Nỗi Buồn Trên Những Bè Tôm
Vùng nuôi tôm hùm Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) những ngày này thật u ám, bởi tôm hùm đang chết liên tục. Trên cầu cảng Đầm Môn, người dân hỏi han nhau về bệnh của tôm, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm trước nguy cơ một vụ tôm thua lỗ .
Tôm chết liên miên
Về Đầm Môn những ngày này, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh người nuôi tôm hùm nơi đây đứng ngồi không yên vì tôm bị bệnh, chết liên tục.
Đưa chúng tôi ra bè tôm của gia đình, ông Trịnh Văn Tèo, hộ nuôi tôm ở thôn Đầm Môn thở dài. Khoảng 2 tháng nay, không hiểu vì sao tôm nuôi của gia đình ông cứ lăn ra chết. Cầm con tôm bị bệnh vừa được vớt lên, ông Tèo ngao ngán: “Chúng tôi hết sức đau lòng khi phát hiện tôm bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục.
Gan, tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp hoại tử. Trong số 2.500 con tôm hùm được thả nuôi trong 30 ô của gia đình tôi, hơn 40% tôm đã chết trong vòng 2 tháng”.
Rời bè nuôi của gia đình ông Tèo, thuyền chúng tôi cập bè nuôi của gia đình ông Lê Quốc Huy ở khu vực giữa Đầm Môn. Gặp chúng tôi, ông Huy buồn rầu cho biết: “Trong số 3.000 con tôm gia đình tôi thả nuôi được 8 tháng, hơn 800 con tôm đạt trọng lượng hơn 0,4 - 0,5kg/con bị bệnh chết.
Ban đầu chỉ một vài con bị bệnh, sau bệnh lây lan khiến tôm chết dần. Tôi đã mua đủ thứ thuốc, kể cả thuốc kháng sinh dùng trị bệnh cho người để điều trị cho tôm nhưng vẫn không khỏi. Tình trạng này kéo dài thì đàn tôm không biết sẽ còn lại được mấy con”.
Bè nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Vũ Bảo cách đó không xa, đến thời điểm này cũng có đến 30% trong tổng số 1.000 con tôm được nuôi bị bệnh chết. Theo ông Bảo, hầu hết trong tổng số 1.200 ô lồng nuôi tôm ở xã Vạn Thạnh đều có tôm bị chết, tỷ lệ hao hụt lên đến hơn 40%.
Hiện nay, hàng ngày thương lái không chỉ thu mua tôm khỏe mà còn mua cả tôm bệnh. Ông Hà, một thương lái cho biết: “Ở Vạn Thạnh, mỗi ngày có hơn 10 thương lái đến thu mua tôm hùm. Từ tháng 9 đến nay, số tôm bệnh được thu mua lên đến vài trăm con mỗi ngày. Đến thời điểm này, tuy phần lớn tôm hùm nuôi bà con đã xuất bán, nhưng số tôm bị bệnh tôi thu mua cũng hơn 100 con/ngày, giá tôm bệnh chỉ mua 200.000 - 250.000 đồng/kg”.
Nguy cơ thua lỗ
Những ngày này, người nuôi tôm như ngồi trên đống lửa. Giá tôm thương phẩm thì cao nhưng tôm trong lồng vẫn liên tục chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến thăm bè của gia đình ông Lê Ngọ (thôn Đầm Môn), chúng tôi thấy ông ngồi co ro nhìn ra phía lồng tôm.
Gặng mãi ông mới trải lòng: “Thả 3.000 tôm giống từ đầu năm với chi phí bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng, nhưng mới trong vòng 2 tháng đã chết gần 1.000 con.
Từ 30 lồng giờ gom lại chỉ còn 16 lồng, kiểu này vụ tôm năm nay lại tiếp tục lỗ”. Cả cơ nghiệp của gia đình đã đánh cược hết vào tôm hùm, giờ tôm bệnh, chết từng ngày; những con còn lại cũng bỏ ăn. Điều này khiến ông buồn rầu suốt mấy tuần nay.
Bao năm qua, từng tiếp xúc với những người nuôi tôm hùm, thấy vô số những ngôi nhà cao tầng mọc lên từ tiền nuôi trồng hải sản, nhưng chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu nói đùa của họ: “Nuôi tôm hùm là đánh bạc với biển”. Quả vậy, nói theo kiểu dân dã là “trời thương thì được, trời lấy đành chịu”.
Ông Lê Thương (thôn Đầm Môn), một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm hùm ở đây cho biết, ông đã dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho tôm hàng ngày. Ban đầu bệnh có giảm, nhưng vài ngày sau lại tái phát, mỗi ngày tôm chết từ 3 đến 4 con, ngày nào nhiều thì 14, 15 con. Gia đình ông nuôi 2.000 con tôm đã hơn 8 tháng, nhưng 2 tháng nay đã hao hụt đến 40%. Bao nhiêu tiền của đổ vào con tôm giờ không biết bấu víu vào đâu.
Với một phép tính đơn giản, chỉ tính riêng hộ ông Thương mỗi ngày có 4 con tôm chết, bình quân mỗi con có trọng lượng 0,3kg, mỗi ngày ông mất gần 2,5 triệu đồng. Toàn huyện Vạn Ninh có gần 10.000 ô lồng nên số tiền thiệt hại là không nhỏ.
