Mô Hình Trồng Ổi Xen Trong Vườn Cam Hiệu Quả Cao

Hiện nay, mô hình trồng xen ổi trong vườn cây có múi do Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chuyển giao cho nông dân bước đầu mang lại hiệu quả về việc phòng bệnh vàng lá Greening và đã được bà con công nhận. Trong thời gian chờ cây trồng chính cho thu hoạch thì mô hình này đã giúp nông dân lấy ngắn nuôi dài khi trồng xen các loại rau màu khác.
Một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm của các loại cây có múi là vì sâu bệnh gây hại. Có một loại bệnh phổ biến hiện nay là bệnh vàng lá Greening do rầy chổng cánh gây nên. Nhiều biện pháp phòng trừ rầy chổng cánh như nuôi kiến vàng, sử dụng dầu khoáng, thuốc trừ sâu lưu dẫn đã được nhà vườn thử nghiệm nhưng hiệu quả chưa cao.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 8.000 ha trồng cây có múi, tập trung tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Châu Thành và Mỹ Tú. Những năm gần đây cây trồng này đã cho thu nhập đáng kể, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Rất nhiều bà con còn mạnh dạn áp dụng các mô hình xen canh, luân canh trong các vườn cây để tăng thu nhập, trong đó nổi bật là mô hình trồng ổi xen trong vườn cam, có tác dụng xua đuổi tốt rầy chổng cánh – loại côn trùng có thể cắn phá trực tiếp trên cây, còn làm lây truyền virus gây bệnh vàng lá gân xanh (còn gọi là bệnh vàng lá Greening), là loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây có múi hiện nay.
Đầu năm 2014, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, hộ bà Lê Kim Tiến ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành đã thử nghiệm mô hình xen canh ổi trong vườn cam. Kết quả cây cam phát triển nhanh, đặc biệt là không có dấu hiệu của bệnh vàng lá.
Chỉ sau 6 tháng trồng, các cây ổi đã cho đợt trái đầu tiên. “ Từ ngày được hứng dẫn mô hình trông ổi xen canh tôi thấy cam tốt không có bị bệnh hoạn gì hết, mà ổi cũng mau phát triển, giờ gần cho trái rồi, thu nhập từ ổi mình sẽ đầu tư cho cam, như vậy là mình lấy ngắn nuôi dài”,Bà Kim Tiến, Ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng nhận xét.
Để áp dụng thành công việc trồng xen ổi vào vườn cam, trước hết phải chọn giống cam sành sạch bệnh, giống ổi ngon như ổi xá lị, ổi ruột trắng hoặc ruột đỏ không hạt bán được giá cao.
Thời vụ trồng tốt nhất từ tháng 2 – 4 âm lịch, chú ý trồng ổi trước khoảng 6 tháng mới bắt đầu trồng cam, để đạt hiệu quả đuổi rầy ngay từ khi cây cam còn nhỏ, đồng thời nhánh ổi đủ lớn để che nắng cho cam nhanh phát triển. Đặc biệt để đảm bảo mô hình trồng xen, bà con cần chú ý nhất là khoảng cách và mật độ cây trồng. Ông Ngô Ngọc Thời – Trưởng trạm khuyến nông huyện Châu Thành cho biết: Mật độ cây trồng: 100 cây/ công, khoảng cách các cây từ 3 – 4m, trồng hàng ổi giữa hai hàng cam.
Cách lên mô: mô trồng phải cách mặt nước cao nhất trong vườn khoảng 50 – 70 cm, trước khi trồng cần bón lót phân NPK, và thuốc bảo vệ thực vật để trừ côn trùng trong đất trước 2 tuần trước khi trồng. Bón phân: cung cấp cân đối NPK, 10 ngày/lần, mỗi lần 10g/cây. Chăm sóc: cung cấp đầy đủ nước, quản lý dịch bệnh.
Tùy vào giống và quá trình chăm sóc, thông thường cam quýt bắt đầu cho trái từ 2 – 4 năm. Trong khoảng thời gian này nhà vườn đã có thu nhập đáng kể từ cây trồng xen, theo tính toán của bà con, một công vườn có thể thu nhập trên 30 triệu/ năm từ cây ổi. về phía ngành chuyên môn, Kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến khích :“Song song với việc hạn chế bệnh vàng lá, thì khi trồng ổi vào tránh cho cam bị nắng nhiều quá gây nám vỏ, làm cho trái cam quýt đẹp hơn bán có giá hơn”.
Sau khi cam quýt ra hoa đậu trái, nhà vườn tiến hành cắt tỉa dần những nhánh ổi, sau đó đốn bỏ hoàn toàn để tập trung cho cây trồng chính. Qua thực tế sản xuất, các vườn cam có trồng xen ổi đều phát triển xanh tốt, không bị ảnh hưởng bởi bệnh vàng lá gân xanh. Đây là một mô hình có lợi cho nhà nông. Ngoài ra, các nhà vườn đang rất phấn khởi vì ổi có giá, giúp bà con có thu nhập cao.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến ngày 27-3, các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thu mua tạm trữ được hơn 20.278 tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014, đạt 14,8% chỉ tiêu được phân bổ. Hiện nông dân thành phố đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, việc đẩy mạnh thu mua tạm trữ của doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện cho nông dân đảm bảo có lợi nhuận.

Cá song vua xứng danh là loài cá khổng lồ nhất trong tất cả các loài cá song với kỷ lục người ta từng đánh bắt được một con nặng tới 600kg. Cá song vua có tốc độ lớn nhanh vô địch. Cỡ cá từ khi dài 20 cm đến nặng 3kg có thể tăng trọng đạt 400 - 600 g/tháng, cỡ từ 3kg đến cá trưởng thành có thể đạt 6 - 8 kg/năm.

Ngày 22 tháng 7 năm 2014, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi ”Nông dân nuôi tôm giỏi theo tiêu chí VietGAP” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Với 30 thí sinh thuộc 6 đội dự thi đến từ các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh - H. Cần Giờ và đội huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố xây 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại gắn với các ngư trường trọng điểm, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo nhiều nông dân tại xã Định Môn, bắp lai có thể cho năng suất từ 0,8-1 tấn/ha. Bắp lai sau khi thu hoạch phơi khô và tuốt lấy hạt đang được thương lái đến nhà thu mua 5.000-5.200 đồng/kg. Với giá hiện nay, nhiều nông dân trồng bắp đạt lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công.