Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Đưa Thanh Long Tầm Vu Vươn Xa

Người Đưa Thanh Long Tầm Vu Vươn Xa
Publish date: Thursday. May 15th, 2014

Ông trồng và làm giàu nhờ cây thanh long. Thấy việc trồng loại cây này của nông dân địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, thường bị thương lái ép giá,… nên ông vận động bà con thành lập hợp tác xã (HTX). Hơn 5 năm đi vào hoạt động, HTX do ông làm chủ nhiệm (bây giờ là giám đốc) làm ăn ngày càng hiệu quả.

Trái thanh long của HTX không chỉ xuất qua Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore…, mà vừa được Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền khi xuất sang thị trường Mỹ… Ông là Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Từ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Nông dân Trương Quang An bén duyên với cây thanh long từ hơn 20 năm trước. Ông kể: Hồi đó, vùng này toàn trồng lúa. Nhưng cây lúa quá bấp bênh khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Khoảng thời gian đó, phong trào trồng thanh long ở Châu Thành bắt đầu rầm rộ. Thế là, ông chuyển dần gần 1ha đất trồng lúa sang trồng thanh long. Từ đó, chuyện làm ăn của ông bắt đầu có hiệu quả nên nhiều năm liền ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương…

Câu chuyện làm giàu được ông đúc kết khá đơn giản: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của vùng miền; đồng thời biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi nên hằng năm tôi đều mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, thu nhập hằng năm năm sau cao hơn năm trước…

Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, tôi xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Điều cơ bản là từ việc làm ăn ngày càng hiệu quả, tôi đáp ứng được nhu cầu ăn học của 2 con…”. Nói là vậy nhưng khi nhìn vào bảng thống kê thu nhập từ mô hình sản xuất của gia đình ông (trồng và mua bán thanh long, chăn nuôi heo, cá, trồng dừa…) từ năm 2007 đến năm 2013 mới thấy rõ quá trình cật lực phấn đấu của ông.

Cụ thể: Năm 2007, với 1 ha trồng thanh long, nuôi 150 con heo, 1 ao cá đem về thu nhập cho gia đình ông trên 410 triệu đồng. Năm 2008, diện tích trồng thanh long tăng lên 1,2ha, đàn heo tăng lên 400 con… đem về tổng thu nhập cho gia đình ông trên 475 triệu đồng…

Đến năm 2010, ông nâng diện tích trồng thanh long lên 2ha, nuôi 450 con heo, 1 ao cá thu về gần 650 triệu đồng… Năm 2013, với 3ha trồng thanh long, 200 cây dừa, kết hợp với việc mua bán thanh long, gia đình ông An có thu nhập khoảng 1,64 tỉ đồng… Chính hiệu quả kinh tế này giúp danh tiếng của ông Trương Quang An ngày càng vang xa.

Ông là một trong 62 nông dân của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cuối năm 2013. Và mới đây ông vừa đạt cúp vàng danh hiệu Nông dân ưu tú vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Đến giám đốc của một HTX “bề thế”

Cây thanh long Châu Thành của tỉnh Long An được nhiều người biết đến có màu đỏ đẹp, vị ngọt. Nhưng, như ông Trương Quang An nhận định: Người trồng thanh long thường bị thiệt về giá vì khâu tiêu thụ qua nhiều tầng nấc trung gian. Đầu tiên, thương lái đến tận vườn để thu mua. Sau đó, họ đem bán lại cho các kho.

Các kho bán ra Bình Thuận. Rồi từ Bình Thuận, thanh long mới bán được sang Trung Quốc. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón khi trồng thanh long rất lớn. Nhưng do phải mua qua đại lý cấp 2, cấp 3… nên giá phân bón không những bị đội lên, mà người trồng thanh long còn dễ mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

“Là một nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi như bao nông dân khác, tôi thấy cách sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì không thể tồn tại và phát triển được. Vì vậy, tôi vận động 13 hộ trồng thanh long thành lập HTX Thanh Long Tầm Vu với vốn góp khoảng 250 triệu đồng”, ông An cho biết.

Đại hội xã viên lần đầu tiên vào tháng 9-2008, ông An được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Sau hơn 5 năm củng cố hoạt động, ông An tiếp tục được thành viên HTX tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX.

Thời gian đầu hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn do không có trụ sở làm việc (phải mượn tạm nhà xã viên), vốn hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn…

 “Lúc đó, vốn điều lệ của HTX là 250 triệu đồng nhưng số tiền được góp ngay khi mới thành lập chưa nhiều. Để giảm chi phí sản xuất cho xã viên, HTX thành lập ngay dịch vụ cung ứng phân bón. Số tiền thuê kho phải trả gần 60 triệu đồng/năm nên gần như HTX không còn vốn để hoạt động.

Vậy là Ban Chủ nhiệm HTX phải chạy đôn, chạy đáo để trụ và vượt qua thời buổi khó khăn ban đầu” – ông An nhớ lại. Giải quyết cái khó về nguồn vốn, xác định củng cố sản xuất, hướng xã viên áp dụng đồng loạt quy trình canh tác tốt... là việc Ban chủ nhiệm rốt ráo thực hiện ngay trong những năm đầu mới thành lập.

Định hướng đúng nên năng suất, chất lượng trái thanh long của xã viên tăng, tỷ lệ trái thanh long có mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… cũng theo đà tăng. “Năm 2010, HTX Thanh long Tầm Vu bắt đầu xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Trung Quốc.