Theo ông Phan Văn Ni - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, hiện xã có 2.400 ô lồng đang được thả nuôi với mật độ 100 con/ô. Tổng đầu tư mỗi ô khoảng 60 triệu đồng. Hiện tôm đã chết khoảng 40%, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ thua lỗ rất cao.
Trò chuyện với những người có kinh nghiệm trong việc nuôi tôm hùm, tất cả đều khẳng định, với giá 2 triệu đồng/kg, người nuôi tôm chẳng mấy chốc mà giàu. Lâu lắm rồi tôm hùm mới đạt tới mức giá như hiện nay. Nhưng nghiệt nỗi, mất mùa lại được giá.
Đứng trên bè tôm vắng hoe, anh Lê Xuân Hạo (thôm Đầm Môn) bần thần, ngước đôi mắt buồn nhìn khách lạ. Anh cho biết: “Gia đình tôi thả 2.000 con tôm thì đã có phân nửa bị chết. Bao vốn liếng, rồi tiền mượn ngân hàng đều đổ cả vào đây, nếu chết nữa không biết lấy gì mà trả nợ. Nhiều khi tôi như người mất trí, chẳng thiết lặn xuống thăm tôm, vì nhìn thấy tôm chết lại đau lòng”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, năm 2014 huyện có khoảng 9.800 ô lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã... Tỷ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm thời gian qua khá cao.
Ông Nguyễn Hồng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh nhận định: “Năm nay, các loại bệnh sữa, đen đỏ thân là nguyên nhân gây chết tôm. Qua nắm bắt tình hình nuôi tôm tại khu vực Đầm Môn, khoảng 2 tháng nay, tôm hùm có hiện tượng chết rải rác.
Nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức ăn cho tôm không đảm bảo, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan”. Trước thực trạng này, Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh kiến nghị cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm nghiên cứu tìm ra cơ chế gây bệnh, nghiên cứu quy trình nuôi tôm hùm bền vững để người nuôi áp dụng.
Về phía các địa phương, cần giám sát chặt chẽ mật độ lồng bè nuôi tôm, môi trường nước; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng những biểu hiện lạ trên tôm hùm...
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa tống kê, chỉ tính riêng trong tháng 9-2014, tại vùng nuôi Vạn Thạnh, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), tôm hùm vẫn tiếp tục bị chết rải rác ở các lồng nuôi với mức độ thiệt hại 2 - 3 con/lồng, số lồng nuôi có tôm bị chết là 842 lồng, với số lượng tôm bị chết khoảng 2.050 con.
Ngoài ra, ở các vùng nuôi khác như: thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh cũng có tôm bị chết vì bệnh sữa, đỏ thân. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Theo kết quả điều tra dịch tễ, bước vào đầu mùa mưa là thời điểm bùng phát các loại bệnh trên tôm hùm như: bệnh sữa, đỏ thân, đen mang.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tôm hùm tại vùng nuôi Vạn Ninh và các địa phương khác trong tỉnh bị chết trong thời gian qua, tình hình tôm bị bị bệnh có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 12 năm nay”.
Theo bà Thúy, tác nhân gây bệnh là loại vi khuẩn Riketsia. Để nghiên cứu sâu hơn cơ chế gây bệnh của tác nhân này cũng như xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả nhất, Tổng cục Thủy sản đang xây dựng Đề cương về định hướng, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và quản lý, phòng, trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm nuôi tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Trong đó, Trường Đại học Nha Trang sẽ nghiên cứu về phần dịch bệnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III sẽ nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị, điều tra vùng nuôi…
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh khuyến cáo: Trong quá trình nuôi, người nuôi tôm hùm phải vệ sinh lồng bè cẩn thận; nên san thưa mật độ tôm trong lồng nuôi; hàng ngày phải theo dõi, quản lý kỹ thức ăn cho tôm, tránh tình trạng dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước, bổ sung định kỳ vitamin cho tôm để tăng sức đề kháng.
Khi tôm bị bệnh, không nên sử dụng kháng sinh và hóa chất một cách bừa bãi; tôm bệnh cần tách nuôi riêng để theo dõi, xử lý và điều trị theo đúng phác đồ đã được khuyến cáo, bởi phác đồ điều trị này cũng mang lại hiệu quả. Tôm chết cần được thu gom, đưa vào bờ xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Với 25 năm trồng cà phê, ông Ngô Văn Phi hiện có 7 ha cà phê trồng xen và 3 ha cà phê trồng thuần, mỗi năm thu 24 tấn cà phê nhân, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng
Trong năm qua anh Sang thu hoạch được khoảng 300 tấn trái/7,5 ha, bán giá bình quân 40.000 đ/kg, thu 12 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 8 tỉ đồng.
Bằng việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp kết hợp với dung dịch thảo dược, mô hình chăn nuôi heo sạch tại Quảng Ngãi đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Nông dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhờ chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa huệ, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Niên vụ sản xuất 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn trình diễn thành công nhiều mô hình thâm canh nhãn theo h