Ngọt, Chát Mùa Hồng Ở Nam Anh (Nghệ An)
Quả hồng ở xã Nam Anh (Nam Đàn) từ lâu nổi tiếng ngọt, ngon được thị trường đón nhận. Nhưng đằng sau vị ngọt đó luôn có những vất vả, lo toan…
Vào thời điểm này, dọc Quốc lộ 46 từ cầu Mượu đến Thị trấn Nam Đàn, nhiều người dân trải bạt ni lông bên hè đường bán hồng. Thi thoảng mới gặp một vài xe tải chất những bao hồng mang biển số Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa chạy ra hướng Bắc và rất nhiều xe máy đèo một vài bao hồng từ ngã ba Xuân Hòa, vùng núi Đại Huệ nối đuôi ra quốc lộ, ngược Đô Lương hay xuôi về Vinh. Khung cảnh đó còn kéo dài theo mùa hồng đến cuối tháng 11 âm lịch của năm.
Cây hồng ở Nam Anh đã bén rễ hàng chục năm qua. Trung bình mỗi nhà có vài cây đã cho thu hoạch gần tấn quả. Ông Nguyễn Văn Chất ở đội 6, xã Nam Anh có nhiều năm trồng hồng cho biết: “Trong vườn tui giờ có 6 gốc hồng đang cho thu hoạch. Cây hồng cổ thụ trồng từ năm 1968 mùa ni cho gần 3 tạ quả, còn 5 cây trồng từ năm 1993 tổng cộng cho khoảng dăm tạ nữa. Năm ngoái gia đình bán với giá 12.000 đồng/kg cho thu nhập 7,4 triệu đồng, năm nay có lẽ kém hơn.
Xóm này có 220 hộ dân thì đến 115 hộ trồng hồng, nhiều nhất là nhà anh Hồ Viết Vinh, năm ngoái bán được 2 tấn quả. Bên xóm 7 có ông Nguyễn Văn Hợi, có cây hồng lớn nhất xã, mỗi năm cho thu hoạch từ 4 đến 5 tạ quả”.
Theo ông Hồ Viết Sỹ - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã, thì trong 9 xóm của Nam Anh có đến 4 xóm (từ xóm 5 đến xóm 9), người dân có thu nhập từ cây truyền thống này. Cây hồng được trồng từ những năm kháng chiến chống Mỹ, theo chủ trương sơ tán di dân 4 làng Đức Sơn, Đức Nghĩa, Tiền Phong, Thành Công vào chân dãy Đại Huệ...
Đặc biệt, trong vòng 10 năm (từ 1991 đến 2000), xã được hỗ trợ dự án “phục tráng giống hồng địa phương” do Sở Khoa học - Công nghệ thực nghiệm. Từ đó, cùng với phong trào làm vườn VAC của Hội Nông dân xã, cây hồng Nam Anh mới thực sự thành thương hiệu.
Tùy theo thời tiết, mỗi năm toàn xã có sản lượng ước đạt trên dưới 500 tấn quả, tạo nguồn thu khoảng 6 tỷ đồng. Đó là con số rất có ý nghĩa với vùng đồi thiếu ruộng, đất xấu, thiếu nước tưới của xã. Tuy nhiên, muốn giàu lên từ cây hồng thì phải biết kết hợp trồng và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Trên địa bàn xã hiện có 5 hộ thu gom, dịch vụ ngâm, ủ và giao dịch bán ra ngoài với khối lượng lớn. Họ bao tiêu hơn 70% số lượng hồng quả bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Đương và Hồ Thị Hồng (xóm 6) làm công việc này đã 4 năm nay.
Anh Đương cho biết: “Vào thời vụ, mỗi ngày chúng tôi bán ra trung bình 1 tấn quả. Ngoài khách từ Vinh, Đô Lương và các xã lân cận còn có khách từ Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương vào. Mỗi chuyến họ chở từ 2 đến 4 tấn...”. Vất vả, công việc không ngơi tay nhưng mỗi tháng trung bình hai vợ chồng cũng thu lãi chừng 10 triệu đồng.
