Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Chữa Bệnh Tuyệt Tự Cho… Cây

Người Chữa Bệnh Tuyệt Tự Cho… Cây
Ngày đăng: 14/04/2014

Trong hàng loạt những cây được ông cứu có đại lão cổ thụ trên 300 năm tuổi còn “đẻ” ra hậu duệ, có trung lão cổ thụ ốm thập tử nhất sinh,..

Trong hàng loạt những cây được ông cứu có đại lão cổ thụ trên 300 năm tuổi còn “đẻ” ra hậu duệ, có trung lão cổ thụ ốm thập tử nhất sinh, có những cây kỷ niệm từng khiến chủ nhân đổ bao nước mắt vì ngỡ mất lại hồi sinh…

Ông là Nguyễn Anh Kết, TGĐ Cty CP Thanh Hà. Đối tượng đầu tiên được ông hồi sinh là cây ngâu bên Lăng Bác. Cây ngâu đó vốn là món quà tặng từ khi xây Lăng, nó rất cao to, dáng tròn như một mâm xôi, chẳng hiểu sao một ngày bỗng đi gần một nửa. Người ta nhờ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cứu cây, Viện này lại giới thiệu đến ông Kết. Một thẻ ra vào khu vực đặc biệt được cấp cho ông để tiện kiểm tra, chăm sóc cây.

Nguyên nhân được chẩn đoán là đất lâu ngày đã mất chất dinh dưỡng cộng với tuổi tác của cây ngâu này đã cao nên bệnh tật trỗi dậy. Sau một năm phun chế phẩm sinh học, cây ngâu quý trở lại dáng vẻ tròn trịa như thủa nào.

Câu chuyện tưởng chừng bẵng đi, một buổi ông bạn ở Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đến nhờ ông Kết cứu cho cây đa ở Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang). Xót xa trước cái cây chứng nhân của lịch sử đang hấp hối, người ấy cứ nói mãi nhưng ông Kết vẫn chần chừ. “Thôi thì ta lên đó chơi!”. Anh bạn nằn nì, ông Kết tặc lưỡi: “Một lần lên cho biết”.

Ngỡ tưởng chơi suông, đến nơi đã thấy lãnh đạo tỉnh cùng các sở ban ngành ngồi chờ sẵn: “Mời anh lên, ăn cơm xong xuống xem hộ cây đa Tân Trào một tí!”.

Cây đa khác xa cây ngâu, lại càng khác xa so với cây lúa bị bệnh vàng lùn xoắn lá mình từng điều trị, không phải cái gì cũng cứu được. Bụng bảo dạ thế, ông Kết chưa biết từ chối thế nào cho tế nhị thì bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, gỡ bí: “Thôi đã đến đây rồi thì cứ lên xem sao anh ạ!”.

Cảm tình bởi câu nói, ông Kết cũng đến xem gốc đa cổ thụ. Tình trạng của cây lúc này đã quá nặng. Vỏ khô mục cả chỉ còn khoảng một gang tay dưới gốc hơi xanh, mười phần thì chín phần cây đã đi về nơi vĩnh viễn. Đã có mấy cuộc hội thảo về chuyện cứu cây lịch sử, nhiều chuyên gia đến phán: “Cái cây có vòng đời của nó, đã chết từ ngọn chết xuống là chết già, phục hồi làm gì? Thiếu gì đa sao không bứng về trồng?”

“Khác với nhiều cây, thân đa có những u, sẹo chứa các đại thực bào, nơi khởi phát ra tế bào gốc. Tác động vào đó để kích thích tế bào mới sinh ra, nhân lên thì có thể khiến cho cây nẩy chồi. Nguyên tắc của tôi là thế”, ông Kết thuyết minh.

Chế phẩm sinh học được đem ra phun và tưới cho cây. Phun để nó bật mầm. Tưới để giải độc đất. Mấy tháng sau từ thân cây già cỗi mọc ra được 42 mầm. Lúc này có một đơn vị đứng ra tranh công khiến ông Kết chán quá xin bỏ cuộc. 42 cái mầm đang tơ non liền thi nhau chết sau đó. Lãnh đạo của tỉnh Tuyên Quang lại gọi cho ông Kết: “Tôi biết các nhà khoa học hay tự ái nhưng anh cũng nên giúp cho tỉnh cứu cây đa một lần nữa”.

