Người dân Lý Sơn gặp khó khi tôm hùm rớt giá mạnh
Hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đứng ngồi không yên khi giá loại hải sản này rớt giá liên tục.
Theo tính toán, với giá thu mua được thương lái đưa ra như hiện nay, người nuôi tôm hùm ở đây đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Những ngày này là thời điểm các hộ nuôi tôm hùm trong lồng quanh đảo Lý Sơn tập trung xuất bán tôm hùm thương phẩm.
Trái ngược với không khí tấp nập kẻ mua người bán như các đợt xuất bán trước, năm nay không khí tại các lồng tôm vắng lặng hẳn khi chỉ có lác đác vài người đến hỏi thăm.
Theo một số hộ nuôi tôm hùm ở đây, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do giá tôm đang rớt mạnh so với mọi năm và người dân đang cố “găm hàng” chờ giá lên.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, ở xã An Vĩnh - người đầu tiên nuôi tôm hùm tại Lý Sơn vào năm 2013 cho biết: Kể từ lúc ông bắt đầu nuôi lứa tôm đầu tiên đến giờ chưa khi nào giá lại rớt thê thảm như vậy.
Năm ngoái, ông bán tôm với giá giao động từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/kg tuỳ loại.
Nhưng hiện tại giá cao nhất cũng chỉ 1,2 triệu đồng/kg.
“Khoảng 5.000 con tôm hùm thịt của tôi đã đạt trọng lượng xuất đi nhưng đành phải nuôi cầm chừng để chờ giá.
Vì với giá hiện tại tôi cầm chắc phần lỗ ước tính khoảng 200 triệu đồng” - Ông Hiệp than thở.
Cạnh bè nuôi tôm hùm của ông Hiệp, nhiều hộ nuôi khác cũng đang “khóc ròng” vì giá tôm quá thấp.
Theo tính toán của người nuôi tôm ở đây, thì mỗi con tôm giống khi thả nuôi đã có giá từ 320 đến 350 nghìn đồng, tiền thức ăn trong quá trình nuôi khoảng 400 nghìn đồng/con, cộng với chi phí thuốc trị bệnh, thuê người nuôi… khoảng 500 nghìn đồng/con thì với giá hiện tại mỗi con tôm cầm chắc lỗ 50.000 đồng.
Đó là chưa kể lượng tôm hùm hao hụt do bị chết và công sức bỏ ra.
Hiện tại, thương lái mua tôm hùm chia làm ba loại: loại 1, mỗi con nặng 1 kg trở lên.
Loại 2 từ 0,8 đến 1kg, loại 3 từ 0,5 đến 0,8kg.
Các hộ nuôi tôm hùm ở Lý Sơn chủ yếu xuất bán cho thương lái đến tận lồng thu mua, không nắm bắt được giá cả thị trường, giá tôm do thương lái đưa ra nên thường xảy ra hiện tượng người nuôi tôm bị ép giá.
“Những năm trước ở đây chỉ có hơn 20 lồng nuôi, nhưng năm nay đã tăng lên gấp ba lần.
Thương lái thấy lượng tôm hùm nhiều nên ép giá, họ bảo tôm hùm chủ yếu xuất khẩu, nhưng thị trường hiện đang không có nhu cầu nên giá giảm.
Chúng tôi nghe vậy thì cũng biết vậy thôi”, ông Võ Văn Hoàng (52 tuổi), thôn Tây, xã An Vĩnh chia sẻ.
Người dân Lý Sơn thả nuôi tôm hùm không theo quy hoạch khiến loại hải sản này rớt giá thảm hại.
Ông Hoàng cũng cho hay, nhiều người biết mình bị ép giá nên cố gắng nuôi “cầm cự” để chờ giá lên.
Nhưng đó là những người “mạnh tiền”, vì mỗi con tôm thương phẩm đạt đến trọng lượng xuất bán tiêu tốn gần 2 nghìn đồng tiền thức ăn/ngày, nếu nhân với số lượng tôm hiện có trong lồng thì chi phí mỗi ngày là không hề nhỏ.
Là một trong những người nuôi tôm hùm ít nhất ở Lý Sơn khi chỉ có khoảng gần 400 con trong lồng.
Nhưng mỗi ngày riêng tiền thức ăn cho tôm ông Hoàng đã tốn khoảng 500 nghìn đồng.
“Mỗi ngày tôi phải mua khoảng 30kg ghẹ, sò để nuôi cầm chừng lồng tôm nhà mình.
Tuy đã đạt trọng lượng trung bình 1,3 kg/con nhưng vẫn chưa xuất được vì giá quá thấp.
Chắc nay mai cũng phải bán thôi chứ chi phí hằng ngày quá cao, không đủ sức để cầm chừng”.
Ông Hoàng lắc đầu than thở.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, hiện tại toàn huyện có 62 bè nuôi tôm hùm với số lượng con giống thả nuôi khoảng 100 nghìn con, sản lượng hàng năm khoảng 100 tấn tôm hùm thịt.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Lâu nay người dân chủ yếu nuôi tôm hùm tự phát, thấy người nuôi trước có lãi lớn nên đổ vốn vào nuôi mà không nắm bắt thị trường dẫn đến tình trạng giá hoàn toàn dựa vào thương lái.
Huyện liên tục khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi tôm hùm nhưng người dân ham lãi lớn dẫn đến nguồn cung lớn và giá giảm mạnh mà không tìm ra người mua nào ngoài thương lái.
Có thể bạn quan tâm
Lần theo địa chỉ được anh bạn giới thiệu, tìm về đúng khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa (Tp. Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hỏi thăm suốt dọc đường mà nghe tên ông Ba Kim ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhưng chỉ cần “quá bộ” vài bước xuống cánh đồng ngay kế lộ, thì người nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường về “trại tép Ba Kim”.
Nơi có sản lượng đạt cao là Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên do nông dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi thâm canh; công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, giống và phòng chống dịch bệnh trên cá được chú trọng đã hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.
Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) liên kết với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đề tài xây dựng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản vùng 6; Trường Đại học Cần Thơ cùng một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100 nông dân ở 5 xã cù lao và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.