Ngư dân được chăm lo hơn
Đó là nhận định tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg (ngày 13/7/2010) của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị định 89/2015/NĐ-CP (ngày 7/10/2015) của Chính phủ diễn ra tại Bình Định, ngày 25/11.
Mạng sống được bảo đảm
Nếu như trước đây, nhiều ngư dân còn lơ là trong việc tham gia mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên thì nay nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, họ đã quan tâm hơn đến vấn đề này nhằm làm giảm thiểu thiệt hại do rủi ro, tai nạn trong quá trình SX trên biển.
Từ năm 2010 - 2014, toàn quốc đã có 5.653 tàu cá được phê duyệt hỗ trợ phí mua bảo hiểm thân tàu, 57.455 lao động trên tàu được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Ngoài ra, việc liên lạc giữa biển khơi và đất liền cũng được hỗ trợ đầu tư lớn.
Nhằm bảo toàn mạng sống cho ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thiết lập hệ thống thông tin giữa bờ và tàu cá nhằm xác định vị trí của tàu cá trên biển, để ngành chức năng trên bờ quản lý hoạt động của tàu cá.
Nhờ đó, khi tàu cá gặp rủi ro, tai nạn trên biển, công tác tìm kiếm, cứu nạn được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Đến nay, đã có 19 trạm bờ được xây dựng tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và 18 tỉnh, thành phố ven biển với tổng kinh phí xây dựng 5.892 triệu đồng.
Các trạm bờ này có nhiệm vụ thu phát thông tin giữa bờ và tàu cá.
Đồng thời lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh cho 4.485 tàu cá với tổng kinh phí 125.540 triệu đồng.
Cả những địa phương không có tàu đánh bắt xa khơi cũng tự bỏ kinh phí để xây dựng trạm bờ, nhằm phục vụ công tác quản lý tàu cá và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương như tỉnh Quảng Ninh và TP.HCM.
“Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 7/10/2015 có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm gỡ khó cho ngư dân trong việc vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá.
Trong đó có điều khoản sửa đổi được ngư dân quan tâm nhất là thời gian vay đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới được kéo dài từ 11 năm tăng lên 16 năm.
Có vài vướng mắc cụ thể đang tồn tại ở một số địa phương, ví như tàu vỏ thép đã hạ thủy nhưng vẫn nằm bờ do chưa có lưới, hay về thuế VAT, chúng tôi tiếp nhận phản ánh của ngư dân và ngành chức năng địa phương, tiếp tục trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, tháo gỡ”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám.
Tổng cục Thủy sản đang tiến hành xây dựng trạm bờ trên cơ sở tích hợp dữ liệu các trạm bờ từ các địa phương để phục vụ công tác quản lý hoạt động của tàu cá trên biển một cách toàn diện.
Hiệu quả của thông tin liên lạc giữa biển và bờ đã được phát huy.
Từ năm 2010 đến nay, đã có 1.413 lượt tàu cá của ngư dân được ngành chức năng hướng dẫn việc tránh trú bão an toàn; sửa chữa nhỏ miễn phí cho 127 lượt tàu cá đang đánh bắt tại các vùng biển xa tàu bị hư hỏng; tổ chức cứu hộ, cứu nạn cho 73 lượt tàu cá, liên hệ đưa 221 ngư dân và toàn bộ vật tư, ngư lưới cụ vào bờ an toàn; cung ứng lương thực, thực phẩm; tiếp nhận 17.794 lượt ngư dân tránh trú bão tại các đảo…
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh bắt ngoài biển xa ngày càng an toàn nên đã đẩy mạnh được hoạt động khai thác hải sản xa bờ, góp phần quan trọng vào việc cơ cấu lại đội tàu theo hướng tăng phát triển khai thác xa bờ từ 17,16% năm 2010 lên 29,79% năm 2015; giảm dần khai thác ven bờ, từ 82,84% năm 2010 còn 70,21% năm 2015.
Nhờ đó, cơ cấu sản lượng khai thác cũng có sự thay đổi tích cực.
Cụ thể, sản lượng khai thác xa bờ năm 2010 ước đạt 50% thì đến năm 2014 đã tăng đến 60%.
Tàu lớn ra biển rộng
Hội nghị cũng đánh giá cao hiệu quả của Nghị định 67/2014/NĐ-CP (ngày 7/7/2014) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định phân bổ số lượng tàu cá đóng mới đến năm 2020 cho các địa phương.
Theo đó, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 952 tàu đóng mới và 155 tàu nâng cấp.
Trong đó có 421 tàu vỏ thép, 50 tàu vỏ vật liệu mới và 481 tàu vỏ gỗ; tàu có công suất từ 400 - 800 CV có 376 chiếc, từ 800 - 1.000 CV có 512 chiếc và trên 1.000 CV có 64 chiếc.
Thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các tỉnh có tỷ lệ phê duyệt cao gồm: Tiền Giang, Nam Định đạt 100% chỉ tiêu, Quảng Nam 87%.
Tính đến 31/10/2015, các ngân hàng thương mại đã ký kết được 222 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu, trong đó có 217 chiếc đóng mới và 5 tàu nâng cấp...
Có thể bạn quan tâm
Thay vào các vườn trồng mai trước đây là các vườn trồng tắc, cây ăn trái trong chậu. Đang tỉa lại cành và vô chậu 1.000 cây tắc, anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết: “Vài năm trước đây, cứ đến hẹn là gia đình tôi sản xuất trên 1.000 chậu mai vàng để cung ứng cho thị trường dịp tết. Tuy nhiên, năm nay số lượng giảm đi một nửa để chuyển sang đầu tư cây tắc”.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa công bố một con số thống kê đáng “giật mình”: Trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ mới có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, và hơn 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Giá hiện tại (thương lái thu mua tại vườn): 13.000đ/kg (giá đầu vụ từ 25 – 30.000đ/kg). Theo ông, đây cũng là qui luật của thị trường, dù sao giá này cũng tương đối, chấp nhận được (không bị lỗ), nếu trừ các chi phí (phân bón, thuốc trừ sâu...), ông lãi được khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: Hiện giá muối tại địa phương đang ổn định ở mức 1.500đ/kg muối trắng và 1.100đ/kg muối đen, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 200đ/kg.