Người chống lưng giúp hội viên nghèo
Ông Phan Ngọc Hưng (59 tuổi) hiện đang là chi hội trưởng chi hội ND thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên).
Hơn 3 năm ông Hưng “chấp chính”, hoạt động của chi hội thôn Sơn Thọ luôn dẫn đầu trong 8 chi hội ở xã miền núi Hòa Kiến.
Chỗ dựa của nông dân
Trước khi “ngồi ghế” chi hội trưởng ND, ông Hưng là một trong những hội viên đi đầu trong việc chuyển diện tích lúa một vụ sang trồng rau màu ở Hòa Kiến.
Khi Hội ND xã mời kỹ sư về địa phương tập huấn cho bà trồng hành sạch, ông đem 2 sào đất của gia đình để giáo viên cho bà con trực tiếp thị phạm thực hành các khâu làm đất, xuống giống, chăm tưới, thu hoạch…
Ông Phan Ngọc Hưng (phải) trao đổi với hội viên về thời điểm xuống giống hành trên ruộng của gia đình.
Với 5 sào đất, gia đình ông Hưng trồng hành luân phiên rải vụ mỗi sào cách nhau một tháng.
Bởi vậy, tháng nào gia đình cũng có sản phẩm để bán, tránh việc thu hoạch đồng loạt, dễ bị ép giá.
Điều này còn tránh được rủi ro về sâu bệnh, bớt sử dụng thuốc trừ sâu để cây hành đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi bò, làm lúa; lấy phân và rơm phục vụ cho trồng hành.
Với lợi nhuận sản xuất luôn đạt hơn 10 triệu đồng/tháng, nhiều năm liền ông Hưng là ND sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Cạnh vườn ông Hưng là một khu vực rộng lớn, bà con Sơn Thọ đang canh tác nhiều loại rau màu theo quy trình sạch, như dưa leo, khổ qua, bí, mướp, rau, hoa các loại.
Nhờ tìm được đầu ra ổn định nên đời sống bà con trong thôn đã trở nên khấm khá.
Ông Đoàn Bá Hòa, một hội viên thôn Sơn Thọ cho hay: “Anh Hưng làm chi hội trưởng, khí thế bà con trong xóm tăng thấy rõ.
Ảnh nhiệt tình, miệng nói tay làm nên bà con quý.
Có được người như anh Hưng thì dân quê có chỗ “chống lưng” để nhờ vả…”.
“Ngắn gọn, thiết thực, vui vẻ”
" Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó với Hội ND.
Thế nhưng , được nhiều người khuyến khích, ủng hộ vậy là làm miết.
Là ND, tôi hiểu với bà con cần gì, thích gì.
Mình phải nghĩ ra những cách vận động thiết thực thì bà con mới ủng hộ...”. Ông Phan Ngọc Hưng
Theo Chủ tịch Hội ND xã Hòa Kiến - ông Lương Công Thinh, chi hội Sơn Thọ sinh hoạt rất đều đặn, đông đủ.
Bởi “chiêu” của chi hội trưởng Hưng là “ngắn gọn, thiết thực, vui vẻ”.
Hầu hết các cuộc sinh hoạt đều tổ chức từ 7 giờ tối, các nội dung triển khai chính sách, vay vốn, thảo luận về sản xuất được tập trung làm gọn trong một tiếng đồng hồ, sau đó là màn văn nghệ nhạc sống “cây nhà lá vườn”.
Quỹ chi hội được trích ra một ít cho người chơi nhạc và một ít đồ ăn thức uống, thế là luân phiên hát hò “thắm thiết” cỡ hơn một tiếng nữa là kết thúc.
“ND ngại hội họp, thế nhưng các cuộc sinh hoạt chi hội ở đây thực sự là đi chơi vui vẻ, thư dãn.
Nhiều cuộc tập huấn sản xuất cũng làm ban đêm, bà con tham gia rất đông.
Vì “trúng gu” nên ai cũng khoái.
Có người thỉnh thoảng nhắc ông Hưng: Tổ chức “họp hành” gì đi chớ!”-ông Phan Hạnh-hội viên chi hội Sơn Thọ cười cho hay.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Yên - ông Phan Đại Thắng nhận xét: “Cách tập họp ND của chi hội Sơn Thọ đang được đơn vị phổ biến nhân rộng.
Không nặng nề hình thức mà hiệu quả, vui vẻ.
Bà con ai cũng nhiều công việc nên tranh thủ phổ biến công việc thiết thực một hai giờ đầu, sau đó là chương trình “văn nghệ xóm”, ai mà không ưa…”.
Có thể bạn quan tâm
Hội Làm vườn và Trang trại TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức sơ kết thực hiện thí điểm mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình” tại phường Đakao, quận 1.
Trong 2 tháng qua, sản lượng cá điêu hồng nuôi bè tới lứa thu hoạch khá lớn nên giá cá liên tục tuột giảm. Hiện nay, thương lái tới tận bè thu mua với giá 33.000 - 34.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 7/2013. Với giá bán cá hiện nay, người nuôi đang ở ngưỡng hòa vốn và có nguy cơ thua lỗ nếu giá cá tiếp tục tuột giảm.
Vượt hơn 50km đường rừng, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Tiến, người đầu tiên mang cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông).
Hai năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều thuận lợi về điều kiện môi trường nước, thời gian nuôi ngắn, giá tăng cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho hầu hết người nuôi và hiện là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Thực tế đó cũng đã làm cho người dân trong vùng qui hoạch ngọt hóa “xé rào”, đã tự phát đào ao và khoan giếng nước mặn để nuôi tôm.
Với sự cần cù, hăng say lao động, anh Hoàng Công Mê Sang ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) đã khai hoang vùng đất gò đồi để lập trang trại. Sau 5 năm miệt mài sản xuất, kiến thiết, trang trại của Sang đã hình thành.