Người dân ồ ạt trồng hồ tiêu
Họ chặt phá hàng nghìn ha cây trồng khác như cao su, điều, cà phê…, thậm chí phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất trồng hồ tiêu.
Phá vỡ quy hoạch
Bây giờ về các huyện, những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc, đi đến đâu cũng thấy người dân hăm hở phá bỏ các cây trồng khác để trồng hồ tiêu. Theo một số hộ nông dân, với giá hơn 200.000 đồng/kg hạt tiêu như hiện nay, chỉ cần trồng 1ha hồ tiêu thì mỗi năm cũng cho thu nhập vài ba trăm triệu đồng, cao hơn hẳn các cây trồng khác.
Bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, nhiều người dân ở Đắk Lắk liên tục mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu.
Tại xã Ðắk D’rông, từ đầu năm đến nay đã có trên 100 ha đất hoa màu được người dân san ủi, chôn cọc để trồng hồ tiêu, nâng tổng số diện tích hồ tiêu toàn xã lên hơn 300 ha. Toàn huyện Cư Jút có trên 1.400 ha hồ tiêu và hầu hết đều là mới trồng từ đầu năm đến nay. Những cây trồng bị chặt bỏ để trồng tiêu nhiều nhất là cao su, cà phê vì giá xuống thấp.
Ông Vũ Đức Thành, ở xã Ðắk D’rông, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) có vườn cao su gần 10 năm tuổi cho biết, trồng hồ tiêu thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, trong khi giá cà phê năm nay thấp chưa tới 40.000 đồng/kg, trong khi cao su rớt giá thê thảm còn chưa tới 9.000 đồng/kg nên ông đã quyết định chuyển một phần diện tích cây cao su sang trồng hồ tiêu.
Ông Hồ Gấm - Phó giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, do giá hồ tiêu tăng cao, người dân thấy lợi trước mắt, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp ồ ạt trồng hồ tiêu. Từ đầu năm đến nay, theo thống kê, cả tỉnh có hơn 3.000 ha hồ tiêu được trồng mới, đưa tổng diện tích vườn hồ tiêu của địa phương lên hơn 20.000 ha, trong khi tỉnh chỉ quy hoạch diện tích cây hồ tiêu phát triển bền vững là khoảng 12.000 ha.
Theo ông Gấm, việc phát triển hồ tiêu ồ ạt sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Diện tích cây hồ tiêu lấn sang các loại cây trồng khác, thậm chí lấn sang cả đất rừng và phá vỡ cơ cấu phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Tập trung chăm sóc diện tích hiện có
Để phát triển hồ tiêu bền vững và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, không chuyển đổi các cây trồng khác sang trồng hồ tiêu mà tập trung đầu tư chăm sóc tốt diện tích các cây trồng hiện có.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, xác định hồ tiêu là cây tạo hàng hóa xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu của tỉnh,
Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích người dân phát triển cây hồ tiêu ở các quy mô vườn gia đình, trang trại, nông, lâm kết hợp; hướng dẫn nông dân trồng tiêu trên trụ bằng cây sống hay xây trụ bê tông, gạch để làm trụ tiêu, hạn chế khai thác cây rừng.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn tỉnh Đắk Nông đã tuyển chọn một số chuẩn loại giống năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, giống đã được công nhận thay thế vườn hồ tiêu không đảm bảo yêu cầu ở một số vùng trên địa bàn của địa phương.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông liên kết với các viện, trường đại học xây dựng các cơ sở sản xuất giống uy tín, tuyển chọn giống năng suất cao, có khả năng kháng bệnh để chuyển đổi dần những vườn tiêu không bảo đảm yêu cầu.
Tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến hồ tiêu, thu hút doanh nghiệp, triển khai công tác khuyến nông, khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất hạt tiêu có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay trên địa bàn xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hơn 400 hộ thực hiện mô hình nuôi sò huyết xen canh tôm cho thu nhập khá, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Ngã Oác và Bào Hầm.
Những tưởng vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ có gió, sóng và sản vật từ biển, nhưng rất lạ ở nơi này còn nuôi được heo rừng – vật nuôi chỉ thường nuôi ở vùng núi, trung du. Dẫu chưa phải là phổ biến song việc con heo rừng đang thích ứng tốt với điều kiện sống ở đây như một thí nghiệm hay cần được tiếp tục nghiên cứu…
Năm 1981, ông Thành phục viên rồi lấy vợ. Để nuôi gia đình, ông đấu thầu hơn 1ha đất ngoài bãi sông Kinh Thầy để cấy lúa, trồng ngô, khoai… Nhưng do thiên tai, cái đói, nghèo cứ bám lấy gia đình ông.
Theo đề nghị của Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Hội nông dân (ND) tỉnh đã mời TS Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Sông Lam trực tiếp đến xã Đa Mi giúp địa phương “cứu” cây cà phê.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.