Nhờ vườn hồng và dịch vụ thu mua, tiêu thụ hồng quả mà kinh tế gia đình anh chị vươn lên khá giả, chu cấp cho con gái lớn học Đại học Tài chính Ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi phải trường vốn và nhiều khi cũng phải chấp nhận lỗ. Về vốn, phải có đủ 3 phần: để đặt cọc mua khi quả còn non trên cây, năm nào “rải quả” được vài chục triệu đồng mới cầm chắc. Ngoài ra còn vốn đầu tư công cụ ngâm ủ và vốn cho khách hàng nợ trả sau.
“Lời lãi cũng không nói trước được, nếu năm nào thuận lợi, trôi chảy mua 8 bán 12 thì cũng cho thu nhập khá, nhưng có những năm hồng mất giá, tiền bán bằng tiền “rải quả” thì cũng cố gắng cầm hòa. Làm nghề này cũng lắm gian truân vất vả” - anh Đương chia sẻ.
Người bán là vậy, người trồng hồng cũng gặp lắm trắc trở, gian truân. Ngay cả khâu chọn giống, loại cây này tạo giống đòi hỏi sự tỷ mỷ, công phu mà số lượng lại ít, không giống như các loài khác cứ ươm ghép giống ra hàng loạt. Muốn tạo giống hồng phải chắn rễ cây chủ, đợi rễ nảy mầm rồi khéo léo đào lên ươm.
Chăm sóc cẩn thận sau 3 năm mới chắc chắn bấng đi nơi khác trồng được. Trên nền đất khô cứng vùng đồi Nam Anh phải đào hố sâu, lớn, đổ đất màu với phân chuồng hoặc rác đã hoai. Cây hồng rất khó tính, nếu đất ngập nước thì chết úng, nhưng thiếu nước lại khẳng khiu, quả nhỏ và rất chát. Đến kỳ thu hoạch cũng không ít công phu. Cả hai loại hồng trứng (quả to, màu đỏ) và hồng cậy (quả nhỏ, màu vàng) đều phải qua công đoạn ủ dấm hoặc ngâm trong nước.
Chị Hồ Thị Hồng (xóm 6) cho hay: “Trước khi ngâm phải rửa sạch nhưng không được làm xây xát vỏ, trời ấm thì ngâm trong 3 ngày 3 đêm là vớt, nhưng trời lạnh thì phải mất 5 ngày 5 đêm. Ngâm quá lâu thì sẽ mất đi vị ngọt nhưng nếu ngâm chưa tới thì quả sẽ bị chát. Còn cách ủ dấm cũng giống như các loại chuối, dứa, hoa quả khác.
Ngâm nước hay dấm đều phải thức đêm, tay chân lúc nào cũng dâm dấp nước, dễ bị bệnh thấp khớp. Nỗi khổ còn ở chỗ người ta không biết hoặc cố ý nói xấu, phao tin bỏ hóa chất độc hại này nọ vào làm người mua ăn ngần ngại, sợ bị ngộ độc. Làm ra cân hồng, từ trồng đến dịch vụ vốn dĩ đã khó, những tin đồn thất thiệt đó càng gây thiệt hại cho người dân”.
Việc tiêu thụ hồng cũng khó nhọc cho các hộ “tự sản tự tiêu”. Dọc đường hoặc tại chợ cóc trên địa bàn xã Nam Anh, các hộ cứ khẩn khoản mời chào, nhiều người chỉ bán được một vài yến hồng mà phải mất cả ngày.
Một số hộ phải ra Quốc lộ 46, cơm đùm cơm nắm, ăn trưa qua loa mới bán được vài ba yến quả. Vào lúc thời vụ, vừa làm vụ đông vừa thu hoạch hồng, buộc các hộ phải thuê lao động ngoài xã vào thu hái. Mỗi ngày công trả từ 100-200 nghìn đồng. Do vậy, tính ra cũng chẳng còn lãi bao nhiêu.
Cây hồng Nam Anh cũng giống nhiều loại cây trồng khác, khi mất mùa thì thua lỗ, được mùa thì rớt giá. Trồng cho ra sản phẩm đã khó nhưng tiêu thụ lại còn khó khăn hơn. Bởi vậy mà bà con trồng hồng ở Nam Anh luôn “khẩn khoản”, mong chờ các doanh nghiệp, các cấp, ngành có sự phối hợp, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, họ mới có thể được trả công xứng đáng và có thể duy trì, nhân rộng cây hồng truyền thống…
Nguồn bài viết: http://www.baonghean.vn/kinh-te/201411/ngot-chat-mua-hong-o-nam-anh-559217/
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.
Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.
Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.
Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.