Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.
Trưởng bản tận tụy
Sinh năm 1966, ông Phon bắt đầu làm Trưởng bản Xốp Thập từ năm 1999. Những năm đó xã Hữu Lập nói chung cũng như bản Xốp Thập nói riêng còn muôn vàn khó khăn do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, địa bàn xa xôi, cách trở... Hồi ấy, hễ nhắc đến Hữu Lập là người ta liên tưởng ngay đến một vùng núi cao bạt ngàn nương thuốc phiện, trở thành một trong những điểm “nóng” về ma túy của huyện Kỳ Sơn.
Không ít trường hợp gia đình cả cha và con đều trở thành những nô lệ của nàng tiên nâu, nhà tan cửa nát, bệnh tật chỉ vì nghiện. Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các ban ngành và sự phối hợp tích cực của các trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân, dần dần cây thuốc phiện đã được xóa bỏ. Những vùng đất một thời được mệnh danh là “đất chết”, giờ đây đã thay da đổi thịt bởi những nương lúa, ngô, những đồi xoan, keo bạt ngàn...
Đến nay, người dân bản Xốp Thập đều cam kết không trồng thuốc phiện mà chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho con bò, con dê. Đặc biệt là từ khi được Trưởng bản Phon, kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tư vấn, hướng dẫn, nhiều hộ nghèo trong bản đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay hàng chục triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ năm 2008 đến nay, Xốp Thập đã có 37 hộ nghèo/93 hộ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH với tổng dư nợ đạt 658 triệu đồng, mỗi sổ vay không quá 30 triệu đồng, riêng với hộ làm kinh doanh được vay tới 80 – 90 triệu đồng.
Ông Phon cho biết, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng vốn vay để làm vườn, chăn nuôi rất hiệu quả, điển hình như gia đình ông Kha Văn Ma. Được vay 10 triệu đồng của NHCSXH với lãi suất 0,65%/tháng trong 36 tháng, ông Ma mua được 2 con bò, kết hợp với làm vườn, chỉ sau 2 năm đàn bò nhà ông đã tăng lên 4 con, hàng tháng ông đều nộp đủ lãi cho ngân hàng, kinh tế gia đình có nhiều triển vọng.
Ngoài giúp bà con tiếp cận với vốn vay hộ nghèo, ông Phon còn giúp một số hộ vay tiền làm nhà; đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, người trưởng bản này luôn nhận được sự tín nhiệm cao của NHCSXH nhờ sự tận tụy với từng đồng vốn, giúp tiền chuyển đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Hàng tháng ông lại cần mẫn đến từng gia đình trong diện vay vốn hỏi han, tìm hiểu, kịp thời giúp họ tháo gỡ khó khăn và trả lãi đúng thời hạn. Nhờ vậy, trong 2 năm qua Xốp Thập không có trường hợp nào nợ xấu, kinh tế địa phương thay đổi rõ rệt.
Năng động trong làm kinh tế
Bản thân ông Phon cũng được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng trong thời gian 3 năm, ông dùng số tiền ấy đầu tư chăn nuôi bò, trồng tre, xoan, cây ăn quả, kết hợp nuôi dê, gà thả vườn... Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay ông đã có 10 con bò, 5 con dê, vài chục con gà, 3ha keo và 1ha xoan, thu nhập bình quân đạt 30 – 40 triệu đồng/năm.
So với nhiều nơi, mức thu nhập đó không có gì đáng nói, nhưng so với mức thu nhập bình quân ở Xốp Thập, kể như nhà ông Phon đã là khá giả. Điều đáng nói là nhờ biết lấy ngắn nuôi dài nên hầu như tháng nào nhà ông cũng có thu nhập. Ông Phon còn là Chủ tịch Hội an toàn dịch gia súc của xã, luôn tích cực vận động bà con thực hiện tốt lịch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin nên đã nhiều năm nay, trong bản không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, phong trào chăn nuôi nhờ đó được duy trì và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, trang trại Út Thúy (xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) luôn tấp nập các đoàn khách đến tham quan, học tập.

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

Nhằm phát huy hiệu quả chương trình trồng rau an toàn, tiến tới quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất, Tiền Giang đầu tư hơn 6 tỉ đồng phát triển vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 550 ha tại 4 huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Trong đó, huyện Châu Thành trồng 300 ha, Chợ Gạo 100 ha, Gò Công Đông 50 ha và thị xã Gò Công 100 ha. Dự án được triển khai từ tháng 6-2013 đến năm 2018.

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.