Ngư Dân Bội Thu Chuyến Ra Biển Đầu Năm
Dù phiên biển năm nay xuất phát muộn, nhưng ngư dân miền Trung nhanh chóng vươn khơi đón lộc biển với nhiều tàu trúng đậm cá nục, cá ngừ, cá nhám...
Sau hơn 1 tháng nằm bờ do thời tiết biển không thuận lợi, từ mùng 6 Tết Giáp Ngọ, các tàu cá nghề lưới vây, lưới cản của ngư dân Đà Nẵng chuyên khai thác tại ngư trường Hoàng Sa đã ra quân khai thác chuyến biển đầu tiên trong năm 2014.
Theo tin từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản Đà Nẵng, hiện đã có 5 tàu hành nghề lưới vây về đến bến và đều đạt sản lượng cao, trung bình 14-15 tấn thủy sản/tàu, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa.
Đơn cử, tàu ĐNa 90316TS của ông Hồ Ngọc Thạnh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) sau chuyến biển 14 ngày, khai thác được 17 tấn thủy sản, doanh thu 420 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu nhập thuyền viên đạt 10 triệu đồng/người.
Trúng đậm lộc biển hơn, tàu ĐNa 90072TS của bà Thái Thị Nga (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) chỉ sau 6 ngày ra khơi đã khai thác được 20 tấn thủy sản, doanh thu 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, các thuyền viên đạt thu nhập 12 triệu đồng/người.
Trúng hơn cả là tàu khai thác cá nục, một chuyến ra khơi từ 10-15 ngày, mỗi tàu đánh bắt được từ 15-20 tấn, trừ chi phí còn lãi 400-500 triệu đồng; riêng cá cơm mỗi tàu đánh từ 500-900kg/ngày, lãi 5-10 triệu đồng/ngày.
Cùng với ngư dân Đà Nẵng, ngư dân các tỉnh lân cận cũng cập bến âu thuyền Thọ Quang mang quà biển về trong phiên biển đầu năm. Ban Quản lý cảng cá và âu thuyền Thọ Quang cho hay, trong mấy ngày qua, trung bình 45-55 tàu cập cảng mỗi ngày, chuyển lên chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang khoảng 200 tấn hải sản các loại. Ngư dân trúng đậm các loại cá cơm, mực, cá nhám…
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, sản lượng khai thác hải sản của Đà Nẵng trong 2 tháng đầu năm ước đạt 4.992 tấn. Hiện tàu cá về nhiều, lại trúng đậm, nên giá hải sản giảm từ 15-20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo lệ thường, phiên biển đầu năm sẽ xuất phát từ trước và xuyên Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do thời tiết những ngày đầu năm 2014 không thuận lợi nên năm nay, bà con ra khơi muộn.
Mặc dù vậy, phiên biển muộn không phụ lòng ngư dân miền Trung. Trong những ngày này, thời tiết thuận lợi, một số tàu nghề lưới cản đang khai thác tại khu vực Hoàng Sa đã khai thác được 8-10 tấn cá.
Dự kiến, trong vài ngày tới các tàu sẽ quay bờ đổi cá lấy lương thực, nhiên liệu và tranh thủ vươn khơi chuyến biển thứ hai.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện người nuôi cá tra “treo ao” đã cũ, giờ người nuôi bắt đầu phải “treo miệng” cá tra - ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) than thở về tình cảnh người nuôi cá tra hiện nay.
Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14 - 15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Đối với nhiều nông dân ở Bắc Giang, hình ảnh những cán bộ thú y cơ sở ngày ngày đi khắp các thôn, xóm chăm sóc, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã trở nên quen thuộc. Công việc tuy vất vả nhưng với lòng yêu nghề, họ đã góp phần không nhỏ bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuộc vùng trung du có diện tích tự nhiên 2.069 ha. Hiện nay, đất đai được người dân sử dụng trồng rừng kinh tế và trồng cây cao su rất lớn, với diện tích 1.073 ha (trong đó diện tích rừng trồng là 650 ha, diện tích trồng cây cao su là 423 ha), chiếm 51,86% diện tích tự nhiên của địa phương.
Thanh long hiện được xác định là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, đồng thời còn dẫn đầu danh sách trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, địa phương cùng ngành chức năng cần nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp thật căn cơ. Và một trong nhóm giải pháp mà Sở Công thương tính đến có đề cập hướng VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có…