác nhau như chợ, nhà hàng, bệnh viện, trường học, siêu thị hay các cửa hàng tiện ích ở khu đô thị, các khu công nghiệp, các khu du lịch….

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh cho hay, xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang gà đi bộ. Thậm chí, nhiều quốc gia đã ra quy định cấm nuôi nhốt các loại gia cầm. Ví dụ cụ thể, gần đây, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s vừa tuyên bố sẽ dần chấm dứt sử dụng trứng gà do gà nhốt chuồng đẻ mà chỉ dùng trứng do gà thả rong đẻ.

“Thật ra trên thế giới, giá trị gà đi bộ rất cao trong khi chúng ta đang nuôi thả vườn trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mô hình nên lựa chọn nuôi gà thả vườn là lựa chọn hợp lý” – ông Khanh nói.

Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi cơ quan chức năng phải quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm hợp lý, có mô hình trồng cây xanh phủ mát, hướng dẫn việc xây dựng chuồng chăn thả gà nhằm tránh dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khi đó, giá trị gia tăng trong chăn nuôi gà sẽ cao hơn lại tránh việc cạnh tranh trực tiếp với gà nhập khẩu trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Điều Ở Đồng Nai Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Điều Ở Đồng Nai

Ngày 12-9, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty Donafoods về quy hoạch vùng nguyên liệu điều đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đồng Nai sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu điều tại 9 xã của 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom với diện tích khoảng 11 ngàn hécta.

16/09/2012
Trị Sâu Đục Cuống Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Vải Thiều Trị Sâu Đục Cuống Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Vải Thiều

Đối với người dân trồng vải vải thiều ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng, cùng với biện pháp sản xuất vải thiều sạch an -toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thì trị sâu đục cuống quả vải được coi là một khâu quan trọng nhằm hạn chế quả vải thiều dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

27/05/2011
Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng

Hằng năm vào mùa nắng, nước ở một số tuyến sông và trong vuông bị cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… sẽ gây ra một số bất lợi đối với tôm nuôi, làm thiệt hại về kinh tế. Người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau

16/04/2011
Thừa Thiên - Huế: Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Dựa Vào Cộng Đồng Thừa Thiên - Huế: Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Dựa Vào Cộng Đồng

Mấy tháng qua, ngư dân các huyện ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) luôn bội thu nguồn lợi từ thủy sản. Riêng ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền), ngư dân liên tục thắng đậm cá dìa, đem về hàng trăm triệu đồng. Có được kết quả này là do địa phương đã triển khai tốt chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.

14/12/2011
Đã Đến Lúc Nông Dân Phải “Tự Đứng Lên” Đã Đến Lúc Nông Dân Phải “Tự Đứng Lên”

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70% nông dân, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác. Trước khi nghị quyết “tam nông” ra đời, việc đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đặt đầu tư cho nông nghiệp thành động lực để tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

15/12/2011