Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư tặc lộng hành

Ngư tặc lộng hành
Ngày đăng: 02/11/2015

Đánh bắt bằng lừ xếp Trung Quốc - nghề mang tính hủy diệt vẫn còn phổ biến

Mất trộm trên ao nhà

Về các vùng đầm phá những ngày này rất dễ nhận thấy hoạt động đánh bắt tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) diễn ra công khai.

Tại Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy thuộc xã Hương Phong (TX Hương Trà) vào một buổi sáng, nhiều chiếc thuyền nhỏ ngang nhiên đánh bắt cá ngay trong khu bảo vệ.

Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong chỉ tay về phía những chiếc thuyền nhỏ, bảo: “Đó là những ghe đang đánh bắt cá trái phép.

Mặc dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Nếu xua đuổi ban ngày thì họ lén lút khai thác vào đêm khuya.

Không chỉ đánh bắt ngay trong vùng cấm, họ còn sử dụng các loại lừ xếp Trung Quốc, xung điện có tính hủy diệt để khai thác”.

Tại vùng đầm phá huyện Quảng Điền thời gian gần đây, ngư tặc không chỉ lộng hành trong các khu bảo vệ mà còn cả những vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.

Lợi dụng các lực lượng sơ hở, thiếu cảnh giác, ngư tặc ngang nhiên đánh bắt cá tôm trong các khu bảo vệ NLTS; “tấn công” luôn cả các ao hồ nuôi tôm, cá của người dân.

Có thời điểm chỉ trong vòng một tháng, ngư tặc đã 5 lần vào ao hồ của người dân thôn Mai Dương (xã Quảng Phước) đánh bắt trộm.

Chi hội Nghề cá thôn Mai Dương thường bị thiệt hại lớn do nạn ngư tặc lộng hành, có khi họ cướp đi nhiều trộ chuôm, ước thiệt hại vài chục triệu đồng.

Các ao hồ nuôi tôm, cá của hộ ông Hoàng Đạo, Đặng Phước Vĩnh, Nguyễn Thành… ở thôn Mai Dương từng bị thiệt hại lớn, thậm chí mất trắng do ngư tặc.

Không chỉ NLTS trên đầm phá mà ngay cả vùng biển cũng đang bị xâm hại.

Ông Trần Văn Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá ven bờ xã Vinh Thanh (Phú Vang) bức xúc: “Khi chưa có tàu giã cào, tôm cá ở gần bờ nhiều lắm.

Mỗi ngày bà con đánh bắt thu được vài triệu đồng.

Từ ngày xuất hiện tàu giã cào, NLTS ngày càng ít dần, thậm chí cạn kiệt”.

Đánh bắt hủy diệt đã đành, tàu giã cào còn kéo luôn cả ngư lưới cụ của người dân, gây thiệt hại lớn.

Trong số khoảng 70 thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân xã Vinh Thanh đều bị giã cào tàn phá lưới cụ, có hộ bị thiệt hại đến 50 triệu đồng, hộ ít nhất cũng 15 triệu đồng.

Phản ánh của người dân vùng biển xã Phong Hải (Phong Điền), thời gian gần đây tình trạng đánh bắt hải sản bằng mìn diễn ra khá phổ biến.

Hầu hết các tàu đều ở các tỉnh khác, họ kích mìn nổ chỉ cách bờ chưa đầy cây số.

Có ngày, chỉ cách vài giờ đồng hồ, người dân lại nghe tiếng nổ lớn.

Ông Hoàng Hữu Đạo ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải lo lắng: “Cứ đánh bắt bằng mìn thế này thì cá tôm liệu có còn cho các thuyền nan đánh bắt gần bờ? Cứ mỗi lần mìn nổ, cá nổi đầy trên mặt biển, họ chỉ vớt cá lớn, còn cá nhỏ trôi dạt vào bờ”.

“Chính tàu đánh bắt bằng giã cào, bằng mìn khiến hải sản ngày càng cạn kiệt.

Ngày trước, mỗi chuyến đánh bắt chở về đầy ắp tôm, cá nhưng nay chỉ đủ bữa ăn, may ra bán được vài trăm ngàn đồng”, ông Võ Viên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tiếp lời.

Chống trả lực lượng thi hành công vụ

Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy được thành lập từ giữa năm 2014 với diện tích 33 ha, giao cho Chi hội Nghề cá Đông Phong quản lý.

Từ khi khu bảo vệ ra đời, người dân rất phấn khởi, ý thức được lợi ích mà chính họ là người hưởng thụ, chung tay cùng chính quyền địa phương ra sức bảo vệ NLTS tại đây.