Khi ông lên, cái cây chỉ còn sót lại một mầm héo rũ. Đó là cơ hội cuối cùng để cứu nó. Chăm bẵm một hồi, cái mầm sống lại, rễ cây bật ra. Những cái rễ nhỏ xíu, mong manh như sợi cước lòng thòng cách mặt đất bảy tám mét. Nếu không với được xuống đất đến mùa nắng rễ sẽ khô đi, cành cây cũng chết theo. Phải phun chế phẩm cho rễ cây dài ra, tiếp đất thật nhanh.

Một hàng thùng phuy chứa đất bên dưới được dùng để nhử rễ cây. Khi rễ đã ăn chặt xuống đất, cành cây được tách ra khỏi thân mẹ đã khô mục vì sợ dính vào đó nó sẽ bị tắc mạch nhựa khó sống sót. Rễ đa có đặc điểm khi tiếp đất đều thành thân, mới đầu còn loằng ngoằng về sau thẳng thớm và lớn rất nhanh. Đôi khi thân đa chính đã chết từ lâu mà cái cây vẫn còn sống tốt.

Cứ mươi mười lăm ngày ông Kết lại từ Hà Nội lên thăm “bệnh nhân” cây một lần để mà thuốc thang, chăm sóc. Ông Ngô Quốc Lập, nguyên Giám đốc Khu di tích Tân Trào, cảm tấm tình đó nên tuy về hưu rồi vẫn ngày ngày đến chỉ đạo gánh từng thùng nước tưới cho cây.

Thấm thoắt mấy năm trôi, hậu duệ của cây đa Tân Trào giờ là hai cái cành sum suê với trên 30 rễ nhánh tỏa tua tủa, có cái to như bắp chân người. “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”, cây đa mới cũng mềm mại một dáng nghiêng nghiêng như cây đa cổ.

Hết cây đa Tân Trào lại đến cây đa trong Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) dính sự cố. Cây này vốn được một lãnh đạo Trung ương trồng năm 1976, ở tuổi trung niên nhưng nó đã lâm bệnh trọng. Giám đốc Khu di tích Kim Liên Nguyễn Bá Hòe báo cáo lên tỉnh, địa phương tổ chức hẳn cuộc hội thảo để cứu cây. Ông Kết được mời vào hội chẩn.

“Hai cây đa khác hẳn nhau, đều lụi do con người cả. Cây đa ở Tân Trào hỏng do người ta mang máy móc đến chữa, đổ dầu, đổ mỡ xuống thành ra ngộ độc. Cây đa ở Kim Liên do khi tôn tạo di tích, đáng phải xúc hết lớp bê tông xung quanh gốc cây họ lại để nguyên rồi đổ đất lên trên làm cho rễ bị thối”, ông Kết cho hay.

Khi chữa ông Kết cho đào hết lớp bê tông xung quanh gốc cây để đất nhả hết khí độc, xử lý mối mọt rồi lấp đất, phun chế phẩm. Vài tháng sau nó đã bắt đầu mọc mầm, chòi rễ phụ, khỏe lên.

"Cây cối lụi tàn phần lớn bởi thái độ người chăm. Cứ khai thác triệt để, không bù đắp dinh dưỡng cho cây thì kiểu gì mà chẳng chết? Tôi rất dị ứng với chuyện hễ những cái cây quý sắp chết là người ta chăm chăm làm dự án xin tiền để phục hồi. Tiền dự án cũng là tiền của dân thôi", ông Nguyễn Anh Kết.

Ca tiếp theo là một đại cổ thụ mọc trong khuôn viên Tổng cục Du lịch. Cái cây được trồng từ thời Pháp thuộc, lão hóa mục gần hết bên trong chỉ còn lớp vỏ mỏng bọc ngoài. Sau khi xử lý chế phẩm, phần thân đã dầy lên, đỡ lẹm, đến mùa nó lại trổ lá, đơm hoa.

