Tổ Hợp Tác Của Những Người Nuôi Tôm
Nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, Hội ND xã Đa phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã vận động các hộ nuôi tôm thành lập tổ hợp tác (THT) nuôi tôm nước ngọt.
Ông Phạm Thành Xuân-Chủ tịch Hội ND xã Đa Phước cho biết, các ấp 2, 3, 4 của xã trước đây chỉ chuyên trồng lúa. Nhưng đất ở đây không màu mỡ nên hạt lúa làm ra không được bao nhiêu.
Lập dự án vay vốn ưu đãi
Thấy một số hộ ở đây nuôi tôm nước ngọt cho hiệu quả cao hơn trồng lúa, năm 2012, BCH Hội ND xã đã lập dự án vay nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 36 của UBND thành phố, thành lập THT nuôi tôm nước ngọt, với 8 thành viên tham gia. Đồng thời, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, cách chăm sóc ao, phòng bệnh tôm cho các thành viên THT và xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt để phát triển mô hình bền vững. Hội đảm bảo cho các thành viên THT 3 việc chính là: Hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ vốn và kỹ thuật nuôi tôm.
Theo ông Phạm Thanh Minh - Tổ trưởng THT nuôi tôm, Chi hội phó Chi hội ngành nghề, người tiên phong trong việc nuôi tôm nước ngọt ở Đa Phước, các thành viên trong THT nhờ nắm vững kỹ thuật, quy trình nuôi, nên hầu hết đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, tổ thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Từ 8 thành viên ngày mới thành lập, đến nay tổ đã có 23 thành viên, với diện tích nuôi tôm gần 15ha.
2.500m2 thu lãi 100 triệu đồng
Theo tính toán của ông Minh, 1.000m2 mặt nước nuôi tôm, nếu thuận lợi, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng/vụ. Bình quân mỗi năm, nuôi tôm sú 2 vụ, tôm thẻ chân trắng thì thả nuôi 3 vụ. Riêng ông đang nuôi 5 ao, với tổng diện tích 8,5ha, trong đó có 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Trừ chi phí ông lãi trên 240 triệu đồng/năm.
"Tôi có 5 ao nuôi tôm, với tổng diện tích 8,5ha, trong đó có 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Trừ chi phí lãi trên 240 triệu đồng/năm”.Ông Phạm Thanh Minh
Hộ ông Trần Văn Quý ở ấp 2 và ông Thái Văn Phát ở ấp 3 cũng vậy, với diện tích 2.500m2 nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, sau 2 vụ nuôi, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Minh cũng cho biết thêm, từ khi thành lập THT đến nay, hầu hết các hộ thành viên đều đạt hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống sung túc hơn khi trồng lúa. Nhưng ông cũng cảnh báo, hiện nay tuy THT đang hoạt động tốt, nhưng nuôi tôm không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Ông Nguyễn Thanh Bạch – Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước nhận xét, THT nuôi tôm nước ngọt của Hội ND xã là mô hình hay, cần nhân rộng. Là một xã đang xây dựng nông thôn mới, nên đối với các mô hình chuyển đổi sản xuất của ND, Đảng ủy rất quan tâm. Bản thân ông thường xuyên xuống thăm các mô hình của nông dân, nhất là các mô hình phát triển kinh tế như THT nuôi tôm. Hiện xã đang liên kết với các ngành chức năng để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tạo điều kiện giúp ND phát triển sản xuất bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.
Trước áp lực gia tăng dân số, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đưa cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các nước đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng CTBĐG đã thu lợi rất lớn so với các nước khác.
Do nắng nóng kéo dài nên nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong vụ Hè Thu (HT) năm nay, nông dân nhiều địa phương đã chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn, lợi nhuận tăng lên đáng kể.
Ngày 24-7, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức ra mắt, thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ hậu cần và khai thác nghề cá Hải Nhi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Thông tin từ Sở NN & PTNT, sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 11,67 tỷ/kế hoạch 17 tỷ con (68,6%), giảm 23% so cùng kỳ (15,27 tỷ con). Mặc dù vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống hiện nay có thuận lợi do thời tiết đã có mưa.