Ông La Tiềm trăn trở: “Thách thức lớn nhất hiện nay là lực lượng hội viên mỏng, lại thiếu phương tiện và kinh phí mua nhiên liệu nên công tác tuần tra, xử lý vi phạm không thường xuyên.

Hoạt động của ngư tặc thường vào đêm khuya nên rất khó phát hiện.

Thuyền đò tuần tra chủ yếu mượn của ngư dân, nhưng công suất nhỏ không thể đuổi bắt kịp các xuồng máy đuôi tôm, hay đò công suất lớn.

Manh động hơn là ngư tặc không ngần ngại chống trả lực lượng đang làm nhiệm vụ.

Cách đây mấy năm, ông Võ Đà, Công an thị trấn Sịa (Quảng Điền) bị ngư tặc đâm trọng thương khi truy bắt.

Ông Nguyễn Khôi, Trưởng thôn Mai Dương, xã Quảng Phước lo lắng: Ngư tặc thường đi theo băng nhóm rất đông, tỏ ra thách thức lực lượng chức năng.

Trong khi phương tiện của các chi hội nghề cá còn thô sơ, lực lượng lại mỏng không đảm bảo cho việc truy bắt.

Nhiều lần phát hiện, các đối tượng thông báo với nhau kéo đến hàng chục người, sử dụng dao, kiếm, gậy sắt chống trả quyết liệt rồi nổ máy tẩu thoát”.

Đó là có lực lượng chức năng, còn với người dân khi phát hiện có ngư tặc chỉ biết đứng nhìn, truy hô.

Đến khi báo tin lực lượng chức năng đến thì bọn chúng đã tẩu thoát.

Đây chính là khó khăn, thách thức khiến nạn ngư tặc vẫn tồn tại và ngày càng manh động.

Đánh bắt hải sản trên biển, theo quy định, nghề giã cào chỉ được đánh bắt cách bở 40 hải lý trở ra.

Nhưng nhiều tàu công suất lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam… vẫn ngang nhiên đánh bắt chỉ cách bờ một vài hải lý.

Tại vùng biển xã Vinh Thanh, lực lượng chức năng đã từng xử phạt một số tàu từ vài chục triệu đến 50 triệu đồng, nhưng vẫn còn nhiều vụ vi phạm không thể phát hiện kịp thời để truy bắt, xử lý.

Ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh chia sẻ: “Phương tiện của người dân, cũng như các lực lượng chức năng còn thô sơ, công suất nhỏ, trong khi các tàu giã cào, đánh bắt bằng mìn công suất lớn từ 400CV trở lên nên công tác truy bắt, xử lý vi phạm rất khó.

Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chỉ được sử dụng roi điện là không ăn thua”.

TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS tỉnh cho rằng, một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế, ngăn chặn vấn nạn ngư tặc là cấp quyền quản lý, khai thác thủy sản trên đầm phá, ven biển cho người dân, các chi hội nghề cá; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ NLTS.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá và một số vùng biển được cấp cho các địa phương quản lý, song vẫn còn rất hạn chế so với mặt nước đầm phá, ven biển trên địa bàn tỉnh…


Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Văn Triết thành công với mô hình kinh tế vườn và chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái Anh Nguyễn Văn Triết thành công với mô hình kinh tế vườn và chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái

Những năm qua, anh Nguyễn Văn Triết (sinh năm 1975), ngụ ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, đem lại thu nhập trên 220 triệu đồng/năm.

10/04/2015
Duy trì và phát huy hiệu quả Duy trì và phát huy hiệu quả

Trước đây, việc chăn nuôi dê ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế, từ cuối năm 2012, 13 gia đình ở đây đã tập hợp thành “Nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê” với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, vươn lên XĐGN.

10/04/2015
Mô hình nuôi heo giống trang trại hiệu quả cao Mô hình nuôi heo giống trang trại hiệu quả cao

Gần đây, ở ĐBSCL xuất hiện khá nhiều mô hình trang trại nuôi heo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn vệ sinh, lao động và bảo vệ môi trường. Mô hình nuôi heo nái của ông Phạm Văn Ân ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, Sóc Trăng là một điển hình.

10/04/2015
Sẽ xử lý nghiêm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng Sẽ xử lý nghiêm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng

“Vẫn còn hiện tượng lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi”, là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) tại Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi do Bộ NN & PTNT tổ chức sáng 06/4 tại Hà Nội.

10/04/2015
Bình Định tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt Bình Định tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh Bình Định đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt, đạt 80,5% tổng đàn trong diện tiêm.

10/04/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.