Một trường hợp cổ thụ khác là cây nhãn trong khuôn viên nhà anh Hiệp ở Ba Đình, Hà Nội. Đó là một cây nhãn thân to cả người ôm gắn với nhiều kỷ niệm của đại gia đình nhất là đứa con gái. Cái cây của những thơ dại hồi nhảy dây, chơi ô ăn quan, đánh bài tam cúc. Cái cây soi bóng cả đời thanh sắc thời thiếu nữ.

Do nạn bê tông hóa đã khiến cho lá rụng gần hết, cành cây dần khô đi khiến người con gái phải bật khóc. Xót con, tình cờ một lần lên mạng anh Hiệp thấy thông tin về người cứu cây đa ở Tân Trào nên tìm đến nhờ cậy. Cây nhãn dần phục hồi. Những mùa quả ngọt lại ríu rít tiếng chim về trong những tàn lá biếc.

Tất cả những trường hợp đó ông Kết đều chạy chữa không công. Khoa học có những tình cờ. Trong một lần thử chế phẩm phun cho cây cà phê già ở Tây Nguyên với ý tưởng làm chồi bật lên rồi ghép giống mới, ông Kết không ngờ vườn cà phê lại được trẻ hóa.

Bình thường ít khi cà phê ra hoa, đậu quả trên thân nhưng nay phần thân, ngay cả gần gốc cũng trĩu quả, năng suất vườn gần bằng cà phê trồng mới.

Điều đó mở ra triển vọng cải tạo diện tích cả trăm ngàn ha cà phê già ở Tây Nguyên bằng một dự án cấp nhà nước KC 06.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Chuối Mô Đạt Hơn 6.300 Tấn. Sản Lượng Chuối Mô Đạt Hơn 6.300 Tấn.

Trong đó, diện tích chuối mô cho thu hoạch trong năm 2014 là 270 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trận gió lốc ngày 4/6/2014 đã làm 14,5 ha chuối trong giai đoạn có quả non bị gãy đổ. Vì vậy, diện tích cho thu hoạch trong năm 2014 chỉ còn 255,5 ha, sản lượng ước đạt hơn 6.300 tấn.

01/10/2014
Cảnh Giác Với Chế Phẩm Trị Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Cảnh Giác Với Chế Phẩm Trị Bệnh Vàng Lá Gân Xanh

Lợi dụng nhu cầu cần trị bệnh trên cây có múi của nhiều nhà vườn, một số công ty đã đến tư vấn các chế phẩm nông nghiệp ngăn chặn bệnh vàng lá gân xanh (Greening) trên cây cam sành. Trong khi các cơ quan chuyên môn Hậu Giang khẳng định, đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại phân, thuốc nào có khả năng đặc trị được dịch bệnh nguy hiểm này.

01/10/2014
Bến Tre Tiến Tới Xây Dựng Thương Hiệu Cây Trái Đặc Sản Cái Mơn Bến Tre Tiến Tới Xây Dựng Thương Hiệu Cây Trái Đặc Sản Cái Mơn

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Chợ Lách (Bến Tre) phát huy tốt thế mạnh kinh tế vườn với nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản. Làng nghề hoa kiểng - cây giống Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) có truyền thống trăm năm, đã đưa sản phẩm của vùng đi khắp cả nước.

01/10/2014
Người Mang Cây Cam Về Đất Đồng Thành (Nghệ An) Người Mang Cây Cam Về Đất Đồng Thành (Nghệ An)

Người dân xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) ai cũng nể phục nghị lực của ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1958). Từ hai bàn tay trắng, ông đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...

01/10/2014
Giải Pháp Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long Giải Pháp Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long

Đây là các bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa gây hại cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Triệu chứng gây hại biểu hiện trên cành và trái giống nhau, những đốm trắng xuất hiện trên cành, bẹ non, trái non và trái chín chuẩn bị thu hoạch.

01/10/2014