Người Nuôi Cá Tra Cần Được Bảo Vệ Quyền Lợi
Nhiều người nuôi cá tra lâm cảnh nợ nần, phải chuyển sang nuôi các loại cá bán chợ hoặc treo ao bỏ nghề và bị ngân hàng siết nợ. Nguyên nhân chính không chỉ do nuôi lỗ, mà còn bị các doanh nghiệp (DN) thu mua lừa đảo, thậm chí quỵt tiền.
Nhiều người bị quỵt tiền tỷ
Trung tuần tháng 11-2014, phóng viên Báo An Giang đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc (Phú Tân) tìm hiểu việc ngư dân La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi (tỉnh Vĩnh Long) lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1 tỷ 126 triệu đồng. Trớ trêu thay, ông Hạp lại bị phạt 9 tháng án tù treo (do ông Hạp ép Giám đốc DN trả nợ- như báo An Giang đã thông tin ngày 17-11), khiến dư luận xôn xao.
Bà Hà Kim Thư, vợ ông Hạp bức xúc: “Công ty TNHH Phước Phát Lợi mua cá gần 2 năm chưa trả tiền khiến gia đình tôi chờ mòn mỏi. Thay vì được nhận tiền bán cá, chồng tôi lại bị án tù”. Sau ngày hầu tòa lãnh án, ông Hạp buồn bã đi đầu trên xóm dưới uống trà, tâm sự với các ngư dân cùng cảnh ngộ bị các DN thu mua cá tra quỵt tiền cho đỡ buồn.
Theo bà Hà, đây là lần thứ hai gia đình bà bán cá tra bị DN “ăn quỵt”. “Đầu năm 2013, Công ty TNHH T.A ký hợp đồng mua 213 tấn cá tra trị giá trên 4,8 tỷ đồng, họ thỏa thuận trả 20% sau khi cân cá và trả dứt điểm sau 30 ngày. Thế nhưng, đến hẹn không thể liên lạc đòi tiền, sau gần 2 năm đi khiếu kiện, mỗi tháng họ trả nhỏ giọt cho tôi vài chục triệu đồng, đến nay còn nợ trên một tỷ đồng”.
Cùng cảnh ngộ, ông út Đông (ấp Hòa An, xã Hòa Lạc) cũng là nạn nhân của Công ty TNHH T.A. Ông Đông kể: “Tháng 3-2013, đại diện công ty này đến xem ao cá rồi thỏa thuận mua trả trước 20%. Khi cân xong 260 tấn cá tra trị giá trên 5 tỷ đồng, DN cam kết sẽ thanh toán số tiền còn lại sau 30 ngày. Gia đình tôi chỉ nhận được một tỷ đồng, số tiền còn lại trên 4 tỷ đồng đã đòi nhiều lần nhưng Ban Giám đốc đều lánh mặt”.
Bà út Đông tiếp lời chồng: “Nhiều người bán cá cho Công ty TNHH T.A. cũng bị lừa như tôi, họ kéo đến các cơ quan pháp luật thưa kiện. Cuối cùng, DN mới đồng ý trả nhỏ giọt cho tôi mỗi tháng 55 triệu đồng, đến nay còn nợ 1,8 tỷ đồng. Chẳng biết khi nào mới đòi hết nợ”.
Khi phóng viên đến tìm hiểu vụ việc, câu chuyện người nuôi cá tra bán cho các DN trong và ngoài tỉnh bị quỵt tiền đến hàng chục tỷ đồng là có thật, như trường hợp của ông tám Đ. ở khu vực Lò Gạch bị quỵt 1,8 tỷ đồng, ông La Văn H. (anh họ ông Hạp) bị quỵt 700 triệu đồng…
Ai bảo vệ ngư dân nuôi cá tra?
Ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) khẳng định, việc ngư dân phản ánh bị DN thu mua cá tra quỵt tiền hoặc chiếm dụng vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua. Ông Dũng chỉ ra thủ đoạn của một số DN ngoài tỉnh đến địa bàn An Giang đặt điểm giao dịch thu mua cá tra: Ban đầu, họ mua số lượng ít và trả tiền sòng phẳng; sau đó, mua số lượng lớn hơn và trả trước 50%, rồi đem cá bán lấy tiền trả đủ.
Đến khi tạo được niềm tin với nhiều ngư dân, họ bắt đầu mua số lượng lớn, trả 20% rồi biến mất. Tình trạng này diễn ra vào các thời điểm cá tra nguyên liệu “cung vượt cầu”. AFA khuyến cáo ngư dân hết sức cẩn trọng khi ký hợp đồng bán cá cho các DN chưa có uy tín, nhất là các DN ngoài tỉnh.
Theo ông Lê Trung Dũng, thông thường các hợp đồng do DN soạn sẵn để ký kết mua cá của ngư dân thì bao giờ phần thiệt cũng thuộc về người nuôi. Trong khi vai trò của AFA chỉ vận động, tuyên truyền chứ chưa có các quyền hạn để làm trọng tài can thiệp tranh chấp giữa ngư dân với DN.
Do ngư dân nuôi cá tra cũng là thành viên của AFA nên khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, AFA làm việc với các DN thành viên nhằm tác động tháo gỡ khó khăn, động viên DN cố gắng trả dần tiền mua cá của ngư dân.
Luật sư Hứa Hoàng Chấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thắng thuộc Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: Qua thực tế xét xử nhiều vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa ngư dân nuôi cá tra với các DN thua mua chế biến xuất khẩu, tôi thấy nổi lên vấn đề dẫn đến phát sinh tranh chấp, do người dân làm ăn thường dựa vào chữ “tín”, mà không có thông tin đầy đủ về DN. Nhìn vào hình thức bên ngoài, giám đốc đi ôtô con đắt tiền và có đội ngũ nhân viên kỹ thuật đi cùng, mua cá với giá cao hơn. Ngư dân vì kiến thức hạn chế nên ký vào các hợp đồng do DN soạn sẵn, nếu không bị lừa tiền cũng bị DN chiếm dụng vốn dài hạn.
Để tránh bị lừa, Luật sư Hứa Hoàng Chấn khuyên người nuôi cá nên ký hợp đồng “tay ba” khi bán cá. Nghĩa là việc thanh toán tiền bán cá sẽ thông qua ngân hàng, nơi ngư dân vay vốn nuôi cá hoặc nhà sản xuất cung ứng thức ăn cho ngư dân.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Nguoi-nuoi-ca-tra-can-uoc-bao-ve-quyen-loi.html
Có thể bạn quan tâm
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu đang xuống chậm. Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục xuống chậm, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ít biến đổi trong vài ngày nữa sau đó cũng xuống chậm
Tôm sú là loại tôm được sử dụng rộng rãi thứ 2 tại Nhật Bản, sau tôm thẻ chân trắng. Năm 2010, Nhật Bản đã nhập khẩu 49 ngàn tấn tôm sú và 55 ngàn tấn tôm thẻ chân trắng, trừ các sản phẩm chế biến
Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, sau thời gian ra quân dập dịch, đến nay dịch sâu đục trái bưởi (có tên khoa học là Cipestis sagittiferella Moore) đã được khống chế, không còn lây lan ra diện rộng.
Sau khi giảm 10.000 đồng/kg vào đầu tháng 10, hiện tôm càng xanh nuôi trong mùa lũ tại Đồng Tháp đã bất ngờ tăng giá mạnh trở lại, lên mức giá cao nhất từ trước đến nay
Suốt gần một tháng nay, tôm hùm giống tự nhiên xuất hiện nhiều ở các vùng biển Phú Yên, như Tuy An, Sông Cầu. Chỉ riêng tại huyện Tuy An, trong hơn 3 tuần vừa qua, ngư dân các xã An Chấn, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông khai thác trên 130.000 con tôm hùm giống