Mô Hình Sản Xuất Củ Giống Khoai Tây Sạch Bệnh Bằng Phương Pháp Khí Canh
Những năm gần đây, diện tích trồng khoai tây tại Thái Bình nhanh chóng được mở rộng. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng gần 3 nghìn ha, sản lượng đạt trên 40 nghìn tấn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tuy nhiên thực trạng sản xuất khoai tây vẫn chưa được phát triển đúng tiềm năng của nó cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân chính là do thiếu củ giống sạch bệnh, chất lượng.
Qua thực tế cho thấy giống khoai tây dân tự để từ vụ này qua vụ khác đã xảy ra hiện tượng thời gian sinh trưởng rút ngắn, thân rớt, lá nhỏ, nấm bệnh hại nặng, đặc biệt là bệnh héo xanh do vi khuẩn gây làm giảm năng suất, chất lượng củ cây khoai tây.
Hiện nay, có hai hướng chính để phát triển sản xuất khoai tây giống, đó là tự xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, chất lượng cao tại chỗ hoặc nhập ngoại giống mới để thay thế giống đã bị thoái hóa. Giống khoai tây nhập ngoại, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành cao và thời gian nhận giống thường chậm so với thời vụ gieo trồng…
Để tháo gỡ khó khăn này, từ năm 2012 Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh tại Thái Bình” nhằm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, với giá thành thấp, chất lượng tốt giúp người dân chủ động về nguồn giống, thời vụ.
Thực hiện mô hình, qua nghiên cứu các công nghệ hiện tại, Trung tâm đã lựa chọn áp dụng công nghệ nhân giống khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào kết hợp với khí canh.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là sản xuất cây mà không cần đất theo cách phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển. Trong môi trường thoáng khí, dinh dưỡng được hòa vào nước, cứ 15-30 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun sương giúp cây hấp thụ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển.
Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung chất dinh dưỡng để tiếp tục sử dụng. Ngoài việc nhân giống nhanh, đảm bảo giữ được nguồn gene gốc và cho ra đời thế hệ giống mới hoàn toàn sạch bệnh, có khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, công nghệ này còn giảm được 90% chi phí về nước, 95% phân bón so với phương pháp canh tác truyền thống…
Trung tâm đã sử dụng giống khoai tây sạch bệnh Solara (Đức) vào trồng trong nhà khí canh để sản xuất củ giống siêu nguyên chủng; từ đó tiếp tục nhân giống trong nhà màn tạo củ bi và trồng cách ly để tạo ra giống nguyên chủng và giống xác nhận cho sản xuất đại trà.
Hiện tại, mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh tại Thái Bình” đã hoàn thiện quy trình sản xuất củ siêu bi trong nhà màn với kết quả thu được từ 20-60 củ siêu bi/khóm, cao gấp 10 lần so với trồng bằng phương pháp truyền thống.
Giống khoai tây siêu bi trồng theo công nghệ khí canh có độ thuần chủng cao, sức sinh trưởng mạnh, không bị lẫn tạp chất và sạch bệnh. Với những kết quả này sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc tạo ra củ giống, cây giống, giải quyết được nhu cầu giống khan hiếm như hiện nay.
Để tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp đến với người dân. Song song với việc sản xuất, nhân giống khoai tây siêu nguyên chủng trên giàn khí canh, nhà lưới, việc mở rộng sản xuất nhân củ giống cấp nguyên chủng, xác nhận dưới HTX cũng là hướng đi chính của Trung tâm.
Vụ Đông Xuân 2013, từ những kết quả sản xuất củ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng từ vụ trước, Trung tâm đã mở rộng diện tích sản xuất củ giống khoai tây tại HTX Trọng Quan với diện tích 2 ha củ giống khoai tây cấp xác nhận và sản xuất 0,7 ha củ giống khoai tây cấp nguyên chủng.
Qua đánh giá mô hình thử nghiệm cho thấy, củ giống đưa xuống sản xuất có chất lượng cao, hoàn toàn sạch bệnh, phù hợp với khí hậu đồng đất ở địa phương, có khả năng thích ứng rộng, năng suất bình quân 6,5 - 7 tạ/sào (củ giống xác nhận), 5,2-5,4 tạ/sào (củ giống nguyên chủng).
Các hộ nông dân tham gia mô hình nhân giống khoai tây Solana ở HTX Trọng Quan, Vũ Tiến – Vũ Thư - Thái Bình cho rằng: Khoai tây Solana trong mô hình nhân giống có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao hơn giống cũ mà người dân tự để.
Chất lượng củ giống nguyên chủng được sản xuất từ Trung tâm tương đương với giống nhập ngoại nhưng giá thành rẻ hơn, phù hợp với khí hậu đồng đất ở địa phương. Đặc biệt bà con hoàn toàn chủ động được thời vụ gieo trồng và những năm tới sẽ mua giống nguyên chủng và xác nhận trồng để mang lại hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cao hơn
Việc đưa củ giống khoai tây chất lượng từ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh sẽ tạo được nguồn giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ kịp thời cho sản xuất. Mô hình còn giúp người dân yên tâm, ổn định về nguồn giống, tạo điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, góp phần ổn định và phát triển bền vững sản xuất khoai tây cho tỉnh và một số vùng phụ cận.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 2.6, đại diện Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, nhóm chuỗi đầu tiên của tỉnh về thí điểm liên kết khai thác - thu mua - chế biến - tiêu thụ cá ngừ đại dương vừa công bố hoạt động.
Trong khi hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, thì nước láng giềng Campuchia đang đẩy mạnh hợp tác với “bạn hàng lớn” này để tăng hạn ngạch.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu, các đơn vị có liên quan của Bộ NNPTNT đã gửi danh sách các DN đang có mặt hàng xuất khẩu và có đủ điện kiện xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường này.
Đến xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi tìm nhà ông Dương Việt Long - bà Nguyễn Thị Đào, gần như ai cũng biết, bởi đây là gia đình chăn nuôi lợn siêu nạc giỏi nhất nhì xã này.
Bệnh sán lá gan là bệnh xảy ra khá phổ biến ở loài gia súc nhai lại như: Trâu, bò, dê, cừu… Bệnh thường ở thể mãn tính, làm cho vật nuôi gầy yếu, chậm lớn mà không gây ốm cấp tính hoặc quật ngã con vật ngay. Vì vậy người nuôi thường không phát hiện được bệnh, ít quan tâm đến việc phòng bệnh.