Quyết Chí Lập Nghiệp Trên Quê Hương
Cần cù lao động, không ngừng tìm hiểu đưa vào thị trường những sản phẩm mộc dân dụng mới, Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh đã góp phần xây dựng vùng quê Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày càng trù phú. Anh vinh dự là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo, hầu hết thanh niên lớn lên đều rời quê hương đi làm ăn xa. Vì thế, Toàn luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo mà không phải ly hương và anh đã chọn con đường ở lại quê nhà, học làm thợ mộc. Với đôi bàn tay khéo lại cần cù chịu khó, anh học việc và làm thuê ở các xưởng mộc. Toàn nhanh chóng học hỏi, tích luỹ kỹ thuật đóng đồ gỗ và chạm trổ nhiều mẫu vẽ tinh xảo.
Năm 2008, với hơn 10 triệu đồng tiết kiệm sau gần ba năm làm thợ mộc, Toàn mở xưởng mộc, nhận đóng đồ gỗ gia đình. Vốn là người cẩn thận, anh luôn chăm chút từng sản phẩm trước khi xuất xưởng nên khách hàng tín nhiệm đến đặt hàng ngày càng đông.
Để mở rộng quy mô sản xuất, Toàn vay vốn ngân hàng, đào tạo thợ lành nghề, tìm kiếm thị trường mới. Hiện nay, HTX đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh có hai xưởng sản xuất thô và hoàn thiện sản phẩm mỹ nghệ với gần 20 lao động thường xuyên, mức lương từ 4,5-10 triệu đồng/người/tháng. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, anh luôn chú trọng khảo sát thị trường, xem xét thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, sản xuất những lô hàng mới bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Đồng thời, anh luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm kỹ nghệ, tinh xảo về mẫu mã và đưa các sản phẩm tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu thương hiệu ở nhiều tỉnh, thành phố. Sau 5 năm phát triển, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đến nay, HTX đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh ngày càng được nhiều người biết đến với các sản phẩm gia dụng nội địa và xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc...
Năm 2012, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho khách hàng, tổng doanh thu đạt 5 tỷ đồng. Năm 2013, anh đã đầu tư thêm máy móc thiết bị, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới tập trung vào đồ nội thất chế tác độc đáo để tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho lao động trẻ.
Thi đua thực hiện phong trào thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Toàn vinh dự được Tỉnh đoàn Thanh niên tuyên dương là một trong 10 mô hình kinh tế trẻ tiêu biểu toàn tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển HTX.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Thú y: đợt dịch heo tai xanh xảy ra trên địa bàn tỉnh Đak Lak vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi. Đã có 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lak và Krông Bông) với 115 xã, 707 thôn, 2.287 hộ có dịch heo tai xanh.
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá sấu thương phẩm được nhiều nông dân xã Định Thành (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) thực hiện vì hiệu quả và lợi nhuận khá cao. Mỗi vụ, người nuôi lãi hàng trăm triệu đồng.
Phong trào nuôi ba ba rộ lên những năm 2005 - 2006. Lúc đó, nhiều hộ xây hồ, đào ao nuôi ba ba với mong muốn làm giàu nhanh chóng, bởi đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thị trường tiêu thụ này giảm dần khiến nhiều người nuôi ba ba lỗ nặng.
Nấm kim châm còn có tên gọi khác là nấm giá vì chúng mọc thành từng cụm đều nhau, có hình giá đậu nhưng với kích thước lớn hơn và trên đầu cây nấm có mũ...
Do suy giảm nguồn cung nên cá hồi tại thị trấn Sa Pa tăng giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do hai cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm lớn nhất ở Sa Pa bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua.