Ngư Dân Bình Châu Trúng Đậm Tôm Hùm Con
Tôm hùm con (tôm nhí) bất ngờ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 4, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) trúng đậm. Nghề “hái” ra tiền này giúp nhiều người dân nơi đây có nguồn thu nhập khá cao, một ngày lặn biển có người thu được gần chục triệu đồng.
Vào buổi chiều, tại bờ biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, có nhiều người chuyên thu mua tôm nhí đứng trực chờ ngư dân săn tôm về. Chị Nguyễn Nhi Kha, một thương lái thu mua tôm nhí cho biết: “Giá tôm nhí đang tăng cao vì thị trường tiêu thụ ở Phú Yên, Khánh Hòa... đang rất cần nguồn hàng. Có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu chứ không hề cò kè thêm bớt như mọi năm”.
Trái với phỏng đoán của nhiều ngư dân, năm nay tôm nhí bất ngờ xuất hiện nhiều vào những ngày đầu tháng 4 chứ không phải “quần tụ” về từ trước Tết đến tháng 3 như thường lệ. Trung bình sau một chuyến đi lặn từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều cùng ngày ngư dân săn được khá nhiều tôm.
Có người bắt được đến 50 con. Với giá bán dao động từ 120.000 - 500.000 đồng/con, ngư dân Bình Châu trúng lộc biển sau nhiều giờ lặn bắt tôm.
Vừa đặt chân lên bờ, ngư dân Đặng Sĩ Đào đã “bị” hàng chục thương lái vây quanh. Sau vài phút trao đổi, 9 con tôm nhí được bán với giá 150.000đ/con. Anh Đào cho hay: “Tôm nhí bất ngờ xuất hiện nhiều nên những ngày này ngư dân tụi tui sốt sắng săn tôm. Cả tuần nay rồi, ngày nào cũng bắt được rất nhiều tôm. Ra khơi cách bờ chừng 4 hải lý, lặn ở độ sâu vài sải tay là săn được tôm”.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, tôm nhí thường trú ẩn ở những nơi có rạn đá ngầm, nguồn nước giao thoa giữa mặn và ngọt. Anh Nguyễn Thuận, chia sẻ: “Tìm bắt con tôm không hề đơn giản. Trên ghe nóng hừng hực, lặn xuống dưới thì lạnh buốt vì vậy đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe tốt.
Phát hiện tôm nhí gần như tụi tui nín thở. Từng động tác để dụ tôm nhí “dính” bẫy phải xử lý cho thành thục, gọn ghẽ. Nếu không con tôm phát hiện có tiếng động nhẹ, một phát búng mạnh đi nơi khác là coi như thành quả săn tìm cũng tan theo bọt biển”.
Ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: “Trước Tết ngư dân gấp gáp sắm sửa tàu ghe vươn khơi nhưng đều thua lỗ vì không đánh bắt được tôm.
Tuy nhiên, đến cuối mùa tôm “quần tụ” về nhiều, ngư dân “trúng mánh” thu về lãi cao. Hiện nay chưa có ai nhân giống, lai tạo được tôm nhí vì thế mà với ngư dân ví von tôm nhí là “lộc” của mẹ biển ban tặng cho họ. Nghề này mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân chúng tôi”.
Có thể bạn quan tâm
Từ nhiều năm qua, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi đã phát triển mạnh ở nhiều xã thuộc huyện miền núi Lục Nam của tỉnh Bắc Giang, trong đó phải kể đến xã Thanh Lâm, khi bà con nơi đây nhiều năm liền thu được kết quả đáng khích lệ từ mô hình trên.
Mấy năm trước, thông tin về nông dân ở một tỉnh phía Bắc thuần hóa và nuôi thành công vịt trời đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Những năm gần đây, hình thức chăn nuôi gia súc của người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung, mang tính hàng hóa đã hình thành đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng cho người chăn nuôi, kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường, những chủng kháng thuốc từ động vật có thể lây truyền sang người tạo ra gánh nặng cho y tế cộng đồng, gây tổn thất lớn cho người dân.
Theo kết quả giám sát chủ động của Cơ quan thú y vùng III về sự lưu hành mầm bệnh tai xanh, từ phân tích mẫu huyết thanh cho thấy, tại Hà Tĩnh tỷ lệ lưu hành vi-rút tai xanh lên tới 40%, tại Nghệ An là 11%.