Do còn khá mới mẻ, chưa được nhiều khách hàng biết đến nên trong năm đầu tiên này, HTX chỉ xuất khẩu được vài trăm tấn. Dù sản lượng xuất khẩu còn khá khiêm tốn, nhưng việc xuất khẩu trực tiếp đã đem lại nhiều hy vọng cho xã viên, mà trước hết là về giá bán. Bởi giá bán thanh long của xã viên HTX luôn cao hơn giá thị trường vài trăm đồng, có thời điểm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Điều này được xã viên đồng tình, ủng hộ”, ông An cho biết.

Để giữ giá bán, HTX áp dụng triệt để các quy trình canh tác tiên tiến cho thanh long cho trái rải vụ trong năm. Hàng loạt các lớp tập huấn về chăm sóc, thu hoạch… được Ban chủ nhiệm HTX thường xuyên liên hệ với các kỹ sư, tư vấn viên trong và ngoài nước mời về tập huấn cho bà con xã viên.

Cách làm bài bản, khoa học; đặc biệt là luôn giữ được chữ tín trong làm ăn, chuyện xuất khẩu thanh long của HTX Thanh Long Tầm Vu ngày càng phát triển. Từ vài trăm tấn ban đầu, những năm gần đây HTX đã xuất được 5.000- 6.000 tấn trái/năm sang không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn sang nhiều nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Số lượng xã viên HTX đến nay đã đạt con số 70, diện tích đã đạt 90ha và tổng số vốn góp đã đạt 3 tỉ đồng. Ông Trương Quang An vui mừng cho biết: “Hiện nay, HTX đã có trụ sở làm việc khang trang; có cả hội trường cho xã viên học tập nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng cây thanh long.

HTX cũng đã thuê 5.500m2 đất để xây dựng nhà xưởng chế biến, đóng gói và xây kho lạnh bảo quản thanh long xuất khẩu. Không chỉ vậy, HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa riêng, có website (http://htxthanhlongtamvu.com)... để tiến tới việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa Thanh Long Tầm Vu vững mạnh”.

Theo Liên minh HTX tỉnh Long An, sau hơn 5 năm hoạt động, HTX Thanh Long Tầm Vu làm ăn hiệu quả và trở thành mô hình điểm trong phong trào kinh tế tập thể của tỉnh Long An và cả nước. Thành công của HTX không chỉ góp phần làm giàu cho bà con xã viên của HTX mà nhiều nông dân khác được thụ hưởng.

Bởi HTX đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động khi vào mùa vụ từ 120.000 – 200.000 đồng/người/ngày. Tháng 4- 2014, HTX Thanh Long Tầm Vu tiếp tục nhận được tin vui: Thanh Long Tầm Vu được Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền khi xuất sang thị trường Mỹ…

“HTX đang chuẩn bị nguồn lực con người, nâng cao hơn nữa để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường khó tính này để mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho trái thanh long Tầm Vu vươn xa”, Giám đốc Trương Quang An nói.


Related news

Trăn, Cá Sấu Giảm Giá Sâu Trăn, Cá Sấu Giảm Giá Sâu

Cụ thể, đối với cá sấu thịt bán nguyên con để lấy da loại 7-15kg/con chỉ còn 230.000 đ/kg, giảm 50.000 -70.000 đ/kg; cá sấu con loại 1 tháng tuổi còn 200.000 đ/con, giảm 100.000 -120.000 đ/con. Còn đối với thị trường trăn lấy da XK, giá giảm từ 200.000 -220.000 đ/con, hiện trăn thịt lấy da, loại 1 năm tuổi giá giảm xuống còn 280.000 đ/kg; trăn giống 1 tuần tuổi còn 260.000 đ/con, giảm 100.000 đ.

Monday. August 11th, 2014
Nuôi Dê Núi, Tạo Sinh Kế Cho Người Nghèo Nuôi Dê Núi, Tạo Sinh Kế Cho Người Nghèo

Nhằm giúp người dân thêm điều kiện thoát nghèo, đầu năm 2012, từ nguồn vốn Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mường Chà đã triển khai dự án nuôi dê núi tại 8 xã: Sa Lông, Mường Mươn, Ma Thì Hồ, Sá Tổng, Pa Ham, Nậm Nèn, Huổi Mí và Hừa Ngài. Tham gia dự án có 493 hộ dân.

Monday. August 11th, 2014
Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ

Vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tận dụng triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thổ nhưỡng... đã giúp nhân dân Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từng bước thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 58%, giảm 4,5% so với năm 2012.

Monday. August 11th, 2014
Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại

“Không chỉ là trưởng bản gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của thôn, bản, giúp đỡ bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, chị Lò Thị Việt ở bản Ho Luông 1 còn là điển hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ thất bại”, đó là chia sẻ của ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa, T.X Mường Lay khi nói về nữ trưởng bản Lò Thị Việt. Cách đây 5 năm, cuộc sống của gia đình chị Việt còn nhiều thiếu thốn.

Monday. August 11th, 2014
Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa Cây Ngô Trên Đất Tủa Chùa

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc canh tác cây ngô tại một số vùng trên địa bàn huyện có dấu hiệu chững lại cả về diện tích và năng suất. Làm gì để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chiến lược phát triển cây ngô tại địa phương là nội dung cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn luôn quan tâm, trăn trở.

Monday. August 11th, 2014