Ngọt Ngào Hương Vị Mít Ninh Sơn (Ninh Thuận)
Được xác định là một trong số những loại trái cây chủ lực của địa phương, từ lâu, mít Lâm Sơn đã “nổi danh” thơm ngon đặc biệt và luôn được các thương lái “săn lùng” cho những thị trường khó tính.
Hỏi về người trồng mít nhiều kinh nghiệm ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận), không ai qua được vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Tầm Ngân 2. Hàng cây xà cừ tỏa bóng rợp mát con đường nhỏ chạy giữa khung cảnh làng quê thơ mộng. Một bên là kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Ông, một bên là đồng lúa chấp chới cánh cò.
Người phụ nữ tuổi đã ngoài năm mươi, dáng thấp đậm, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười phúc hậu rạng ngời chào đón khách. Vườn cây ăn trái hơn 3 ha của bà Ba (tên gọi thân mật của bà Nguyễn Thị Bé) nằm giữa kênh Tây và sông Ông nên lượng phù sa bồi đắp trên mảnh đất này hẳn có nhiều khác biệt so với những nơi khác. Và dường như, chính điều đó đã tạo nên dư vị thơm ngọt của trái mít trong vườn nhà.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, bà Ba “thuyết trình” rành rọt như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ: Giống mít mà gia đình đang chăm sóc cũng như tại các hộ dân trong vùng đều có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ, nhiều nhất là ở Bến Tre. Cuối năm 2006, bà nhận trồng 1000 cây mít theo dự án Trồng rừng 661, được Ban quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha hỗ trợ 75% cây giống.
Hiện tại, vườn nhà có các giống mít ruột đỏ, ruột vàng và giống mít siêu sớm (cho quả sau hơn 1,5 năm trồng, so với thời gian 2 năm của các giống mít khác). Ngoài mít, bà cũng trồng sầu riêng, bưởi, xoài, măng cụt,… nên hầu như lúc nào trong vườn cũng có thứ để “đãi” khách.
Mít Lâm Sơn có vị ngọt thanh, giòn, hương thơm đậm đà, trái dày múi, hạt nhỏ nên rất được ưa chuộng. Các thương lái muốn có hàng “chuẩn” thì phải đặt trước nhà vườn, có mối quen. Như mít của gia đình bà Ba cũng chỉ bỏ mối cho 1 “đối tác” duy nhất ở địa phương, cung ứng cho thị trường Đà Lạt. Giá bán khá ổn định, dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Mỗi trái mít có thể đạt trọng lượng trên 20 kg. Bà Ba ước tính, thu nhập từ cây mít mỗi năm khoảng trên 50 triệu đồng.
Nhận thấy chất lượng cây mít ở Lâm Sơn có nhiều điểm vượt trội, nhiều cán bộ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả các nhà cung ứng giống cây trồng ở Bến Tre, đã đến Lâm Sơn để nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tiến hành lai tạo, nhân giống cây mít ở đây.
Ông Nguyễn Thành Tín, cán bộ nông nghiệp xã Lâm Sơn cho biết: Cây mít được trồng đại trà từ đầu những năm 2000, bắt đầu với trên 300 ha thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha, sau đó bà con nông dân đều rải rác trồng trong vườn. Mít Lâm Sơn hiện có tổng diện tích 339 ha. So với những cây trồng khác, mít có giá tương đối ổn định, cho thu hoạch quanh năm, luôn được người tiêu dùng đón nhận.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu trái cây đặc sản Sông Pha và quy hoạch phát triển cụm du lịch sinh thái thác Sakai, các nhà vườn cây ăn trái cũng được khuyến khích làm du lịch trải nghiệm. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ với hoạt động du lịch nhà vườn, nhưng với thành công của vườn nho Ba Mọi ở Phước Thuận (Ninh Phước), chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khả năng xây dựng được “thương hiệu” du lịch cho những vườn cây ăn trái đặc sản của Lâm Sơn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện các vựa thu mua xô cam sành với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Những trái cỡ lớn, chín vàng đẹp có mức giá 29.000 đồng/kg. Tại các chợ, giá cam sành bán lẻ từ 32.000 - 37.000 đồng/kg.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị “Sơ kết tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).
Trong khi các thương lái đang đứng ngồi không yên trước cảnh hàng nghìn xe dưa bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, người dân các tỉnh miền trung cũng lao đao vì dưa hấu rớt giá thảm hại.
Tiền Giang có hàng ngàn ha chôm chôm, nhiều nhất tại xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Tại đây, xã cũng đã thành lập được Tổ hợp tác trồng chôm chôm và đã được công nhận đạt tiêu chí VietGAP từ năm 2011.
Ngoài thế mạnh về cây lúa và phát triển ngành thủy sản nước ngọt, Đồng Tháp còn có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn với diện tích hơn 25 ngàn ha với các loại cây trồng chủ lực như: xoài, nhãn và cây có múi.