Người Cựu Chiến Binh Không Cam Chịu Đói Nghèo
Đến đội 11, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên hỏi ông Trần Văn Tiệp thì ai cũng biết. Ông là người cựu chiến binh (CCB) vững chí, bền tâm, vượt khó thoát nghèo từ hai bàn tay trắng.
Nhìn vào mô hình VAC của CCB Trần Văn Tiệp, chúng tôi thật khâm phục ý chí nghị lực tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng của vợ chồng ông. Ngồi uống nước dưới gốc cây xoài rợp mát, ngắm ao cá, đàn vịt chúng tôi nghe ông Tiệp kể về quãng thời gian cuộc đời mình.
Từ nhỏ ông theo bố mẹ rời quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lên vùng đất Điện Biên xây dựng kinh tế mới. Đến năm 1979, ông lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1983, ông hoàn thành nghĩa vụ, trở về xây dựng hạnh phúc gia đình. Cuộc sống của vợ chồng ông luôn hạnh phúc, với 3 đứa con mạnh khỏe, ngoan ngoãn nhưng cái nghèo thì luôn đeo bám, khiến ông ngày đêm trăn trở.
Năm 2001, xã Thanh Chăn có chủ trương khuyến khích các hộ xây dựng mô hình VAC trên những thửa ruộng kém hiệu quả. Mặc dù nhiều người can ngăn nhưng ông vẫn quyết tâm chuyển đổi 1ha ruộng để làm mô hình kinh tế VAC. Lúc ấy, ông khởi nghiệp chỉ bằng hai bàn tay trắng, thiếu kiến thức kinh tế trang trại… nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ, ông không đầu hàng số phận, quyết tâm làm giàu.
Trước khi làm, ông đã bỏ ra gần 1 năm đi tìm hiểu các mô hình VAC có hiệu quả kinh tế cao trong, ngoài huyện. Khi múc những xẻng đất đầu tiên làm ao, vợ chồng ông ngày phải đi làm phụ hồ thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học, tối về lại tranh thủ đánh vật với bùn đất. Như con ong chăm chỉ, một năm sau, hai vợ chồng đã tạo được 5 ao cá rộng gần 1ha (trong đó: 3 ao nuôi cá giống, 2 ao nuôi cá thịt).
Bằng sự siêng năng, ham học hỏi, lấy ngắn nuôi dài, năm 2005, gia đình ông đã xây dựng được mô hình VAC, quy hoạch khoa học. Ở giữa trang trại là hệ thống ao, xung quanh được kè bằng những tấm bê tông. Chuồng nuôi vịt, nuôi lợn được ông xây dựng giữa các ao, để tiện việc chăm sóc và tận dụng được phân làm thức ăn cho cá; diện tích đất trống, vợ chồng ông trồng xoài, nhãn, bưởi….
Ông Tiệp nói với chúng tôi: Khi xây dựng mô hình kinh tế VAC, tôi không nghĩ lại có đủ sức để vượt qua khó khăn. Nhiều thời điểm dịch bệnh, thiên tai xảy ra, nhất là năm 2007, gia đình phải tiêu hủy hàng nghìn con vịt đang trong thời kỳ đẻ trứng do dịch bệnh, rồi mưa lớn ngập ao, lứa cá năm đó mất trắng… Lúc đó, tôi đã chán nản muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến tương lai các con, lại đứng dậy, gây dựng chăn nuôi.
Với mô hình VAC hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu gần 5 tấn cá thịt, xuất ra thị trường vài chục vạn cá giống các loại, gần một vạn trứng vịt từ hơn 2.000 con vịt đẻ, hàng chục tấn lợn cộng thêm vài tạ hoa quả từ vườn cây, tổng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, CCB Trần Văn Tiệp còn tận tình truyền đạt kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho bất kỳ ai muốn học hỏi. Nhờ ông giúp đỡ mà nhiều hộ nay đã xây dựng thành công mô hình kinh tế VAC, vươn lên làm giàu. Giúp người, giúp mình, hạnh phúc nhất với ông bây giờ là có một gia đình êm ấm với người vợ hiền và một cô con gái là giáo viên cấp 3 và 2 cậu con trai công tác cơ quan Nhà nước trong huyện.
Nói về CCB Trần Văn Tiệp, ông Tao Văn Khứn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: ông Tiệp là một tấm gương đầy nghị lực về làm kinh tế giỏi, xứng đáng để đồng chí, đồng đội noi theo.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây nông dân ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, Cái Bè, Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chẳng hạn như mô hình trồng dưa leo của anh Võ Văn Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp gia đình anh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh, Đồng Nai) - đơn vị hợp tác với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tổ chức nhân giống ca cao và thử nghiệm mô hình trồng xen canh ca cao với các loại cây trồng khác - cho biết, năm 2013 công ty đã cung cấp trên 100 tấn hạt ca cao đã lên men cho Tập đoàn Grand – Place.
Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiệm thu và chuyển giao cho nông dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín gắn với mô hình canh tác màu tiết kiệm nước.
Sau thắng lợi của vụ đậu đen năm trước, vụ Đông Xuân này nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên tổng số khoảng 530 ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Thuận với 265 ha, Vĩnh Kim 135 ha… Tuy nhiên, do nắng hạn, phần lớn diện tích đậu đen bị mất mùa.
Năm 2011, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè vụ đông có sử dụng công nghệ tưới phun mưa tự động”. Đây là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và mang lại hiệu quả cao.