Ngô chuyển gen giá giống cao, nông dân dè dặt
Chúng tôi về ấp 1, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, được anh Duy S, chủ một đại lý cấp 2, cho hay: "Vừa qua, đại lý cấp 1 ở TX Long Khánh giao về cho tôi mấy chục kg giống chuyển gen NK66Bt/GT để bán cùng với các loại giống ngô lai bình thường.
Trong khi các loại giống ngô lai như NK67, NK7328, NK72 có giá từ 116-118 ngàn/kg, kể cả giống DK 6919, 6818 của Cty Dekalb (còn gọi là Monsanto) bình quân 115 ngàn/kg, giống CP Thái Lan giá thấp hơn, từ 80-110 ngàn/kg, thì giống NK66 Bt/GT biến đổi gen được nhà phân phối bán cho đại lý cấp 1 là 205 ngàn/kg, cấp 1 giao lại cấp 2 là 210 ngàn đồng/kg (qui cách 1 kg/bao, 10 bao/thùng)".
"Mình bán ra nông dân phải đội lên 215 ngàn, lãi 5.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với giá ngô bình thường. Do đây là giống mới nên nông dân chưa mặn mà lắm, sức mua còn chậm, có ngày bán ra chỉ vài ký" - anh S nói.
Nông dân Trần Văn Lắm, ấp 1, xã Sông Ray có 7 sào ngô, mua 5 kg giống NK66Bt/GT về trồng thử 2 sào, còn lại trồng giống ngô thông thường. "Tui chỉ mua mấy kg giống ngô biến đổi gen về trồng thử, đợi sau này thu hoạch, so sánh đối chứng coi giá thành mới biết giống nào có hiệu quả hơn" - ông Lắm nói.
Ông Lê Trọng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray cho biết, diện tích trồng ngô vụ hè thu năm 2015 của xã là 800 ha. Trồng ngô chi phí SX khá nặng, trong đó thuốc cỏ và công xịt, 1 ha mất khoảng 2,5 triệu đồng, riêng tiền công phun xịt đã là 150 ngàn/ngày; còn sâu đục thân (SĐT) thường phá hại vào giai đoạn chuẩn bị trỗ cờ, vào trái đóng hạt, thậm chí đục ngang cây làm mất năng suất nên phải mất thêm 1,5 triệu đồng/ha tiền thuốc phòng trừ.
"Hình thức canh tác giống ngô chuyển gen NK66Bt/GT không thay đổi gì nhiều so với các giống lai thường. Tuy nhiên, về quy trình canh tác thì có hai điểm chính khác biệt, đó là không phải phun thuốc trừ sâu đục thân và có thể phun trùm thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate để diệt cỏ tận gốc mà không ảnh hưởng gì đến cây ngô, giúp nông dân canh tác thuận tiện và dễ dàng hơn" (ông Ngô Lành, GĐ Thương mại Kỹ thuật Cty Syngenta VN). |
Vì thế, có giống ngô chuyển gen với ưu điểm là kháng SĐT và thuốc cỏ là nông dân rất mừng. Nhưng hiện chưa rầm rộ lắm, một phần do giá cao, phần khác kết quả thu hoạch thực tế chưa rõ thế nào nên người ta vừa trồng, vừa ngó là chính" - ông Sâm chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Thị Diệu, Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc, vụ hè thu diện tích trồng ngô toàn huyện là 5.300 ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha với các giống ngắn ngày là DK6919, 6818, 8868; NK6326, NK72; CP333...
"Giống ngô chuyển gen NK66Bt/GT bắt đầu đưa xuống trồng ở tỉnh Đồng Nai từ vụ hè thu này thông qua nhà phân phối là Cty CP Khử trùng VN (VFC). Tuy nhiên, theo ghi nhận thì nông dân vẫn đang "tò mò" là chính, người trồng, người không.
Họ sẽ so sánh chi phí giữa SX giống ngô thường và biến đổi gen để từ đó có sự chọn lựa. Bởi về sâu đục thân trên cây bắp thì ở đâu cũng có, nhưng không phải ở cấp độ nguy hiểm, nông dân hiện đã biết cách phòng trừ, nên vấn đề ở đây là năng suất, chi phí để biết giống ngô nào có hiệu quả hơn" - bà Diệu nói.
Một đại diện của nhà phân phối VFC cho biết, giống NK 66Bt/GT do Cty Syngenta nhập khẩu, Cty VFC mua đứt bán đoạn, hiện đã đưa xuống cho các đại lý cấp 1 ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... với chính sách một giá bán tới tay nông dân để SX đại trà là 210 ngàn/kg.
"Đại lý cấp 2 bán cho nông dân giá như thế nào thì khó kiểm soát được" - vị này nói.
Được biết, từ tháng 3/2015, 3 giống ngô biến đổi gen là NK66Bt, NK66GT và NK66 Bt/GT được phép thương mại hóa đưa vào SX đại trà tại các vùng trồng ngô trên cả nước.
Trong đó, giống NK66 Bt/GT áp dụng cho vùng trồng ngô có áp lực cao về sâu đục thân và sử dụng thuốc trừ cỏ ở giai đoạn ngô 3-4 lá. Năng suất trung bình của giống này qua khảo nghiệm là 9,24 tấn/ha, vượt trội so với giống nền từ 12,4-37,5%.
Có thể bạn quan tâm
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tháng 7 là thời điểm thích hợp cho việc thả nuôi tôm vụ mùa mới, bởi không chỉ thuận lợi về điều kiện thời tiết, nguồn nước, môi trường, mà dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Hiện, tại các địa phương vùng Nam Cà Mau, người nuôi tôm đang khẩn trương việc cải tạo ao, đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, tất bật với các hoạt động thả nuôi, chăm sóc, bảo vệ, hứa hẹn một mùa thắng lợi.
Ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các sông, hồ, kênh, rạch nội đồng rất phong phú và đa dạng. Song những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã giảm mạnh một cách đáng báo động.
Với điều kiện tương đối thuận lợi, nguồn nước dồi dào, thiên nhiên ưu đãi, những năm qua, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phát huy lợi thế, đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết đề án thí điểm tổ chức “khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” ở TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa có thông báo cho phép khai thác một số loài hải đặc sản tại vùng biển Bình Thuận. Theo đó, từ ngày 1/8/2015 đến hết ngày 31/3/2016, các tổ chức, cá nhân được khai thác các loài hải đặc sản bằng nghề lặn gồm sò lông, điệp quạt, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận.