Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Đưa Thanh Long Tầm Vu Vươn Xa

Người Đưa Thanh Long Tầm Vu Vươn Xa
Ngày đăng: 15/05/2014

Ông trồng và làm giàu nhờ cây thanh long. Thấy việc trồng loại cây này của nông dân địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, thường bị thương lái ép giá,… nên ông vận động bà con thành lập hợp tác xã (HTX). Hơn 5 năm đi vào hoạt động, HTX do ông làm chủ nhiệm (bây giờ là giám đốc) làm ăn ngày càng hiệu quả.

Trái thanh long của HTX không chỉ xuất qua Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore…, mà vừa được Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền khi xuất sang thị trường Mỹ… Ông là Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Từ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Nông dân Trương Quang An bén duyên với cây thanh long từ hơn 20 năm trước. Ông kể: Hồi đó, vùng này toàn trồng lúa. Nhưng cây lúa quá bấp bênh khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Khoảng thời gian đó, phong trào trồng thanh long ở Châu Thành bắt đầu rầm rộ. Thế là, ông chuyển dần gần 1ha đất trồng lúa sang trồng thanh long. Từ đó, chuyện làm ăn của ông bắt đầu có hiệu quả nên nhiều năm liền ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương…

Câu chuyện làm giàu được ông đúc kết khá đơn giản: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của vùng miền; đồng thời biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi nên hằng năm tôi đều mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, thu nhập hằng năm năm sau cao hơn năm trước…

Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, tôi xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Điều cơ bản là từ việc làm ăn ngày càng hiệu quả, tôi đáp ứng được nhu cầu ăn học của 2 con…”. Nói là vậy nhưng khi nhìn vào bảng thống kê thu nhập từ mô hình sản xuất của gia đình ông (trồng và mua bán thanh long, chăn nuôi heo, cá, trồng dừa…) từ năm 2007 đến năm 2013 mới thấy rõ quá trình cật lực phấn đấu của ông.

Cụ thể: Năm 2007, với 1 ha trồng thanh long, nuôi 150 con heo, 1 ao cá đem về thu nhập cho gia đình ông trên 410 triệu đồng. Năm 2008, diện tích trồng thanh long tăng lên 1,2ha, đàn heo tăng lên 400 con… đem về tổng thu nhập cho gia đình ông trên 475 triệu đồng…

Đến năm 2010, ông nâng diện tích trồng thanh long lên 2ha, nuôi 450 con heo, 1 ao cá thu về gần 650 triệu đồng… Năm 2013, với 3ha trồng thanh long, 200 cây dừa, kết hợp với việc mua bán thanh long, gia đình ông An có thu nhập khoảng 1,64 tỉ đồng… Chính hiệu quả kinh tế này giúp danh tiếng của ông Trương Quang An ngày càng vang xa.

Ông là một trong 62 nông dân của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cuối năm 2013. Và mới đây ông vừa đạt cúp vàng danh hiệu Nông dân ưu tú vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Đến giám đốc của một HTX “bề thế”

Cây thanh long Châu Thành của tỉnh Long An được nhiều người biết đến có màu đỏ đẹp, vị ngọt. Nhưng, như ông Trương Quang An nhận định: Người trồng thanh long thường bị thiệt về giá vì khâu tiêu thụ qua nhiều tầng nấc trung gian. Đầu tiên, thương lái đến tận vườn để thu mua. Sau đó, họ đem bán lại cho các kho.

Các kho bán ra Bình Thuận. Rồi từ Bình Thuận, thanh long mới bán được sang Trung Quốc. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón khi trồng thanh long rất lớn. Nhưng do phải mua qua đại lý cấp 2, cấp 3… nên giá phân bón không những bị đội lên, mà người trồng thanh long còn dễ mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

“Là một nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi như bao nông dân khác, tôi thấy cách sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì không thể tồn tại và phát triển được. Vì vậy, tôi vận động 13 hộ trồng thanh long thành lập HTX Thanh Long Tầm Vu với vốn góp khoảng 250 triệu đồng”, ông An cho biết.

Đại hội xã viên lần đầu tiên vào tháng 9-2008, ông An được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Sau hơn 5 năm củng cố hoạt động, ông An tiếp tục được thành viên HTX tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX.

Thời gian đầu hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn do không có trụ sở làm việc (phải mượn tạm nhà xã viên), vốn hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn…

 “Lúc đó, vốn điều lệ của HTX là 250 triệu đồng nhưng số tiền được góp ngay khi mới thành lập chưa nhiều. Để giảm chi phí sản xuất cho xã viên, HTX thành lập ngay dịch vụ cung ứng phân bón. Số tiền thuê kho phải trả gần 60 triệu đồng/năm nên gần như HTX không còn vốn để hoạt động.

Vậy là Ban Chủ nhiệm HTX phải chạy đôn, chạy đáo để trụ và vượt qua thời buổi khó khăn ban đầu” – ông An nhớ lại. Giải quyết cái khó về nguồn vốn, xác định củng cố sản xuất, hướng xã viên áp dụng đồng loạt quy trình canh tác tốt... là việc Ban chủ nhiệm rốt ráo thực hiện ngay trong những năm đầu mới thành lập.

Định hướng đúng nên năng suất, chất lượng trái thanh long của xã viên tăng, tỷ lệ trái thanh long có mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… cũng theo đà tăng. “Năm 2010, HTX Thanh long Tầm Vu bắt đầu xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Trung Quốc.

Do còn khá mới mẻ, chưa được nhiều khách hàng biết đến nên trong năm đầu tiên này, HTX chỉ xuất khẩu được vài trăm tấn. Dù sản lượng xuất khẩu còn khá khiêm tốn, nhưng việc xuất khẩu trực tiếp đã đem lại nhiều hy vọng cho xã viên, mà trước hết là về giá bán. Bởi giá bán thanh long của xã viên HTX luôn cao hơn giá thị trường vài trăm đồng, có thời điểm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Điều này được xã viên đồng tình, ủng hộ”, ông An cho biết.

Để giữ giá bán, HTX áp dụng triệt để các quy trình canh tác tiên tiến cho thanh long cho trái rải vụ trong năm. Hàng loạt các lớp tập huấn về chăm sóc, thu hoạch… được Ban chủ nhiệm HTX thường xuyên liên hệ với các kỹ sư, tư vấn viên trong và ngoài nước mời về tập huấn cho bà con xã viên.

Cách làm bài bản, khoa học; đặc biệt là luôn giữ được chữ tín trong làm ăn, chuyện xuất khẩu thanh long của HTX Thanh Long Tầm Vu ngày càng phát triển. Từ vài trăm tấn ban đầu, những năm gần đây HTX đã xuất được 5.000- 6.000 tấn trái/năm sang không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn sang nhiều nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Số lượng xã viên HTX đến nay đã đạt con số 70, diện tích đã đạt 90ha và tổng số vốn góp đã đạt 3 tỉ đồng. Ông Trương Quang An vui mừng cho biết: “Hiện nay, HTX đã có trụ sở làm việc khang trang; có cả hội trường cho xã viên học tập nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng cây thanh long.

HTX cũng đã thuê 5.500m2 đất để xây dựng nhà xưởng chế biến, đóng gói và xây kho lạnh bảo quản thanh long xuất khẩu. Không chỉ vậy, HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa riêng, có website (http://htxthanhlongtamvu.com)... để tiến tới việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa Thanh Long Tầm Vu vững mạnh”.

Theo Liên minh HTX tỉnh Long An, sau hơn 5 năm hoạt động, HTX Thanh Long Tầm Vu làm ăn hiệu quả và trở thành mô hình điểm trong phong trào kinh tế tập thể của tỉnh Long An và cả nước. Thành công của HTX không chỉ góp phần làm giàu cho bà con xã viên của HTX mà nhiều nông dân khác được thụ hưởng.

Bởi HTX đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động khi vào mùa vụ từ 120.000 – 200.000 đồng/người/ngày. Tháng 4- 2014, HTX Thanh Long Tầm Vu tiếp tục nhận được tin vui: Thanh Long Tầm Vu được Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền khi xuất sang thị trường Mỹ…

“HTX đang chuẩn bị nguồn lực con người, nâng cao hơn nữa để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường khó tính này để mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho trái thanh long Tầm Vu vươn xa”, Giám đốc Trương Quang An nói.


Có thể bạn quan tâm

Dịch Bệnh Ở Nhuyễn Thể Nuôi Tại Việt Nam Năm 2013 Dịch Bệnh Ở Nhuyễn Thể Nuôi Tại Việt Nam Năm 2013

Những tháng đầu năm 2013, các đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ (gồm Nghêu/ngao, Tu hài) nuôi tại Việt Nam đã bị nhiễm bệnh, lây lan và phát triển thành dịch tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Khánh Hoà và một số tỉnh nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm tại ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu). Dịch bệnh đã tiếp tục kéo dài đến khoảng giữa năm 2013.

23/09/2013
Rộng Đường Xuất Khẩu Cá Cảnh Rộng Đường Xuất Khẩu Cá Cảnh

Xuất khẩu cá cảnh đang mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ nông dân tại TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... khi giá cá ổn định, liên tục có nhiều đơn hàng mới. Xuất khẩu tăng

23/09/2013
Ý Kiến Trái Chiều Về Thương Nhân Trung Quốc Mua Tôm Ý Kiến Trái Chiều Về Thương Nhân Trung Quốc Mua Tôm

Đại diện cơ quan quản lý và một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm trong nước cho rằng thương nhân Trung Quốc mua nguyên liệu tôm (tôm tươi chưa qua chế biến) tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm mục đích phá hoại ngành tôm nội địa nhưng đại diện người nuôi tôm thì lại không cho là như vậy.

24/09/2013
Tăng Cường Kiểm Tra Thương Lái Trung Quốc Thu Mua Tôm Nguyên Liệu Tăng Cường Kiểm Tra Thương Lái Trung Quốc Thu Mua Tôm Nguyên Liệu

Trước tình trạng thương lái ồ ạt thu mua tôm bán cho Trung Quốc, các ngành chức năng ở tỉnh Phú Yên đang nhiều mở đợt kiểm tra tại các địa phương ven biển.

24/09/2013
Lai Tạo Đàn Bò Hiệu Quả Lai Tạo Đàn Bò Hiệu Quả

Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, huyện An Lão (Bình Định) đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò, tăng tỉ lệ bò lai, góp phần phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc ở địa phương, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

24/09/2013