Người Chăn Nuôi Gánh Thêm Nỗi Lo Thuốc Thú Y Bị Làm Giả
Nếu như trước đây thuốc thú y chỉ bị các đối tượng làm ăn bất chính thực hiện việc ghi sai nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, thì nay với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, họ đã làm giả cả các thành phần bên trong.
Ngoài nỗi lo về sản phẩm đang bị mất giá gây thua lỗ thì rất nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai còn đang phải gánh thêm nỗi lo khác đó là chất lượng thuốc thú y.
Ông Nguyễn Văn Hy, chủ trang trại có gần 500.000 gà đẻ trứng tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, đã không ít lần ông tốn tiền triệu để mua thuốc trị bệnh cho gà nhưng đâu rồi lại vào đấy. Theo ông Hy, giá thuốc tăng cũng không kém gì giá thức ăn chăn nuôi. Thời điểm này, một số loại kháng sinh thông thường Coccidyl, Pividine, B.Complex… đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là gà không hết bệnh mà tiền thì cũng không thể lấy lại được, người nuôi không biết kêu ai.
Sự việc càng bức xúc hơn khi mới đây báo chí và cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một nhóm đối tượng chuyên pha chế thuốc thú y giả tại quận Tân Bình, TP.HCM. Tuy nhiên hiện nay công tác điều tra vụ việc vẫn chưa có kết quả cụ thể khi các đối tượng đã trốn khỏi địa phương.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục Phó Chi cục thú y TP.HCM, các loại kháng sinh bị làm giả chủ yếu là các loại điều trị về bện viêm phổi, tụ huyết trùng... cho heo, bò, gà. Để có chênh lệch về giá từ 15-20% thì hầu như công thức pha chế của các đối tượng này đều thực hiện không đúng chuẩn, lấy nguyên liệu trôi nổi, gây mất cân đối giữa các thành phần phối trộn.
Kết quả kiểm định các mẫu thuốc thú y ở phía Nam của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y TƯ II mới đây cho thấy trong mấy năm gần đây đã phát hiện tới 20% thuốc kháng sinh không đạt yêu cầu.
Và thực tế tại các trại nuôi ở Đông Nam Bộ gần đây đã giảm hơn 30% tổng đàn. Ngoài nguyên nhân chi phí đầu vàng tăng cao nhưng giá bán thấp thì sự giảm đàn một phần còn do dịch bệnh hoành hành mà người chăn nuôi lại mua nhầm phải thuốc thú y kém chất lượng.
Vấn đề này đang đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chăn nuôi thế nhưng với các cơ quan ban ngành liên quan thì cho rằng để kiểm tra, giám sát mặt hàng này còn quá nhiều khó khăn, lý do chính là các địa phương không quản lý được tại gốc đối với các nhà sản xuất, vì đa phần các Công ty, doanh nghiệp đều nằm ngoài tỉnh. Mặt khác khi lực lượng chức năng nghi ngờ mặt hàng đó là giả, tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Thời gian chờ kết quả ít nhất phải mất 10 ngày trở lên, đến khi có kết quả mặt hàng đó là giả thì cơ sở đã bán hết lô hàng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Nếu không siết chặt công tác quản lý chất lượng thuốc thú y thì nguy cơ thiệt hại cho ngành chăn nuôi cũng như nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn sẽ rất lớn, tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Một vấn đề nữa là tình trạng thiếu hụt thực phẩm, buộc phải mở cửa cho nhập khẩu thịt trong khi người chăn nuôi trong nước buộc phải “bỏ trống chuồng”, vấn đề an sinh xã hội nông thôn, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở nên “nóng bỏng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự bất cập còn tồn tại trong công tác thanh tra việc kinh doanh thuốc thú y vì nó mới chỉ dừng ở việc xem xét loại thuốc đó có nhãn mác hay không, có nằm trong danh mục hay không, còn hạn sử dụng hay không, có xuất xứ hay không... còn việc kiểm tra sự mập mờ trong nhãn mác hay thành phần của thuốc không đúng như ghi trên nhãn mác, thì gần chưa được thực hiện.
Để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, thiết nghĩ đã đến lúc ngành thú y cũng nên xem lại mức xử phạt và rút ngắn thời gian nghiên cứu xử lý đối với các trường hợp phát hiện sai phạm, tránh để tình trạng hàng kém chất lượng vẫn được tuồn bán ra ngoài. Việc rút giấy phép, đình chỉ sản xuất - kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm cũng là vấn đề mà nhiều trang trại chăn nuôi kiến nghị hiện nay nhằm lập lại trật tự cho thị trường thuốc thú y.
Có thể bạn quan tâm
Để hoàn thành việc thả nuôi 400 ha vụ tôm xuân – hè 2014, các chủ đầm nuôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cần khoảng 28 triệu con tôm giống.
Thị trường Nga vẫn tiếp tục đóng chặt cửa đối với cá tra Việt Nam, cho dù trước đó các cơ quan có liên quan ở Việt Nam dự báo thị trường này sẽ mở cửa chậm nhất vào cuối tháng 4-2014. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, không biết khi nào cá tra của Việt Nam mới có thể quay lại thị trường Nga.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nông dân trong tỉnh Phú Yên đã hoàn thành thu hoạch 26.854ha lúa vụ đông xuân 2013-2014 với năng suất lúa bình quân 70,2 tạ/ha, tăng hơn vụ đông xuân năm trước 2,7 tạ/ha và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lên kế hoạch chuyển đổi 204.000 héc ta đất sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang trồng màu các loại, trong đó sẽ dành 53.000 héc ta cho trồng bắp để dần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. Định hướng đã rõ nhưng giải pháp đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định có lợi cho người nông dân vẫn còn mù mờ.
Mô hình cánh đồng mía mẫu sử dụng cơ giới được triển khai tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) với năng suất đạt gần 100 tấn/ha.